Giao dịch nội gián cổ phiếu FBT: Nộp phạt vẫn… vui!

Ngày 17/3/2009, UBCK công bố xử phạt 4 cá nhân và 1 pháp nhân, với tổng số tiền là 190 triệu đồng, do giao dịch sử dụng thông tin nội gián để đặt mua gần 3 triệu cổ phiếu FBT (khối lượng khớp là 1,424 triệu cổ phiếu) của CTCP Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre.

Cụ thể, trong thời gian 2 tháng (từ 16/7/2008 đến 19/9/2008), những người trên đã sử dụng thông tin nội bộ về việc  FBT được hoàn trả 233 tỷ đồng phần thặng dư vốn phát hành thêm khi cổ phần hóa để mua cổ phiếu trước khi những thông tin này được công bố ra công chúng (xem bảng), vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 9 Luật Chứng khoán. Xét tính chất và mức độ vi phạm, UBCK đã phạt tiền 70 triệu đồng đối với Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương và 30 triệu đồng/cá nhân đối với 4 cá nhân còn lại theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP.

Đây là vụ giao dịch nội gián lớn (trong số ít vụ được phát hiện từ trước đến nay), nhưng mức độ xử phạt có thể nói là quá nhẹ. Ngoài ra, việc UBCK phát hiện và xử phạt quá muộn (sau hơn nửa năm) liệu có đủ sức răn đe những hành vi vi phạm tương tự?

Trước khi thông tin nêu trên chưa được công bố, giá cổ phiếu FBT biến động cùng nhịp với VN-Index. Nhưng khi thông tin này được công khai (ngày 22/9/2008 trên trang web của HOSE), giá cổ phiếu FBT có xu hướng tăng mạnh, từ mức 10.000 đồng/CP ngày 24/7/2008 lên mức cao nhất 23.300 đồng/CP ngày 29/9/2008 (tăng tổng cộng 133%, trong khi VN-Index tăng 9,9%), sau đó thường xuyên giữ giá trong khoảng 16.000 - 18.000 đồng/CP cho đến nay (trung bình hơn 17.000 đồng/CP).

Do UBCK không công bố chính xác thời điểm mua vào của các NĐT này, cũng như liệu họ đã bán ra hay chưa, nên khó biết khoản lời mà họ thu được. Tuy nhiên, có thể làm một phép tính đơn giản với hơn 1,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh và được bán thành công, mức chênh lệch khiêm tốn giữa giá mua và giá bán là 4.600 đồng/CP (giá bình quân từ 16/7/2008 đến 19/9/2008 là 12.900 đồng/CP, từ sau 19/9/2008 đến nay là 17.400 đồng/CP), thì con số lợi nhuận cũng lên tới 6,4 tỷ đồng.

Một vấn đề khác là trong số 5,5 triệu cổ phiếu FBT được khớp lệnh trong giai đoạn trên, mới chỉ có 1,4 triệu là của nhóm cổ đông này bị phát hiện do có liên quan trực tiếp tới Công ty. Liệu có ai khác được hưởng lợi từ thông tin nội gián đó mà không bị phát hiện?

Là NĐT tham gia trên thị trường đã lâu, qua vụ việc trên, tôi thấy TTCK Việt Nam vẫn còn chưa phát triển, thiếu sự minh bạch và công khai, gây thiệt thòi cho NĐT cá nhân nhỏ lẻ.

Đối tượng vi phạm

Đặt mua

Khớp

Phạt

(triệu đồng)

Thời gian

Nguyễn Văn Phước,

em ruột Chủ tịch HĐQT FBT

1.289.400

518.430

30

16/7 -19/9/2008

Nguyễn Hữu Thuần,

cán bộ Sở Tài chính tỉnh Bến Tre

59.390

30.700

30

24/7 - 17/9/2008

Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương, có đại diện là thành viên HĐQT FBT

985.820

550.130

70

28/7 - 19/9/2008

Quảng Thanh Liêm,

em rể Chủ tịch HĐQT FBT

371.270

142.000

30

13/8 - 19/9/2008

Trương Thành Dũng, có quan hệ hợp tác kinh doanh với FBT

236.500

183.150

30

9/9 - 16/9/2008

Tổng cộng

2.942.380

1.424.410

190

2 tháng