Giới đầu tư mua bắt đáy cổ phiếu công nghệ, nhưng vẫn dè chừng với Fed

Giới đầu tư mua bắt đáy cổ phiếu công nghệ, nhưng vẫn dè chừng với Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giao dịch giằng co và may mắn đóng cửa tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Hai (2/5), khi giới đầu tư mua bắt đáy các cổ phiếu tên tuổi công nghệ trong những phút cuối.

Các cổ phiếu tăng trưởng cao như công nghệ đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay do giới đầu tư điều chỉnh danh mục để thích ứng với môi trường lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, lực mua bắt đáy đã giúp không ít cổ phiếu nhóm này bật mạnh, như công ty mẹ của Facebook là Meta Platforms đã tăng 5,3% sau khi giảm 9,8% vào tháng trước.

Cổ phiếu Nvidia Corp cũng tăng 5,3%, trong khi Microsoft Corp tăng 2,5%, sau khi giảm mạnh trong tháng Tư.

Sau khi trải qua phần lớn thời gian trong ngày giao dịch ảm đạm, cổ phiếu Tesla, Amazon.com và Apple đều tăng từ 0,2% đến 3,7%.

Trong đó, cổ phiếu Apple giao dịch phần lớn dưới tham chiếu, do phải đối mặt với một khoản tiền phạt nặng có thể xảy ra, sau khi các cơ quan quản lý chống độc quyền của EU cáo buộc Apple hạn chế quyền truy cập của bên thứ ba vào công nghệ của họ được sử dụng cho ví điện tử.

Mặt khác, giới đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát, hoặc giao dịch khá thận trọng ở những nơi khác, khi cuộc họp của Fed đến gần. Sự bồn chồn trong tâm lý giới đầu tư cũng đã được nhìn thấy trên thị trường trái phiếu Mỹ, nơi mà trái phiếu kỳ hạn 10 đã có thời điểm tăng lên mức hơn 3% sau hơn ba năm.

Ông Matt Maley, Giám đốc chiến lược tại Miller Tabak, nói: “Mốc 3% là một ngưỡng rất quan trọng. Đây là một rào cản tâm lý khiến cho nhiều người lo lắng về những gì mà Fed sắp làm trong thời gian tới”.

Fed sẽ có cuộc họp thường niên trong tuần này, và dự báo các quyết định của cơ quan này sẽ trở nên phức tạp bởi những yếu tố bên ngoài nước Mỹ, gồm cả cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh phong tỏa ngừa Covid-19 tại Trung Quốc, có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng, vốn góp phần gây ra tình trạng lạm phát cao.

Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Dow Jones tăng 84,29 điểm (+0,26%), lên 33.061,50 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,45 điểm (+0,57%), lên 4.155,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 201,38 điểm (+1,63%), lên 12.536,02 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm và biến động rất mạnh khi trong khi dữ liệu nhà máy ở Trung Quốc đi xuống làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,46% xuống 443,83 điểm. Có thời điểm chỉ số này giảm tới 3%, trong đó, chỉ số chứng khoán chuẩn Stockholm giảm 8% điều mà các nhà môi giới cho là “một vụ tai nạn chớp nhoáng”.

Một thước đo về sự biến động của chứng khoán khu vực đồng euro cũng chứng kiến ​​mức tăng đột biến lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 ở mức 35,99 điểm.

Dữ liệu được công bố vào cuối tuần cho thấy hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc giảm nhiều hơn mức đáng lo ngại trong tháng 4, do việc phong tỏa trên diện rộng đã làm gián đoạn các hoạt động sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng.

Các lĩnh vực liên quan đến Trung Quốc như ô tô, hàng hóa xa xỉ, sản xuất chip và công nghiệp đã kéo lùi chỉ số nhiều nhất trong phiên hôm nay.

Lo lắng về các biện pháp phong tỏa cứng rắn của Trung Quốc, cuộc xung đột ở Ukraine và việc Mỹ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm mạnh của nền kinh tế toàn cầu, kéo STOXX 600 giảm 9% tính từ đầu năm đến nay.

Hơn nữa, hai bộ trưởng cấp cao của Đức ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga ngay lập tức của Liên minh châu Âu, nói rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể vượt qua tình trạng thiếu hụt và tăng giá.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu của công ty bất động sản Đức Adler Group SA giảm 29,2% xuống mức thấp kỷ lục, khi cho biết tất cả các thành viên trong ban giám đốc đã đề nghị từ chức ngay lập tức, sau khi một kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến ​​về báo cáo tài chính của công ty.

Kết thúc phiên 2/5: Chỉ số FTSE 100 của London đứng ở 7.544,55 điểm do nghỉ lễ, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 158,81 điểm (-1,13%), xuống 13.939,07 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 108,16 điểm (-1,66%), xuống 6.425,61 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do ảnh hưởng của phiên lao dốc cuối tuần trước trên Phố Wall, trong khi các nhà đầu tư thận trọng trước một loạt ngày nghỉ lễ sắp diễn ra và cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Quốc tế Lao động.

Cổ phiếu Hàn Quốc giảm, sau khi dữ liệu xuất khẩu của nước này trong tháng 4 và thâm hụt thương mại gia tăng.

Kết thúc phiên 2/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 29,37 điểm (-0,11%), xuống 26.818,53 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 7,60 điểm (-0,28%), xuống 2.685,45 điểm.

Tin bài liên quan