Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đón sóng mùa ĐHCĐ

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đón sóng mùa ĐHCĐ

(ĐTCK) Mặc dù bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và nhiều yếu tố biến động khó lường, nhưng ĐHCĐ vào mùa cao điểm với nhiều doanh nghiệp ngược dòng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh sẽ là những cơ hội đầu tư tốt cho nhà đầu tư.

Sau khi bật tăng từ vùng điểm 1.020 điểm lên vùng 1.080 điểm, thị trường có những phiên đảo chiều nhẹ. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Sau khi thị trường bật tăng trong phiên đầu tuần, áp lực chốt lời đã xuất hiện khi VN-Index ghi nhận tổng mức giảm khoảng 1% trong 2 ngày cuối tuần, kèm khối lượng giao dịch tương đối lớn so với 1 tháng gần đây.

Theo nhóm vốn hóa, dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch từ nhóm vốn hóa lớn sang vốn hóa vừa và nhỏ và tập trung chủ yếu vào các câu chuyện đầu tư riêng lẻ.

Tôi cho rằng, thị trường sẽ khó có một nhịp giảm điểm lớn khi các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đã xuất hiện, song đà tăng mạnh sẽ khó xuất hiện ngay khi câu chuyện kết quả kinh doanh quý I phân hóa đang dần hé mở. Vì vậy, xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp được dự báo sẽ là xu hướng chủ đạo tuần tới, với điểm số VN-Index dao động tại vùng 1.055-1.075 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Sau chục phiên tăng điểm liên tiếp, việc thị trường điều chỉnh là cần thiết để chinh phục những vùng giá cao hơn. Xu hướng tuần mới khả năng xen kẽ những phiên tăng giảm trước vùng kháng cự quan trọng 1.080-1.100 mà kể từ sau Tết đến nay vẫn chưa vượt qua được nên thị trường trong ngắn hạn vẫn khó vượt qua được ngưỡng này.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Diễn biến điều chỉnh của các phiên cuối tuần qua là cần thiết - xu hướng giao dịch tăng điểm trở lại có thể diễn ra trong tuần tới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong tuần giao dịch tới và có thể sẽ kiểm định lại mức kháng cự 1.,095 điểm. Hiện tại, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức TĂNG và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên tôi đánh giá thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh nhẹ và nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên của các chỉ số.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường khép lại tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong chuỗi tăng 4/5 tuần vừa qua, áp lực chốt lời có thể còn tiếp diễn trong tuần tới khi đà tăng của thị trường đang chậm lại sau phần lớn thời gian trong tuần vừa qua không thể vượt qua ngưỡng cản quanh 1.080 điểm.

Phía trước là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 được dự báo không mấy khả quan, do vậy trong kịch bản lạc quan thị trường sẽ đi vào giai đoạn phân hóa, xu hướng đi ngang tích lũy hoặc giảm nhẹ, trong kịch bản đó nhóm cổ phiếu đầu cơ khả năng sẽ được dòng tiền chú ý.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Trên khung đồ thị ngày, thị trường quay trở lại lấp ‘khoảng trống’ và hồi phục về cuối phiên dưới sự lan tỏa tâm lý từ nhóm chứng khoán (SSI, VCI, MBS). Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá dư địa điều chỉnh vẫn còn và trong trường hợp thị trường hưng phấn, đặc biệt trong trường hợp dòng tiền tiếp tục hướng vào nhóm cổ phiếu đầu cơ trong các phiên đầu tuần, sẽ có cơ sở để nghi ngờ về khả năng xảy ra của đợt bẫy tăng giá.

Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có phiên điều chỉnh lành mạnh về khu vực 1.040 – 1.050 điểm và dòng tiền tập trung quay trở lại những cổ phiếu cơ bản và có tính dẫn dắt. Chiến lược giao dịch áp dụng có điểm mua mới tại nền hỗ trợ 1.050 điểm; nhà đầu tư mở rộng quan điểm mua, gia tăng vị thế danh mục khi dòng tiền đẩy mạnh vào nhóm vốn hóa lớn, điểm quản trị rủi ro tại mốc 1040 điểm.

Thị trường tiếp tục cải thiện về thanh khoản với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 34,4% lên mức 15.787 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục có những diễn biến đối nghịch khi tuần qua, khối ngoại tiếp tục gia tăng giá trị bán ròng trên sàn HOSE lên mức 736 tỷ đồng, tăng 405,8% so với tuần trước. Vậy đã có thể hy vọng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân quay trở lại mạnh mẽ hơn với thị trường chứng khoán, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Thanh khoản tuần qua có sự phục hồi theo tôi chủ yếu tới từ tâm lý nhà đầu tư cá nhân đã tích cực hơn sau các động thái tháo gỡ thanh khoản trong nền kinh tế. Khối này đã mua ròng trên 700 tỷ đồng trên HOSE trong tuần qua và nối dài chuỗi 3 tuần mua ròng liên tiếp.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, chưa thể khẳng định dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quay trở lại hay không khi tâm lý nhà đầu tư cá nhân giai đoạn này dễ chịu ảnh hưởng bởi các thông tin.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Thực tế, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn các năm trước, bên cạnh đó, số tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp trong tháng 3 cho thấy thị trường chứng khoán sẽ cần có thêm thời gian để thẩm thấu các thông tin vĩ mô quan trọng.

