Giới đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu

Giới đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm phiên thứ tư liên tiếp trong ngày 31/8 và ghi nhận tháng 8 kém nhất trong 7 năm qua, do lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh mẽ từ Fed vẫn còn treo lơ lửng trong tâm trí giới đầu tư.

Thị trường chịu áp lực bán tăng nhanh chóng sau phát biểu diều hâu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Sáu tuần trước, về việc giữ chính sách tiền tệ thắt chặt "trong một thời gian".

Qua đó, với bốn phiên giảm điểm mạnh đã khiến ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ khép lại tháng 8 tồi tệ nhất kể từ năm 2015 với Dow Jones giảm 4,06%, S&P 500 mất 4,24% và Nasdaq giảm 4,64%.

Chủ tịch Fed bang Cleveland, Loretta Mester cho biết hôm thứ Tư rằng, ngân hàng trung ương sẽ cần tăng lãi suất lên trên 4% vào đầu năm tới và giữ ở mức đó để đưa lạm phát trở lại mục tiêu của Fed, và khiến rủi ro suy thoái một hoặc hai năm tiếp theo đã tăng lên.

Thêm vào sự lo lắng của nhà đầu tư, chứng khoán cũng đang đi vào một giai đoạn thường xuyên suy yếu đối với thị trường vào tháng 9 hàng năm.

Đáng chú ý phiên này là báo cáo việc làm tháng 8 từ ADP, cho thấy nước Mỹ có 132.000 việc làm mới đã được bổ sung trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, thấp hơn dự báo tăng 300.000 đơn vị của Wall Street Journal.

Trong khi đó, dữ liệu việc làm chính thức từ Bộ Lao động sẽ được công bố vào thứ Sáu và dự kiến ​​sẽ cho thấy số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ tăng 300.000 trong tháng 8, sau khi ghi nhận mức tăng 528.000 trong tháng 7.

Một báo cáo việc làm mạnh mẽ như vậy có khả năng củng cố thêm kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba liên tiếp.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, HP đã giảm 7,68% sau khi dự báo lợi nhuận trong năm giảm do doanh số bán PC chậm lại.

Cổ phiếu Bed Bath & Beyond giảm 21,3%, sau khi tuyên bố sẽ đóng cửa 150 cửa hàng, cắt giảm việc làm và đại tu chiến lược kinh doanh nhằm xoay chuyển tình hình kinh doanh thua lỗ.

Cổ phiếu Snap tăng 8,69%, sau khi cho biết sẽ cắt giảm 20% nhân viên, tái cơ cấu bộ phận bán hàng quảng cáo và đóng cửa một số dự án để tập trung vào việc cải thiện doanh số và số lượng người dùng Snapchat.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Dow Jones giảm 280,44 điểm (-0,88%), xuống 31.510,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,16 điểm (-0,78%), xuống 3.955,00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 66,93 điểm (-0,56%), xuống 11.816,20 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm, do dữ liệu cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro trong tháng 8 đạt mức cao kỷ lục khác, trong khi lo ngại về năng lượng gia tăng sau khi Nga bắt đầu ngừng cấp khí đốt sang Đức.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,01% xuống 415,56 điểm, mức thấp nhất trong sáu tuần. Trong đó, chỉ số năng lượng giảm 2,6% bởi giá dầu tiếp tục trượt dốc do lo ngại suy thoái.

Chỉ số STOXX 600 đã giảm tới 5,1% trong tháng 8, do lo ngại về các chính sách diều hâu hơn của ngân hàng trung ương diều hâu và rủi ro suy thoái và khủng khoảng năng lượng leo thang trong khu vực.

Lạm phát khu vực đồng Euro đã tăng lên mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8, từ mức 8,9% của một tháng trước đó. Con số 9,1% này vượt xa dự báo và gấp 4,55 lần so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.

Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Đây là một con số đáng kinh ngạc, cho thấy người tiêu dùng đã cảm thấy đau đớn ngay cả trước khi Nga thắt chặt nguồn cung năng lượng. Những sự kiện này sẽ đổ thêm dầu vào ngọn lửa lo lắng rằng, các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn vào tháng 9”.

Một báo cáo của Reuters hôm thứ Sáu cho biết, một số nhà hoạch định chính sách của ECB muốn thảo luận về việc tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 9, ngay cả khi rủi ro suy thoái kinh tế xuất hiện.

Thêm vào những lo ngại về suy thoái kinh tế, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt trong ba ngày tới châu Âu thông qua Nord Stream 1.

Kết thúc phiên 31/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 77,48 điểm (-1,05%), xuống 7.284,15 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 126,18 điểm (-0,97%), xuống 12.834,96 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 85,12 điểm (-1,37%), xuống 6.125,10 điểm.

Giá dầu thô giảm mạnh, do lo ngại về tình trạng suy yếu của nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu, đặc biệt tại thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc, nơi đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm do các biện pháp hạn chế khắt khe để chống Covid-19.

Kết thúc phiên 31/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 2,09 USD/thùng (-2,33%), xuống 89,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,82 USD/thùng (-2,92%), xuống 96,49 USD/thùng.

Tin bài liên quan