Giao dịch chứng khoán sáng 27/3: Thị trường rung lắc, nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng tốc

Giao dịch chứng khoán sáng 27/3: Thị trường rung lắc, nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đua nhau tăng tốc cùng giao dịch sôi động.

Dù một số thông tin trên thị trường quốc tế và cả trong nước đang dần tạm ổn nhưng vẫn chưa đủ tạo niềm tin để kéo dòng tiền đổ vào thị trường. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, dưới mức trung bình 20 tuần, bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước những biến động của thị trường toàn cầu.

Về diễn biến chỉ số VN-Index, thị trường tiếp tục có thêm tuần đi ngang và vùng 1.050 – 1..65 điểm vẫn là vùng kháng cự mạnh. Trên biểu đồ tuần xuất hiện nến đảo chiều “Hammer”, nhưng là trong giai đoạn Sideway, nên chưa mang nhiều ý nghĩa cho sự đảo chiều tăng điểm ngay. Song, sự xuất hiện này cũng cho thấy áp lực giảm điểm đang có chiều hướng chững lại.

Theo CSI, xu hướng tăng điểm chưa được xác nhận, nhưng đã có tín hiệu hồi phục từ các nhóm ngành phản ứng nhạy với thị trường trong tuần qua như: Bất động sản, chứng khoán… nên đây có thể là tín hiệu sớm cho một nhịp hồi phục đang được nhen nhóm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 27/3, dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm. Chỉ số VN-Index chỉ kịp xanh nhẹ và chưa chạm được mốc 1.050 điểm đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, thị trường vẫn trong trạng thái giảm nhẹ dù số mã tăng trên bảng điện tử chiếm ưu thế hơn. Tất cả các nhóm ngành đều có mức biến động tăng giảm khá hẹp, trong đó rổ VN30 đang có diễn biến cùng chiều với trạng thái điều chỉnh của thị trường.

Mặc dù phần lớn các chuyên gia đều đánh giá Nghị quyết 33/NQCP là một chuỗi giải pháp mang tính dài hạn nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản vượt khó, nhưng đã có những tín hiệu tích cực ở một số cổ phiếu sau khi doanh nghiệp đưa ra thông tin gia hạn thành công trái phiếu.

Trong đó, sau pha bùng nổ cuối tuần qua ngày 24/3, cổ phiếu NVL tiếp tục tăng mạnh mẽ trong phiên sáng nay khi Công ty gia hạn thành công 2 lô trái phiếu với trị giá 1.750 tỷ đồng. Có thời điểm NVL tiến sát mức giá trần và hiện đang tăng khá tốt 5%, tạm đứng tại mức giá 12.500 đồng/CP với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ như DIG, DXG, HQC cũng tăng mạnh trên dưới 2% và đều thuộc top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên thị trường tại thời điểm này.

Tuy nhiên, điểm sáng thị trường lại thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán. Hiện đây là nhóm đang dẫn đầu đà tăng của thị trường với các mã tiếp tục nới rộng biên độ tăng sau phiên khởi sắc cuối tuần trước. Cụ thể, SSI, HCM, VND cùng tăng hơn 1%, VCI tăng 3,5%, FTS tăng 3%, CTS tăng 2,7%, BSI có thời điểm chạm trần và hiện vẫn đang là mã tăng tốt nhất ngành với 5,8%...

Sự thiếu tự tin của nhà đầu tư khiến thị trường biến động rung lắc, chỉ số VN-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu trong biên độ hẹp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 198 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,42 điểm (+0,04%) lên 1.047,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 247,92 triệu đơn vị, giá trị 4.208,82 tỷ đồng, giảm 2,38% về khối lượng và tăng nhẹ 1,93% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 24/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,5 triệu đơn vị, giá trị 307,88 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là tâm điểm chính của thị trường tiếp tục nới rộng biên độ. Trong đó, SSI tăng 3,4% lên 21.150 đồng/CP và có thanh khoản tốt nhất ngành, đạt hơn 15 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác cũng đều tăng tốt, trong đó BSI vẫn là điểm sáng khi kéo trần thành công, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 19.450 đồng/CP, tăng 6,9% với khối lượng khớp hơn 0,77 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,17 triệu đơn vị. Ngoài ra, cặp VIX và VND lần lượt tăng 4,3% và 2,3% với thanh khoản đều đạt hơn 10 triệu đơn vị, FTS tăng 4,4%, VCI tăng 3,5%, CTS tăng 3%, HCM tăng 2,4%...

Nhóm ngân hàng phân hóa trong biên độ hẹp với mức tăng giảm chủ yếu trên dưới 0,5%, trong đó VCB, SHB, SSB, LPB mất điểm; còn BID, CTG, TCB, VPB, ACB, MBB nhích nhẹ. Cổ phiếu VPB chốt phiên cũng chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 21.200 đồng/CP, nhưng là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 16,44 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi VHM đã đảo chiều giảm, thì một số mã vừa và nhỏ vẫn giữ được sắc xanh nhưng không còn tăng mạnh mẽ như phiên cuối tuần trước. Trong đó, NVL tăng 3,8%, DIG tăng 0,8%, HQC tăng 2%, DXG tăng 2,1%, VCG tăng 0,7%...

Bộ 3 cổ phiếu thép cũng đã đảo chiều hồi phục thành công, với HPG tăng % lên đồng/CP, HSG tăng 1% lên 20.600 đồng/CP, NKG tăng 1,6% lên 16.150 đồng/CP. Trong đó, HPG vẫn sôi động nhất ngành với hơn 8,37 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thị trường cũng biến động rung lắc trong biên độ hẹp và đã tạm dừng phiên sáng trong sắc xanh nhạt với thanh khoản sụt giảm mạnh.

Chốt phiên, sàn HNX có 67 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,06%) lên 205,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,16 triệu đơn vị, giá trị 354,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,78 triệu đơn vị, giá trị 17,86 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn có giao dịch nổi bật trên sàn HNX với hơn 10,43 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa vị trí thứ 2 là CEO khớp 2,4 triệu đơn vị. Đồng thời, chốt phiên SHS tăng nhẹ 1,1% lên 9.000 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu chứng khoán khác cũng sôi động và giao dịch khởi sắc như MBS tăng 2,1% lên 14.600 đồng/CP và APS tăng 4,2% lên 10.000 đồng/CP, đều thuộc top 5 thanh khoản cao trên thị trường, lần lượt đạt 1,5 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên tăng nhẹ, thị trường đã đảo chiều điều chỉnh về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,33%) xuống 75,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,64 triệu đơn vị, giá trị 94,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,25 triệu đơn vị, giá trị 6 tỷ đồng.

Chỉ có 2 mã nhỏ là LMH và SBS có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, LMH chốt phiên đứng giá tham chiếu và khớp 2,67 triệu đơn vị, còn SBS tăng 2% lên 5.200 đồng/Cp và khớp 1,69 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR chốt phiên tăng nhẹ 0,7% lên 15.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 0,89 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan