Giao dịch chứng khoán phiên sáng 7/11: Thị trường rung lắc, CTD tiếp tục bứt phá

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 7/11: Thị trường rung lắc, CTD tiếp tục bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cản lớn sau 6 phiên tăng liên tiếp và ngưỡng cản gần 1.095-1.100 điểm đang khiến thị trường chững lại đà hồi phục. Trong khi đó, sự chú ý dồn vào CTD khi tiếp tục duy trì đà tăng mạnh sau báo cáo kết quả kinh doanh tích cực hơn cùng kỳ.

Trong phiên hôm qua, thị trường mở cửa khá tích cực và VN-Index có thời điểm đã tiến gần tới ngưỡng 1.090 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm bluechip, với điểm tựa chính từ các mã ngân hàng.

Sau giờ nghỉ trưa, VN-Index rung lắc nhẹ quanh 1.085 điểm và lực cầu khá tích cực trong đợt khớp lệnh ATC đã giúp bảng điện tử trở nên xanh hơn, đồng thời kéo chỉ số VN-Index lên mức giá cao nhất trong ngày, áp sát mốc 1.090 điểm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 7/11, sức ép gia tăng sau sáu phiên tăng liên tiếp đã khiến VN-Index mở cửa giảm điểm nhanh và về gần 1.080 điểm, nhưng sức cầu cũng nhanh chóng quay trở lại đưa chỉ số về lại gần vùng tham chiếu sau hơn một giờ giao dịch.

Xu hướng trở lại trạng thái thận trọng kéo thanh khoản suy yếu nhanh và sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử dù lực cung giá thấp gần như ít xuất hiện, trong khi sức cầu cũng chỉ dừng lại ở mức thăm dò tại một số ít các cổ phiếu riêng lẻ.

Trong đó, cổ phiếu CTD tiếp tục bay cao và có thời điểm đã tăng kịch trần tại 62.800 đồng, khớp hơn 2,3 triệu đơn vị. Trước đó, cổ phiếu này đã có ba phiên liên tiếp tăng và hai trong số đó tăng hết biên độ.

Đà tăng của CTD có thể đến từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I (niên độ tài chính của CTD từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau) với doanh thu đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt gần 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3,5 tỷ đồng.

Theo sau là một số cổ phiếu đáng chú ý tại các nhóm nguyên vật liệu, bán lẻ, xuất khẩu, vận tải, hóa chất, dầu khí như KSB, MWG, TLH, HAH, TCO, DCM, DBC, GIL, PVT, PSH, PC1, với mức tăng 3-4%.

Lực cầu kéo VN-Index chạm tham chiếu sau nửa đầu phiên, nhưng chừng đó là không đủ giúp chỉ số tiến bước khi lực cản tâm lý vẫn tương đối lớn, giao dịch ảm đạm và thanh khoản sụt giảm mạnh khiến chỉ số đảo chiều về quanh 1.085 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 134 mã tăng và 309 mã giảm, VN-Index giảm 5,42 điểm (-0,50%), xuống 1.084,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 248,1 triệu đơn vị, giá trị 4.871,5 tỷ đồng, giảm hơn 21% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 147 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có đến 22 mã giảm, nhưng đa số cũng chỉ giảm nhẹ, với VRE tuy là cổ phiếu giảm sâu nhất cũng chỉ -2,3% xuống 23.450 đồng, BCM -1,9% xuống 58.300 đồng, SSB và VJC cùng mất 1,6% xuống 24.900 đồng và 105.600 đồng, giảm hơn 1% chỉ còn VCB, TCB, VIC, MSN, STB, VNM.

Những cổ phiếu tăng điểm đều chỉ nhích nhẹ là VPB, GVR, PLX, GAS và MWG với mức tăng chỉ 0,24% đến 0,8%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực cầu chững lại và chỉ còn lác đác một vài cổ phiếu vượt trội, với CTD vẫn là điểm nhấn, dù đã không còn giữ được giá trần, kết phiên CTD +5,3% lên 61.800 đồng, khớp 2,55 triệu đơn vị.

Các mã MHC +3,8% lên 8.300 đồng, PC1 +3% lên 27.450 đồng, PVT +2,9% lên 24.650 đồng. Nhích hơn 2% toàn sàn với thanh khoản khá cũng chỉ còn TLH, TNT, PSH, TCO, DCM, CNG, PVP…

Trái lại, dù có hơn 300 mã giảm, nhưng phần lớn các cổ phiếu cũng không chịu lực cung giá thấp quá lớn, dù vậy, phần lớn các mã ở nhóm thanh khoản cao nhất sàn đều kết phiên trong sắc đỏ, tập trung ở các nhóm bất động sản, công ty chứng khoán, bất động sản như PDR, HCM, TCH, NKG, VCI, GEX, HSG, DXG, NVL, DIG, VND, khớp từ 1,68 triệu đến gần 8 triệu đơn vị.

Phiên này, cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn là VIX với gần 14 triệu đơn vị và cổ phiếu này tạm dừng chân ở tham chiếu tại 13.850 đồng.

Trên sàn HNX, bảng điện tử cũng phân hóa mạnh, nhưng HNX-Index đã tạm kết phiên trong sắc xanh sau khi lực bán chững lại ở những phút cuối.

Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,18%), lên 219,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,8 triệu đơn vị, giá trị 817,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,92 triệu đơn vị, giá trị 24,1 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu đáng chú ý là VC7, TTH và PVB khi đều kết phiên trong sắc tím, với PVB và TTH khớp lần lượt 0,81 triệu và 0,63 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng khác còn PVC +7,3% lên 14.700 đồng, PVS +2,6% lên 25.900 đồng, còn MBS, IDC, EVS chỉ nhích nhẹ.

Các mã giảm cũng đa số chỉ mất điểm nhẹ như CEO -0,9%, HUT -0,5%, TNG -0,5%, IDJ -1,7%, NRC -2%...

Cổ phiếu đáng chú ý là SHS, khi mở cửa bị bán mạnh và giảm sàn và được kéo mạnh tăng điểm, trước khi lùi về giá tham chiếu tại 16.000 đồng, khớp lệnh vượt trội với hơn 17,8 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau ít phút đầu rung lắc nhẹ quanh tham chiếu cũng đã lùi về sắc đỏ và giằng co ở vùng giá thấp cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,20%), xuống 84,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,2 triệu đơn vị, giá trị 270 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 13,5 triệu đơn vị, giá trị 172,4 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 12,5 triệu cổ phiếu CC1 ở mức giá sàn, trị giá hơn 152,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí trên UpCoM hoạt động tốt hơn phần còn lại với PXI tăng cao nhất +7,7% lên 2.800 đồng, PFL +3,5% lên 3.000 đồng, trong khi PXS, OIL và BSR chỉ nhích nhẹ, với BSR khớp lệnh cao nhất UPCoM khi có hơn 5,7 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan