Sau phiên quay đầu điều chỉnh giảm ngày đầu tuần 21/7, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng nhờ dòng tiền tham gia sôi động. Chỉ số VN-Index vững vàng trên mốc 1.500 điểm và đang ngày càng tiến gần vùng đỉnh lịch sử khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/7 chỉ còn cách chưa tới 10 điểm.
Việc xảy ra những nhịp rung lắc và giằng co trong những phiên gần đây là khó tránh khỏi khi chỉ số chung đã trải qua chuỗi ngày dài tăng mạnh và dòng tiền cũng luân chuyển giữa các nhóm ngành.
Về kỹ thuật, chỉ báo CMF tiếp tục neo giữ ở vùng cao, trong khi dấu hiệu phân kỳ âm ở hai chỉ báo RSI và MACD chưa hoàn toàn được xóa bỏ, nên diễn biến rung lắc trong ngắn hạn vẫn còn hiện hữu.
Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng 25/7, mặc dù tâm lý thận trọng khiến thị trường giao dịch khá chậm, nhưng sắc xanh vẫn là màu chủ đạo trên bảng điện tử và VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ.
Mặc dù sau đó VN-Index quay đầu điều chỉnh nhẹ bởi áp lực gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip, nhưng chỉ số này đã nhanh chóng quay đầu hồi phục nhờ lực cầu gia tăng mạnh.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng hơn 5 điểm và áp sát vùng đỉnh lịch sử với điểm nhấn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Điển hình, cổ phiếu VSC tiếp tục phá đỉnh lịch sử và hiện đang đứng tại mức giá 22.950 đồng/CP với khối lượng dư mua trần 2,7 triệu đơn vị cùng thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường.
Bên cạnh đó, VIX và VCG cũng biến động quanh mức giá trần với thanh khoản sôi động, đạt gần 20 triệu đơn vị; DBC cũng ghi nhận mức tăng trên dưới 5% và khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị; GEX có thời điểm cũng khoe sắc tím và hiện đang tăng 4%; các mã EVF, DIG, POW đều khớp hơn chục triệu đơn vị và giao dịch khởi sắc…
Ngay sau khi chớm vượt đỉnh lịch sử, thị trường đã nhanh chóng quay đầu hạ nhiệt do nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép lên thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 187 mã tăng và 118 mã giảm, VN-Index tăng 2,26 điểm (+0,15%), lên 1.523,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 727,2 triệu đơn vị, giá trị 18.478 tỷ đồng, giảm 3,3% về khối lượng và tăng 2,85% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
Nhóm VN30 là tác nhân chính khiến thị trường trở nên đuối sức khi chốt phiên đảo chiều giảm gần 3 điểm, với 9 mã tăng và 17 mã giảm. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup tác động mạnh nhất khi lấy đi hơn 4 điểm của chỉ số chung, chốt phiên VIC giảm 2,2%, VHM và VRE cùng giảm 1,8%; các cổ phiếu khác đều giảm quanh mức 0,5%.
Ngược lại, cổ phiếu SSB tăng tốt nhất là 2,8%, tiếp theo là SSI tăng 2,7%, VPB tăng 1,9%, ACB tăng 1,5%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VIX tăng kịch trần lên mức 24.050 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 29 triệu đơn vị, LDG dư mua trần tới hơn 2 triệu đơn vị, VSC không giữ được sắc tím nhưng chốt phiên vẫn tăng 6,8% lên sát trần và thanh khoản đạt 23,4 triệu đơn vị, VCG cũng tăng sát trần với khối lượng khớp 20,4 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán dù hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn là nhóm tăng tốt của thị trường với SSI tăng 2,7% và khớp 27,83 triệu đơn vị, VND tăng 1,8% và khớp 20,4 triệu đơn vị, VCI, FTS đều tăng hơn 1%...
Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, vận tải đều tăng nhẹ.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất dù chỉ giảm 1%, bởi tác nhân chính là các cổ phiếu Vin.
Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp biên độ tăng về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 80 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 1,6 điểm (+0,64%), lên 252,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 75,5 triệu đơn vị, giá trị 1.406 tỷ đồng.
Tâm điểm giao dịch của thị trường là cặp đôi SHS và CEO. Chốt phiên, SHS tăng 1,7% và khớp hơn 17,5 triệu đơn vị và CEO tăng 23,% và khớp 15,2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, điểm sáng là cổ phiếu vừa và nhỏ TIG chốt phiên tăng kịch trần với thanh khoản đứng thứ 3 thị trường, đạt hơn 3,9 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác như PVC, HUT, VTZ, TNG đều tăng hơn 1% với thanh khoản cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường diễn biến có phần tích cực khi nhẹ biên độ tăng về cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,75 điểm (+0,71%), lên 105,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 61,5 triệu đơn vị, giá trị 542 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ cũng là tâm điểm trên UPCoM, trong đó HBC chốt phiên tăng 4,2% và thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 6,5 triệu đơn vị; BCR tăng 4,3% và khớp 4,88 triệu đơn vị.
Ngoài ra, AAS tăng 5,1%, POM tăng kịch trần, OIL tăng 2,5%, C4G tăng 2,3% với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.