Giới đầu tư thận trọng chờ cuộc họp của Fed

Giới đầu tư thận trọng chờ cuộc họp của Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall nhích lên trong phiên ngày thứ Ba (3/5), dù giao dịch khá giằng co trước thềm cuộc họp quan trọng của Fed.

Fed bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Ba. Các nhà giao dịch dự báo 99,9% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong đợt này.

Dù vậy, tâm điểm vẫn là cuộc họp báo sau đó của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Tư để đưa ra những bình luận về con đường tương lai của lãi suất và việc cắt giảm bảng cân đối kế toán.

Vào tháng 4, Phố Wall đã bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn xung quanh khả năng của Fed trong việc thiết kế một hạ cánh mềm cho nền kinh tế, báo cáo lợi nhuận phân hóa từ nhóm công ty tăng trưởng lớn, xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa lớn ở Trung Quốc.

Nasdaq Composite đã giảm 13,3% trong tháng trước, mức giảm một tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2008, do các cổ phiếu tăng trưởng cao được đánh giá cao chịu áp lực từ lãi suất tăng. Tháng 4 cũng là tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 đối với Dow Jones và S&P 500.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm sau khi chạm đỉnh mới vào ngày 2/5. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã chạm mức 3,01% trong phiên trước đó, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018, nhưng đã giảm rớt mốc 3% vào phiên ngày thứ Ba.

Phiên này, 9 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều tăng, với năng lượng và tài chính tăng lần lượt 2,9% và 1,3%. Chỉ số ngân hàng tăng 2%, trong đó Citigroup tăng 2,9%.

Các chỉ số còn được thúc đẩy bởi các cổ phiếu lớn như Apple, Tesla và Exxon Mobil Corp tăng từ 0,7% đến 2,1%.

Đáng chú ý, Western Digital tăng 14,5% và là cổ phiếu tăng mạnh nhất trên S&P 500, sau khi Elliott Investment Management thúc giục công ty chia tách mảng kinh doanh ổ đĩa Flash và đề nghị đầu tư 1 tỷ USD để tạo điều kiện cho việc bán hoặc chuyển nhượng việc kinh doanh.

Kết thúc phiên 3/5, chỉ số Dow Jones tăng 67,29 điểm (+0,20%), lên 33.128,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,10 điểm (+0,48%), lên 4.175,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 27,74 điểm (+0,22%), lên 12.563,76 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, sau một chuỗi các báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan cũng như nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và ô tô nâng đỡ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,44% lên 445,80 điểm.

Chỉ số phụ ngành dầu khí tăng 4,1%, dẫn đầu mức tăng trong số các chỉ số chính tại khu vực châu Âu, được thúc đẩy bởi cổ phiếu BP tăng 5,8%, nhờ bởi giá dầu và khí đốt cao đã giúp công ty năng lượng của Anh tăng thị phần.

Các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như ngân hàng và sản xuất ô tô tăng khoảng 2% mỗi ngành, với nhóm ngân hàng đi lên nhờ lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức lần đầu tiên đạt 1% kể từ tháng 6/2015.

Chứng khoán châu Âu đã có một tháng 4 khó khăn, khi những lo lắng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, việc phong tỏa nhiều nơi tại Trung Quốc và cuộc xung đột tại Ukraine làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu rõ ràng hơn.

Dữ liệu cho thấy giá sản xuất trong khu vực đồng euro đã tăng cao hơn dự kiến ​​trong tháng 3, do giá năng lượng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Jack Allen-Reynolds, nhà kinh tế cao cấp về châu Âu tại Capital Economics cho biết, “Các vấn đề về nguồn cung mà các công ty khu vực đồng euro phải đối mặt đã giảm bớt một chút trong năm nay, nhưng vẫn còn gay gắt. Điều này sẽ tiếp tục đè nặng lên sản xuất và giữ cho lạm phát ở mức cao".

Cổ phiếu Ngân hàng Pháp BNP Paribas tăng 5,2% khi công bố mức tăng lợi nhuận ròng tốt hơn dự kiến ​​19% với giao dịch bùng nổ và tái khẳng định mục tiêu lợi nhuận trung hạn

Theo dữ liệu của Refinitiv IBES, gần một nửa trong số 600 công ty STOXX đã báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên và 71% trong số đó đã cao hơn ước tính thu nhập của các nhà phân tích, với nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất đến từ lĩnh vực năng lượng và vật liệu.

Kết thúc phiên 2/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 16,78 điểm (+0,22%), lên ở 7.561,33 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 100,40 điểm (+0,72%), lên 14.039,47 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 50,57 điểm (+0,79%), lên 6.476,18 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Hiến Pháp.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ bù ngày Quốc tế Lao Động.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhờ đà dẫn dắt của cổ phiếu HSBC, sau khi cổ đông lớn nhất là gã khổng lồ bảo hiểm Trung Quốc Ping An đã thúc giục HSBC đại tu cấu trúc của ngân hàng này, điều này có nghĩa là cuối cùng có thể tách hoạt động kinh doanh có lợi nhuận khổng lồ của ngân hàng này khỏi các hoạt động phương Tây.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed.

Kết thúc phiên 2/5: Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông tăng 12,50 điểm (+0,06%), lên 21.101,89 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,99 điểm (-0,26%), xuống 2.680,46 điểm.

Tin bài liên quan