Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đã là thời điểm thích hợp tham gia vào nhóm cổ phiếu bluechips?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đã là thời điểm thích hợp tham gia vào nhóm cổ phiếu bluechips?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ nhưng dòng tiền có xu hướng xoay tua, sau nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán, dòng tiền sẽ chuyển động đến nhóm cổ phiếu nào?

Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến thị trường nới rộng đà giảm và lùi về sát mốc 1.040 điểm. Thị trường vừa có một tuần giao dịch trầm lắng với điểm số lùi nhẹ và thanh khoản sụt giảm mạnh. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng giao dịch tuần tới?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

3 tuần điều chỉnh liên tiếp đi kèm với chỉ số giảm về vùng hỗ trợ 1.040 -1.045 điểm - Tuần giao dịch trước nghỉ lễ có thể là tuần có diễn biến phục hồi nhẹ để có thể quay lại giao động về vùng 1.050 – 1.060 điểm. Thanh khoản trên thị trường chung sẽ khó tăng đột biến trong tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng mức 1.040 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần thì chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại mức hỗ trợ 1.030 điểm, nhưng sau đó chỉ số VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại mức 1.040 điểm. Nhìn chung, thị trường có thể sẽ đi ngang và biến động hẹp trong tuần giao dịch tới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Sau 2 tuần giảm liên tiếp, nhịp hồi kỹ thuật có thể diễn ra trong tuần sau, tuy vậy đây chỉ là nhịp nảy trong xu hướng chính là xu hướng giảm ngắn hạn. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 3 cho tới nay, cứ sau 2 tuần giảm liên tiếp, thị trường sẽ có nhịp hồi.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần qua đón nhận kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp với phần nhiều kém khả quan so với cùng kỳ, do đó góp phần ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định đầu tư. Việc nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh lợi nhuận ngay từ quý I cho tín hiệu cảnh báo một năm kinh doanh nhiều khó khăn phía trước, vì vậy việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư cũng khó khăn hơn.

Tuần sau chuẩn bị kỳ nghỉ lễ khá dài trong năm, vì vậy thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang với giao dịch thấp và không loại trừ có thể suy giảm nhẹ tích luỹ.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Xu hướng giao dịch trong tuần tới có lẽ vẫn tiếp tục xu hướng tương tự trong tuần này: đi ngang với thanh khoản thấp. Lý do chính:

Thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 khá dài, lịch sử thống kê cho thấy quy mô giao dịch thường thu hẹp.

Tâm lý “Sell in May” có thể chi phối tâm lý chung của thị trường. Năm ngoái VN-Index cũng giảm 3,6% trong tháng 5. Mặc dù theo thống kê, VN-Index cũng thường tăng mạnh vào tháng 5.

Cụ thể, 9/22 lần (Khoảng 40%) VN-Index tăng trong tháng 5 và điều đặc biệt là nếu tăng trong tháng 5 chỉ số thường tăng rất mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thường thận trọng trước khi bắt đầu tháng 5 do ám ảnh bởi các sách dạy phân tích chứng khoán về chu kỳ thường thấy.

Thanh khoản giảm, nguồn tiền mới cũng khá dè dặt với thị trường. Sau bất động sản, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đã có những chuyển động tích cực hơn trong tuần qua nhưng sóng hồi vẫn khá mong manh. Ông có góc nhìn như thế về chuyển động dòng tiền ở giai đoạn hiện tại?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Kịch bản phục hồi trong quý II có thể xảy ra. Đặc điểm giai đoạn này đó là mỗi nhóm ngành đặc thù như bất động sản, năng lượng, chứng khoán hay dệt may, mía đường... có thể có những phiên tăng điểm đan xen - mỗi tuần sẽ có một số nhóm ngành tăng điểm cho dù giá trị giao dịch trung bình trên mỗi sàn vẫn ở mức thấp. Dòng tiền vẫn sẽ chuyển dịch mỗi thời điểm sang một số nhóm ngành.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, dòng tiền hiện nay khá phân hóa và chủ yếu tập trung ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ có thị giá nhỏ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc nhóm Bluechips vẫn chưa thể thu hút dòng tiền trong bối cảnh kế hoạch kinh doanh vẫn chưa có nhiều điểm sáng trong năm 2023.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Phía trước là kỳ nghĩ lễ dài ngày, tôi cho rằng thanh khoản thị trường có thể chưa được cải thiện.

Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua đã xuống mức thấp nhất trong 5 tuần gần đây khi chỉ đạt 10.382 tỷ đồng. Theo đó, khả năng thanh khoản tuần sau của thị trường chỉ dao động trong khoản 10.000 – 11.000 tỷ đồng/phiên. Hiện dòng tiền xoay vòng chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu như: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền hiện tại xoay vòng rất nhanh và có thể thay đổi trạng thái ngay trong phiên giao dịch. Các nhóm ngành đã giảm sâu trong khi kết quả kinh doanh không quá ảm đạm sẽ được ưu tiên thu hút dòng tiền tốt hơn và chứng khoán nằm trong số đó. Một số ngành như bất động sản, hoá chất, bán lẻ… cũng luân phiên thu hút dòng tiền và hầu hết đang bắt đầu quá trình hồi phục dần từ vùng đáy thấp.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Dòng tiền có xu hướng xoay tua. Có thể thấy mấy điểm nhấn chính:

Giai đoạn đầu cơ theo tin chính sách đã khiến bất động sản và chứng khoán tăng mạnh nhưng đến giai đoạn này nhóm này đang gặp khó khăn do kết quả kinh doanh có mức độ sụt giảm nhiều hơn cả kỳ vọng dẫn tới giá cả đang trở nên đắt đỏ trong bối cảnh hiện tại.

Việc nhóm bán lẻ cũng tăng khi có thông tin về giảm thuế VAT từ 10 xuống 8% cũng cho thấy xu hướng đầu tư theo tin cũng vẫn còn dù mức độ tăng theo tin đang chậm dần lại.

Các mã có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng thường giao dịch tốt và đủ T+. Hiệu suất tăng giá cũng tốt như trường hợp của BMP, SKG, DHG…

Dòng tiền cũng xoay tua sang nhóm cổ phiếu nằm ngang và kết quả kinh doanh sụt giảm không mạnh như ước tính như trường hợp của ngành dệt may với GIL, TNG…

Xu hướng giao dịch như trên sẽ vẫn tiếp tục trong tuần tới.

Liên quan đến chuyển động chính sách, hiện đang có 2 chính sách đáng được đón chờ trong tháng 4 này, đó là các thông tư liên quan tới việc (1) tiếp tục giảm thuế VAT từ 10% về mốc 8% cho tới hết năm 2023 và (2) cho phép NHTM giãn nợ tối đa 1 năm với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có thể sẽ được ban hành trong tuần tới. Ông/bà đánh giá như thế nào về tác động của hai chính sách này, đối với TTCK?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Đây là thông tin hỗ trợ cho các DNNY nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn - hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, diễn biến cắt giảm nhân sự ở nhiều doanh nghiệp đang cho thấy thực trạng khó khăn của nền kinh tế, do đó, các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng là điều cần thiết. Đây là thông tin có thể nói là tích cực trong bối cảnh TTCK trong giai đoạn điều chỉnh giảm điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Sau dữ liệu GDP quý I/2023, việc để đạt tăng trưởng GDP năm 2023 theo như kế hoạch và mục tiêu là 6,5% là thách thức rất lớn cho nên Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ lẫn tài khóa.

Có thể thấy hai chính sách gần đây khá tương đồng với giai đoạn Covid-19 và đã đạt hiệu quả. Tuy nhiên, mức độ tác động đến TTCK sẽ khác nhau, tôi cho rằng lần này mức tác động là tích cực nhưng sẽ lâu hơn vì mức độ khó khăn cao hơn và dồn nhiều vấn đề hơn so với giai đoạn Covid-19. Chưa kể, giai đoạn hiện tại vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được hậu quả khó khăn của giai đoạn Covid-19.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Theo tôi, chính sách thứ 1 (giảm thuế VAT) sẽ tác động tích cực đến thị trường khi đây là một hình thức kích cầu của chính phủ. Đối với chính sách thứ 2, mặc dù NHTM giãn nợ 1 năm cho các doanh nghiệp nhưng NHTW vẫn phải trích lập dự phòng, do vậy đứng ở phía ngân hàng thì lợi nhuận vẫn bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Việc giảm thuế GTGT mang lại điểm tích cực đầu tiên là tăng nhu cầu tiêu dùng do giá thành sản phẩm và dịch vụ sẽ giảm đi. Tăng nhu cầu tiêu dùng sẽ giúp tăng doanh số cho các doanh nghiệp và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giảm chi phí sản xuất: Việc giảm thuế VAT cũng giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận hoặc giảm giá bán để cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường.

