Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/6: Cặp đôi HAG-HNG nổi sóng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/6: Cặp đôi HAG-HNG nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền vẫn đang luân chuyển mạnh và có dấu hiệu chốt lời ở nhóm bất động sản để tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành khác và phiên sáng nay đang có một vài tín hiệu mới ở nhóm nông nghiệp khi cặp đôi HAG-HNG bất ngờ hút mạnh lực cầu.

Trong phiên hôm qua, sau diễn biến không mấy thuận lợi ở phiên sáng khi áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến VN-Index lùi về sát vạch xuất phát, thị trường bước sang phiên chiều khá giằng co và nhưng bất ngờ đảo chiều, thử thách mốc 1.140 điểm trước khi thu hẹp biên độ tăng đôi chút. Thị trường đóng cửa tăng nhẹ và xác nhận phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh “xanh vỏ đỏ lòng”.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 29/6, áp lực bán đã gia tăng mạnh chỉ sau ít phút thị trường mở cửa, dù không quá lớn nhưng lại trên diện rộng khiến bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ, trong khi các bluechip cũng chỉ còn lác đác vài sắc xanh nhạt đã khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu và về gần 1.130 điểm trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Đáng chú ý nhất trong nửa đầu phiên sáng nay là cặp đôi cổ phiếu HNG-HAG, khi ngược dòng thị trường và tăng mạnh, với HNG thậm chí còn có lúc tăng kịch trần, trong khi HAG vọt 5% và thanh khoản khớp lệnh đang dẫn đầu thị trường với hơn 27 triệu đơn vị.

Trái lại, một số cổ phiếu vừa và nhỏ khác đang chịu áp lực bán khá mạnh và giảm khá sâu đều là những cái tên bất động sản, xây dựng như DIG, QCG, LGL, PTL, VPH, EVG…

Sức bật của thị trường chỉ giúp VN-Index trở lại gần ngưỡng 1.135 điểm và dao động nhẹ quanh ngưỡng này cho đến khi kết phiên do động lực vẫn còn khá yếu, trong khi lực bán luôn có dấu hiệu chực chờ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 85 mã tăng và 316 mã tăng, VN-Index giảm 4,45 điểm (-0,39%), xuống 1.133,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 432,5 triệu đơn vị, giá trị 7.974 tỷ đồng, tăng gần 12% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41 triệu đơn vị, giá trị 808 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu VN30 chỉ còn vài trụ đỡ là VNM, VCB, VRE và PLX, với VNM +1,8% lên 71.900 đồng và VCB +1,3% lên 102.400 đồng, còn VRE và PLX chỉ nhích nhẹ.

Phần còn lại đều giảm, nhưng mức giảm cũng không lớn, với HPG là cổ phiếu giảm mạnh nhất cũng chỉ -1,9% xuống 26.100 đồng. Các cổ phiếu TCB, STB, NVL, MBB, MSN, SSI và MWG theo sau với mức giảm chỉ từ 1,2% đến 1,7%.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vẫn là cặp đôi HAG và HNG nổi bật nhất, với HAG phiên này khớp lệnh cao nhất sàn khi có gần 30 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng 5,2% lên 8.360 đồng, trong khi đó, HNG đã leo lên giá trần +6,9% lên 4.160 đồng, khớp lệnh cũng có tới hơn 20 triệu đơn vị.

Một vài cái tên khác đáng kể chỉ còn BCE khi cũng tăng kịch trần +6,9% lên 7.000 đồng, khớp 0,45 triệu đơn vị, ST8 +4,2% lên 26.050 đồng, khớp 0,32 triệu đơn vị, PAN +3% lên 20.350 đồng, khớp 2,08 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng điểm khác với thanh khoản tương đối cao chỉ còn GSP, PHC, PVT, EIB, HCD, ITA, với mức tăng chỉ từ 1,3% đến hơn 2%.

Ở chiều ngược lại, giảm khá mạnh đến từ các cổ phiếu bất động sản, xây dựng như PTL -5,4% xuống 4.230 đồng, EVG -5,3% xuống 5.940 đồng, DXS -3,4% xuống 9.050 đồng, DIG -3,3% xuống 21.650 đồng, LGL -3,1% xuống 4.100 đồng, hay như các mã thép với NKG -3,3% xuống 17.550 đồng, POM -3,3% xuống 6.710 đồng, SMC -3,2% xuống 13.450 đồng…

Trên sàn HNX, sắc đỏ lấn át cũng đã khiến HNX-Index lùi về dưới tham chiếu khá sớm và đi ngang quanh vùng giá thấp cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 1,48 điểm (-0,64%), xuống 228,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,67 triệu đơn vị, giá trị 757,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,46 triệu đơn vị, giá trị 94,4 tỷ đồng.

Các mã tăng chỉ còn VC3 +7,1% lên 25.600 đồng, PVB +3,5% lên 23.400 đồng, trong khi PVS, HUT, PVC, TDT chỉ tăng nhẹ.

Các cổ phiếu lớn và thanh khoản cao khác đều giảm, nhưng đa số chỉ giảm nhẹ, như SHS -2,2% xuống 13.200 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX khi có hơn 16 triệu đơn vị.

Các mã CEO, MBS, MBG, LIG, TNG, IDC chỉ giảm trên dưới 1%, nhóm BVS, NRC, VC2 mất 2-3% và giảm sâu hơn có AAV -5,1% xuống 5.600 đồng, PPT -6% xuống 15.800 đồng.

Nhóm cổ phiếu API, APS và IDJ vẫn nằm sàn, với khối lượng dư bán sàn chất đống, khi API dư bán hơn 6,25 triệu đơn vị, APS dư bán hơn 13,5 triệu đơn vị và IDJ dư bán hơn 18,7 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giảm nhẹ sau những phút đầu le lói sắc xanh.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm -0,14 điểm (-0,17%), xuống 85,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,9 triệu đơn vị, giá trị 288 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 13,9 tỷ đồng.

Trong số các cổ phiếu thanh khoản cao nhất, chỉ còn cặp đôi dầu khí BSR và OIL tăng, nhưng mức tăng cũng chỉ 1% lên lần lượt 17.700 đồng và 10.400 đồng, trong đó, BSR vẫn là mã khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 4,8 triệu đơn vị.

Ở phía sau, các cổ phiếu khớp từ 0,25 triệu đến gần 1,5 triệu đơn vị, chỉ có ABB, DDV, VHG, VGT đứng tham chiếu, còn lại đều giảm, dù may mắn đa số chỉ giảm nhẹ.

Tin bài liên quan