Giới đầu chờ đợi Fed trong lo lắng

Giới đầu chờ đợi Fed trong lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục ảm đạm trong phiên ngày thứ Ba (14/12) sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy giá sản xuất tăng hơn dự kiến ​​trong tháng 11, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Ba cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng 0,8% trong tháng 11, cao hơn 0,3% so với dự báo của các nhà kinh tế. Tính theo năm, PPI đã tăng 9,6% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 11/2010.

Với việc tất cả các dữ liệu mới nhất đều cho thấy lạm phát tăng nóng, nhiều nhà đầu tư đặt cược, ngân hàng trung ương Mỹ sau cuộc họp tuần này sẽ thông báo đẩy nhanh tốc độ giảm mua tài sản, và sau đó sẽ dọn đường để sớm công bố tăng lãi suất, kiềm chế đà tăng chóng mặt của giá cả.

Đà giảm trên phố Wall đêm qua dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ lớn, với cổ phiếu Salesforce.com, Microsoft , Adobe và Alphabet đều giảm.

Cổ phiếu Apple cũng lao dốc sau khi nhà sản xuất iPhone cho biết sẽ yêu cầu khách hàng và nhân viên đeo khẩu trang tại các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ khi số ca Covid-19 tăng đột biến.

Cổ phiếu Ford mất gần 1,9% sau thông tin rằng đến năm 2030, Toyota sẽ đầu tư 35 tỷ USD vào xe điện chạy bằng pin, lĩnh vực mà Ford đang tìm cách khẳng định vị trí dẫn đầu.

Cổ phiếu Tesla giảm 0,8% sau khi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) tiết lộ CEO Elon Musk đã bán thêm 906,5 triệu cổ phiếu của hãng xe điện.

Cả 3 chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa sắc đỏ. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Nasdaq Futures và Dow Futures đang đi lên.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Dow Jones giảm 106,77 điểm (-0,30%), xuống 35.544,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 34,88 điểm (-0,75%), xuống 4.634,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 175,64 điểm (-1,14%), xuống 15.237,64 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ ba, đánh dấu phiên thứ năm liên tiếp giảm điểm khi nhà đầu tư vẫn thận trọng trước thềm các cuộc họp quan trọng tuần này của các ngân hàng trung ương trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng.

Viện Ifo của Đức cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của nước này cho năm 2022 với quan điểm làn sóng Covid-19 lần thứ tư và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung vẫn tiếp diễn đang làm chậm nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,08 điểm (-0,18%), xuống 7.218,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 168,16 điểm (-1,08%), xuống 15.453,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 47,60 điểm (-0,7069%), xuống 6.895,31 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Fed, trong khi sự lây lan của biến thể Omicron cũng khiến tâm lý thị trường thêm tiêu cực.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do tổn thất ở nhóm cổ phiếu vật liệu, bất động sản, tài chính và các công ty tiêu dùng.

Chứng khoán Hồng Kông giảm trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về biến thể Omicron, trong khi cổ phiếu bất động sản tiếp tục lùi sâu bởi rủi ro vỡ nợ tại nhiều tập đoàn, bên cạnh nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc sau khi nền tảng mạng xã hội Weibo bị phạt.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm điểm thứ ba liên tiếp khi loạt quyết định sắp tới của các ngân hàng trung ương khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 207,85 điểm (-0,73%), xuống 28.432,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,56 điểm (-0,53%), xuống 3.661,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 318,63 điểm (-1,33%), xuống 23.635,95 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 13,71 điểm (-0,46%), xuống 2.987,95 điểm.

Sau phiên tăng nhẹ, vàng lại giảm mạnh đêm qua sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát leo thang được công bố. Đồng USD mạnh lên gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 14/12, giá vàng giao ngay giảm 15,70 USD (-0,88%), xuống 1.771,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1 giảm 16,00 USD (-0,90%), xuống 1.771,30 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Ba sau khi Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, biến thể Omicron sẽ làm chậm đà phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu.

IEA hạ dự báo nhu cầu dầu trong năm nay và năm tới thêm 100.000 thùng/ngày, chủ yếu là do tác động tới nhu cầu nhiên liệu máy bay phục vụ cho du lịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Ba cho biết, biến thể Omicron đang lan truyền với tốc độ "chưa từng có".

Các chính phủ trên khắp thế giới, gần đây nhất là Anh và Na Uy, đã thắt chặt các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Kết thúc phiên 14/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,56 USD (-0,8%), xuống 70,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,69 USD (-0,9%), xuống 73,70 USD/thùng.

Tin bài liên quan