Một số ngành sản xuất và bán lẻ sẽ phần nào hưởng lợi đầu tiên về chính sách này và cả chính sách giãn nợ cho các doanh nghiệp khó khăn. Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ phản ứng tích cực hơn nhưng sẽ cần nhiều thời gian để những chính sách này tác động thật sự lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Chúng tôi cho rằng đó là những chính sách, gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Với chính sách giãn nợ tối đa 1 năm thì các NHTM sẽ không phải trích lập nợ xấu và qua đó cũng giúp các doanh nghiệp phân kỳ lại dòng tiền vay nợ và do không nhảy nhóm nợ họ vẫn có khả năng tiếp cận vốn khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục.

Với chính sách giảm thuế VAT, họ có thể giảm giá để kích cầu tiêu dùng sản phẩm.

Như vậy, tổng thể nhóm chính sách này sẽ giúp triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bớt u ám hơn và có thể giúp TTCK đi lên.

Sau một thời gian khá sôi động, dòng vốn vào các ETF nội trên TTCK cũng đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Nhiều quỹ từng hút ròng mạnh giai đoạn trước đang bị rút ròng liên tiếp trong những tuần gần đây. Dòng vốn ngoại cũng thực hiện bán ròng 320 tỷ đồng trong tuần qua. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về chuyển động này?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Giao dịch khối ngoại lúc mua vào lúc bán ra với giá trị giao dịch nhỏ nếu so với quy mô, vốn hóa của TTCK. Nền kinh tế, TTCK có những sự chuyển biến lớn về chính sách, sự hấp dẫn về mức giá, độ mở đối với nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là cải thiện được các tiêu chí nâng hạng thị trường, nếu không nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ chỉ giao dịch mua bán cầm chừng với quy mô nhỏ như hiện nay.

Mặt khác giai đoạn tình hình vĩ mô thế giới và Việt Nam như hiện tại thì kể cả nhà đầu tư nội và nhà đầu tư ngoài giá trị giao dịch cũng không có gì nổi trội mà không muốn nói là giao dịch khá "trầm lắng".

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

TTCK thế giới và Việt Nam cũng đang chững lại đà tăng trong thời gian qua, đây chính là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ Premium của các quỹ ETF thu hẹp hoặc ở trạng thái chiết khấu, các quỹ ETF thường sẽ không thay đổi chứng chỉ quỹ hoặc bị rút ròng ra khi bị mức chiết khấu cao.

Tôi cho rằng, các quỹ ETF sẽ quay trở lại trạng thái hút ròng trong 6 tháng cuối năm do tôi kỳ vọng TTCK sẽ có triển vọng tích cực hơn. Trong khi đó, các quỹ chủ động hiện nay đang có tỷ trọng tiền mặt cao cho nên tôi kỳ vọng họ cũng sẽ sớm quay trở lại mua ròng khi các khó khăn về đợt đáo hạn trái phiếu qua đi trong quý II/2023.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Theo thống kê, dòng vốn quốc tế đang thực hiện bán ròng ở một số thị trường như: Việt Nam, Đài Loan, Malaysia…, trong đó dòng vốn qua các kênh ETF cũng bị rút ròng 3 tuần liên tiếp. Tuy vậy, lượng rút ròng rất nhỏ so với các tuần mua ròng trước đó.

Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng trên toàn thị trường 5.869 tỷ đồng, trong đó dòng vốn qua các kênh ETF cũng đang ở trạng thái mua ròng 201 triệu USD (tương đương 4.685 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Việc khối ngoại bán ròng trong thời gian qua do các hoạt động cơ cấu danh mục và chưa xảy ra hiện tượng bán trên diện rộng vì vậy không quá đáng lo ngại. Ngoài ra, tỷ lệ giao dịch của khối ngoại cũng chiếm tỷ lệ thấp trên toàn giao dịch thị trường vì vậy không gây ảnh hưởng mạnh đến xu hướng giá của cổ phiếu.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 7% giao dịch toàn thị trường. Tác động mang tính chất tâm lý nhiều hơn

Nhà đầu tư khối ngoại họ mua bán theo thời kỳ. Việc rút ròng trong tháng 4 cũng phù hợp với quy luật rút ròng hàng năm của họ.

