Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm vào thứ Năm (4/5), sau khi động thái của PacWest để tìm kiếm các lựa chọn “bán mình”, làm sâu sắc thêm lo ngại về sức khỏe của ngành ngân hàng.
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu của PacWest Bancorp giảm hơn 50% xuống mức thấp kỷ lục, sau khi xác nhận họ đang đưa ra các lựa chọn chiến lược về tương lai, bao gồm cả việc chịu sáp nhập, sau khi nhiều cổ phiếu cùng ngành gần đây bị bán tháo, do lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng ngày càng tồi tệ.

Cổ phiếu một ngân hàng khu vực khác là Western Alliance Bancorp giảm gần 39%, với việc giao dịch đã bị tạm dừng nhiều lần trong phiên. Ở mức thấp nhất trong phiên, cổ phiếu của Western Alliance đã giảm hơn 60% và trong thông báo mới nhất, họ đã bác bỏ một báo cáo rằng đang xem xét khả năng sáp nhập.

Các cổ phiếu ngân hàng khu vực khác như Comerica và Zion Bancorporation đều mất khoảng 12%. Chỉ số Ngân hàng khu vực KBW giảm 3,5%, thoát khỏi mức thấp nhất trong phiên là giảm khoảng 7%.

"Sự sụt giảm liên tục của các cổ phiếu ngân hàng sẽ là một vấn đề đối với thị trường nói chung. Thêm vào đó, xu hướng diều hâu liên tục của Fed cũng đang cho phép những người bán khống giết chết các ngân hàng”, David Russell, Phó chủ tịch phân tích thị trường tại TradeStation cho biết.

Chỉ số biến động CBOE (VIX), còn được gọi là thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, đã tăng tới 21 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng Ba.

Kết thúc phiên 4/5, chỉ số Dow Jones giảm 286,50 điểm (-0,86%), xuống 33.127,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,53 điểm (-0,72%), xuống 4.061,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 58,93 điểm (-0,49%), xuống 11.966,40 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng tốc độ tăng lãi suất nhưng báo hiệu sẽ thắt chặt hơn nữa.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,46% xuống 460,36 điểm.

ECB đã tăng lãi suất thêm 0,25%, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu nâng lãi suất vào mùa hè năm ngoái, đưa mức lãi suất cho vay ở khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia lên 3,25% từ mức 3% trước đó.

"Chúng tôi không tạm dừng việc tăng lãi suất, điều đó rất rõ ràng", Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh ngân hàng trung ương vẫn đang trên con đường chống lạm phát dai dẳng và cho thấy có thể có nhiều hơn một đợt tăng lãi suất trong tương lai.

"Những diễn biến ngày hôm nay khiến chúng tôi nghĩ rằng ECB có thể sẽ tăng lãi suất thêm một vài lần nữa trước khi tạm dừng, điều đó có nghĩa là mức đỉnh có thể là 3,75% thay vì 4%, và bất kể đỉnh điểm là gì, chúng tôi nghĩ rằng ECB sẽ giữ lãi suất ở mức đó cho đến năm 2024”, Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Capital Economics cho biết.

Phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng châu Âu giảm 1,5% khi những lo lắng về tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ được khơi dậy sau khi PacWest Bancorp giảm xuống mức thấp kỷ lục, sau tin tức đang đàm phán về các lựa chọn chiến lược.

Kết thúc phiên 4/5: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 85,73 điểm (-1,10%), xuống 7.702,64 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 80,82 điểm (-0,51%), xuống 15.734,24 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 63,06 điểm (-0,85%), xuống 7.340,77 điểm.

Giá dầu thô biến động nhẹ, nhưng theo giới phân tích, giá dầu vẫn trong xu hướng giảm do nhu cầu suy yếu từ châu Á và cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này và cũng là tin xấu đối với triển vọng nhu cầu.

Kết thúc phiên 4/5, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,04 USD/thùng (-0,06%), xuống 68,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,17 USD/thùng (+0,23%), lên 72,50 USD/thùng.

Tin bài liên quan