Giáo sư David L. Rogers: Chuyển đổi số nên đi từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống

Giáo sư David L. Rogers: Chuyển đổi số nên đi từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Giáo sư David L. Rogers, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ mà cả việc thay đổi tư duy và chuyển đổi nên đi từ dưới lên (bottom-up) chứ không phải từ trên xuống (top down).

Nhận định trên được Giáo sư David L. Rogers - chuyên gia chuyển đổi số hàng đầu thế giới chia sẻ tại hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai" do Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tổ chức ngày 8/11.

Giáo sư David L. Rogers cho rằng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số không ngừng thay đổi. Đây là thách thức diễn ra trong rất nhiều ngành hiện nay và cũng sẽ ảnh hưởng toàn diện tới tất cả các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nghĩ tới dữ liệu vì đây là tài sản đóng vai trò cốt lõi trong chặng đường phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Lấy thí dụ về một số lĩnh vực, sâu hơn là ngành tài chính ngân hàng, quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ không hề dễ dàng. Ông dẫn số liệu nghiên cứu cho thấy, có tới 70-80% chiến dịch chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã không mang lại kết quả mong muốn.

Giáo sư David L. Rogers chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai"

Giáo sư David L. Rogers chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai"

"Chuyển đổi số phải là tổng hòa của hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức. Muốn thành công trong chuyển đổi số, phải đặc biệt chú ý tới hai yếu tố này", ông khẳng định.

Với sự trỗi dậy của Fintech, GS David L. Rogers cũng nhấn mạnh, các ngân hàng truyền thống phải chuyển đổi hoạt động để đáp ứng kỳ vọng mới của khách hàng và mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Họ cũng nên sẵn sàng hợp tác với Fintech, tạo ra một hệ sinh thái để cộng tác thay vì cố gắng đổi mới một cách cô lập.

Lấy ví dụ tại Hoa Kỳ, một số ngân hàng tập trung cao độ vào việc số hóa hoạt động kinh doanh cốt lõi, mở rộng sang các dịch vụ tài chính mới như giải pháp an ninh mạng và thúc đẩy tăng trưởng thông qua các công cụ tăng tốc khởi nghiệp mạnh mẽ. Điển hình là MasterCard, hợp tác với các công ty khởi nghiệp Fintech giai đoạn đầu, tích hợp chúng vào mạng của họ để kết nối với các ngân hàng và thương gia toàn cầu.

Giáo sư David L. Rogers là chuyên gia chuyển đổi số với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, CitiGroup, Visa, HSBC, Unilever, Toyota và nhiều tổ chức uy tín khác. Cuốn sách “The Digital Transformation Playbook” (Chiến lược chuyển đổi số) của ông đã được xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một trong những cuốn sách đáng đọc nhất về thực tế triển khai chuyển đổi số.

“Một ví dụ gần gũi hơn tại Việt Nam chính là MB. MB đã tạo ra lợi thế nhờ việc phát triển ứng dụng của họ, vượt xa nhiều ngân hàng bán lẻ truyền thống khác, cho phép khách hàng tiếp cận nhiều dịch vụ khác nhau, không chỉ của riêng họ. Đó là một ví dụ điển hình về việc nhìn xa hơn các dịch vụ thông thường và sẵn sàng hợp tác với các công ty khác” GS David L. Rogers cho biết.

Đặc biệt trong phần trình bày của mình, GS David L. Rogers đã đề cập tới việc chuyển đổi nên đi từ dưới lên (bottom-up) chứ không phải từ trên xuống (top down).

Vậy làm thế nào để những người ở cấp thấp hơn hoặc cấp trung có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo của họ áp dụng cách tiếp cận này một cách hiệu quả, GS David L. Rogers cho rằng, phong cách quản lý từ trên xuống truyền thống đã lỗi thời và không thể thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi.

"Quản lý hiện đại nên trao quyền cho các cá nhân ở mọi cấp độ để đưa ra quyết định và đổi mới. Các nhà lãnh đạo nên đặt ra tầm nhìn, kết quả và các ưu tiên, sau đó cho phép người khác tạo ra ý tưởng dựa trên dữ liệu và thúc đẩy đổi mới. Việc lập kế hoạch tập trung là quá chậm đối với thế giới có nhịp độ nhanh ngày nay", ông nhấn mạnh.

Gợi mở về yếu tố công nghệ, vị diễn giả cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần tìm ra công nghệ số phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tìm ra… nhân tài số. Các chuyên gia lập trình, AI… có đủ kinh nghiệm, phù hợp và có tinh thần học hỏi, sẵn sàng thử nghiệm rất quan trọng trong quá trình này. Để tạo nên nguồn lực này, các công ty có thể thông qua quá trình chuyển dụng, tự đào tạo… Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải tạo ra môi trường tốt để giữ chân nhân tài.

Hội thảo Quốc tế “Digitalize to Revolutionize – Định hình nền kinh tế số tương lai” với mục tiêu mang lại những bài học kinh nghiệm chuyển đổi số thực tế từ chuyên gia hàng đầu thế giới.

Hoạt động nằm trong chuỗi kế hoạch dài hạn thường niên về việc đưa những phương pháp luận, bài học thực tiễn triển khai trên thế giới đến với MB và các đối tác của MB, từ đó góp phần khai phóng các nguồn lực quốc gia cho quá trình kiến tạo nền kinh tế số bền vững.

Tin bài liên quan