Trong bối cảnh dòng tiền thu hẹp, việc bán ròng của khối ngoại có thể khiến một vài cổ phiếu bị bán ròng sẽ giảm mạnh.

Tuy nhiên, nền tảng lâu dài vẫn là định giá cổ phiếu. Triển vọng và định giá hấp dẫn thị trường sẽ tăng giá trở lại.

Độ rộng thị trường ghi nhận đà tăng của nhóm cổ phiếu midcap như nông nghiệp, thủy sản, than... Tuy nhiên dòng tiền có phần thờ ơ với nhóm Ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, dù nhóm này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2023 so với cùng kỳ. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên lựa chọn chiến lược nào, theo các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bất động sản đà tăng chững, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh tích lũy, trong khi dòng tiền lại chảy sang những cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn - chỉ số chung không những không tăng mà lại điều chỉnh thêm - TTCK chỉ tăng điểm tốt khi dòng tiền lớn mua lên các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu VN30 đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Giai đoạn này ngoài việc lựa chọn một số cổ phiếu cơ bản thuộc nhóm VN30 hoặc blue chips nằm ngoài VN30 chất lượng với mức giá hấp dẫn để có thể nắm giữ tầm nhìn dài thì việc phân bổ một phần tỷ trọng vào một số cổ phiếu "ăn khách" hiện nay để có thể giao dịch ngắn hạn như nhóm cổ phiếu chứng khoán, mía đường, than, bất động sản khu công nghiệp, dược phẩm, bất động sản... cũng có thể là 1 lựa chọn nhưng với tỷ trọng giao dịch có kiểm soát.

Phân bổ một phần danh mục đầu tư với một vài mã nắm giữ dài đợi chu kỳ tăng điểm của TTCK đi kèm với việc linh hoạt giao dịch ngắn hạn một vài cổ phiếu cũng có thể là chiến lược phù hợp với nhà đầu tư theo sát TTCK hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, giai đoạn hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để tham gia vào nhóm cổ phiếu Bluechips.

Theo chu kỳ sóng trong giai đoạn đầu, nhóm cổ phiếu “đầu cơ” thị giá nhỏ hay nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa có câu chuyện riêng thường sẽ có mức tăng trưởng cao nhất. Do đó, giai đoạn này các nhà đầu tư nên có thể chú ý vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ và có nền tảng cơ bản tích cực.

Đồng thời, các nhà đầu tư chỉ nên quan tâm trở lại nhóm cổ phiếu Bluechips trong thời điểm sau tháng 6/2023, nhưng nhóm ngân hàng chưa phải là thời điểm thích hợp đầu tư trong năm 2023.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Với thông tin giảm thuế VAT, nhóm cổ phiếu du lịch đang được thị trường quan tâm, bên cạnh đó việc xuất khẩu phục hồi trở lại đã hỗ trợ cho các nhóm hàng chủ lực như: thủy sản, dệt may….

Bên cạnh đó, thanh khoản toàn thị trường tháng 4 này đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm cũng sẽ hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu chứng khoán…

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường hiện tại xoay vòng khá nhanh vì vậy sẽ phù hợp với nhà đầu tư ngắn hạn nhiều hơn. Nhà đầu tư cần hướng sự chú ý vào các nhóm ngành đang có sự chuyển biến tích cực nhờ kết quả kinh doanh hoặc thông tin hỗ trợ. Các nhóm ngành cũng không biến động quá nhiều vì vậy nhà đầu tư cũng cần chấp nhập mức lợi nhuận ở mức thấp và nhanh chóng thay đổi trạng thái khi thị trường bất lợi.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có triển vọng kinh doanh tốt. SKG là một ví dụ khi cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 đã giảm giá sâu trong giai đoạn qua. Cổ phiếu không có vay nợ và đã thấy dấu hiệu “Turn Around” về kinh doanh. Quý II/2023 cũng là mùa du lịch sẽ hỗ trợ cho đà tăng giá của cổ phiếu.

Tin bài liên quan