Theo tôi, yếu tố chính giúp dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại là khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cải thiện và tăng trưởng trở lại, bởi điều này sẽ giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Lãi suất hạ là yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, tuy nhiên Việt Nam là nước hiếm hoi bắt đầu có sự nới lỏng trong khi các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, châu Âu vẫn kiên định với việc thắt chặt. Điều này có thể tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân nhưng nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn và tâm lý cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như kinh tế toàn cầu đang suy yếu và hàng loạt vụ sụp đổ của các Ngân hàng Mỹ như SVB hay vụ sáp nhập của Credit Suisse cũng khiến họ thận trọng. Vì thế, dòng tiền thị trường dần được cải thiện nhưng sẽ khó có mức tăng mạnh.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Ít nhất có thể nói dòng tiền khối nội đang được cải thiện và tham gia khá sôi động - thanh khoản nhiều nhóm cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản... tăng mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở nên tốt hơn và hào hứng giao dịch cổ phiếu hơn.

Cho dù diễn biến giao dịch trái chiều giữa trạng thái giao dịch của khối ngoại và khối nội - nhưng điểm tích cực đó là thanh khoản thị trường tăng tốt. Có lẽ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn trên TTCK không chỉ riêng tháng 4 mà cả quý II/2023.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Nhà đầu tư cá nhân đóng góp dòng tiền chủ đạo trên thanh khoản hàng ngày của thị trường cho nên khi xu hướng của thị trường rõ ràng thì dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ có xu hướng mua ròng gia tăng.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài thường có khẩu vị mua trong xu hướng giảm và bán trở lại trong xu hướng tăng, hoặc cũng có những thời điểm nhà đầu tư nước ngoài cũng mua trở lại nếu xu hướng tăng vẫn tiếp tục duy trì.

Do đó, tôi cho rằng nhà đầu tư cá nhân vẫn sẽ đóng góp vai trò chủ đạo trong xu hướng tăng của thị trường và là dòng tiền mua ròng chính của thị trường trong thời gian tới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thanh khoản trong tuần vừa qua đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm nhờ sự trở lại của dòng tiền nội, trong khi khối ngoại bán ròng sang tuần thứ 2 liên tiếp. Tuy vậy, sự gia tăng của dòng tiền nội lại chủ yếu là dòng tiền đầu cơ, vào nhanh ra nhanh.

Trong bối cảnh thị trường gặp khó ở ngưỡng cản kỹ thuật, tâm lý đầu cơ “nguội” dần sau thông tin giảm lãi suất điều hành, áp lực chốt lời còn tiếp diễn… thanh khoản trong tuần tới nhiều khả năng sẽ giảm so với tuần vừa qua.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đã trở lại mạnh mẽ trong tuần qua, nhưng có thiên hướng đầu cơ dựa trên kỳ vọng ảnh hưởng tích cực của chính sách tiền tệ, nhưng không thể gọi là dồi dào. Đồng thời dòng tiền này có xu hướng đầu cơ cao và hướng vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, khó dẫn dắt thị trường.

Vấn đề mấu chốt của hoạt động đầu tư của khối ngoại tới Việt Nam vẫn đến từ “giá nào”. Quan sát xu hướng giao dịch trong nhiều tháng gần nhất, khối nhà đầu tư ngoại chỉ mạnh tay giải ngân khi thị trường tiệm cận về vùng 1.000-1.020, trong khi đó chủ động chốt lời (dù không lớn) khi thị trường hướng về các vùng cản trên 1.060 điểm. Có thể thấy đây là dòng tiền linh hoạt và chủ động, áp dụng chiến lược “mua rẻ”, có tác động xây nền cho thị trường, hơn là thúc đẩy chỉ số vượt kháng cự.

Tuần qua, thị trường cũng chứng kiến sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong cùng một ngành. Đơn cử, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn đã hứng chịu sự điều chỉnh trong khi cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa thấp hơn lại chứng kiến đà tăng giá tích cực. Tương tự với ngành bất động sản… Sự phân hóa này còn tiếp diễn trong thời gian tới, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Nếu quan sát kể từ đầu năm, có thể thấy xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn là đi ngang tích lũy và dòng tiền có xu hướng luân chuyển liên tục. Khi thị trường đi ngang, dòng tiền sẽ có sự chuyển dịch nhanh giữa các nhóm ngành và sự phân hóa xuất hiện là điều tất yếu.

Dòng tiền tuần qua có sự chuyển dịch từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ và chỉ tập trung vào một số ngành có câu chuyện như chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp.

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I dần được hé lộ và khả năng sẽ có sự phân hóa mạnh, tôi cho rằng, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa và dòng tiền sẽ tập trung vào các cổ phiếu có lợi nhuận tăng trưởng và triển vọng kinh doanh tích cực.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Những cổ phiếu thị giá thấp và giảm sâu thì dễ có thể mang lại lãi suất tốt hơn trong ngắn hạn, ít nhất là theo tâm lý các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân thường thích kiếm tiền nhanh nên chỉ lướt sóng ngắn hạn nên các dòng tiền đảo chiều rất nhanh làm cho thị trường có sự phân hóa liên tục giữa các nhóm ngành. Điều này vẫn sẽ tiếp diễn, nhất là trong bối cảnh kể từ sau Tết, và thị trường vẫn chỉ dao động trong biên độ 1.020-1.100.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Nhiều nhóm cổ phiếu đã hứng chịu quá trình điều chỉnh lớn hầu như cả năm 2022 và diễn biến điều chỉnh kéo dài sang cả đầu năm - việc tăng điểm trở lại của nhiều cổ phiếu cơ bản, giá giảm sâu cũng là điều bình thường - nhóm cổ phiếu bất động sản hay chứng khoán tăng điểm trở lại đang là trở thành tâm điểm của thị trường.

Tuy nhiên năm nay, diễn biến phân hóa sẽ diễn ra - chỉ một số nhóm ngành và kể cả một số các cổ phiếu đặc thù sẽ được ưu tiên hơn và có đà hồi phục hoặc tăng điểm tốt hơn như vài cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, năng lượng, bất động sản khu công nghiệp, dược phẩm...

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Hiện nay, dòng tiền đang có xu hướng vào nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, điều này cho thấy dòng tiền đang ưa thích tính đầu cơ, đặc thù của những giai đoạn đầu sóng tăng kéo dài hoặc sau chuỗi chu kỳ giảm sâu thì nhóm thị giá nhỏ có mức chiết khấu cao hơn.

Đánh giá về chu kỳ của thị trường, tôi cho rằng thị trường đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ sóng tăng cho nên dòng tiền vẫn sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm thị giá nhỏ có tính thanh khoản cao trong các nhóm ngành, giai đoạn này có thể kết thúc vào thời điểm điều chỉnh của thị trường trong tháng 5-6/2023.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Như đã phân tích ở trên, thị trường sẽ tiếp tục ở trạng thái phân hóa trong thời gian tới khi: 1) mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 bắt đầu được công bố và 2) áp lực chốt lời sau chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp cũng như 4/5 tuần tăng vừa qua đang diễn ra…, dẫn đến nhu cầu chốt lời hoặc bảo toàn lợi nhuận hoặc kỳ vọng với từng cổ phiếu sẽ khác nhau.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Sau những nhịp hưng phấn đầu tiên, cá nhân tôi cho rằng thị trường sẽ có mức thanh khoản suy giảm dần trong thời gian tới, và thị trường còn phân hóa rõ nét hơn trong các tháng giữa năm 2023. Đây là đặc điểm chung của những giai đoạn thị trường side-way đi ngang.

Xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ của các NHTW có thể diễn ra giai đoạn nửa cuối năm 2023. Đâu là nhóm cổ phiếu được hưởng lợi của sự thay đổi chính sách này?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Theo tôi, động thái dừng thắt chặt chính sách và giảm lãi suất của NHNN sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong các quý tới. Tuy nhiên sẽ cần thời gian để các chính sách vĩ mô phản ánh lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó cải thiện diễn biến thị trường chung.

Khi chính sách thay đổi, các nhóm cổ phiếu trước đây chịu bất lợi lớn sẽ là các nhóm được hưởng lợi chính. Một số nhóm nhà đầu tư có thể lưu ý gồm:

(1) Nhóm chứng khoán: Khi mặt bằng lãi suất giảm sẽ giúp dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiền gửi sang kênh chứng khoán giúp cho thanh khoản thị trường chứng khoán tăng lên tác động tích cực đến lợi nhuận các CTCK. Ngành chứng khoán cũng là ngành có beta cao, rất nhạy với diễn biến thị trường cho nên đây cũng là cơ hội đầu tư ngắn hạn phù hợp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý Quý I năm nay khả năng cao lợi nhuận sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ do thời điểm Quý I năm ngoái là cao điểm lợi nhuận của các CTCK, nên nhà đầu tư cần cân nhắc thời điểm mua bán phù hợp, tránh áp lực giảm giá từ các thông tin kém tích cực khi kết quả kinh doanh được công bố.

(2) Nhóm ngân hàng: Việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Cùng với đó, các NHTM cũng có nhiều dư địa và chủ động hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Việc tác động đến lợi nhuận trong năm 2023 là chưa rõ ràng và triển vọng trong năm sẽ gặp nhiều thách thức khi nhu cầu tín dụng và huy động vốn vẫn thấp đồng thời áp lực nợ xấu gia tăng. Nhà đầu tư có thể tập trung vào các ngân hàng có câu chuyện riêng và chờ đợi thời điểm thích hợp để giải ngân.

(3) Nhóm được hưởng lợi khi phí lãi vay giảm giúp cải thiện lợi nhuận: Việc giảm lãi suất có tác động tích cực tuy nhiên cần lưu ý mặt bằng lãi suất bình quân 2023 kể cả giảm vẫn cao hơn so với bình quân 2022. Do đó, chi phí tài chính vẫn là gánh nặng của các DN trong năm nay. Nhìn chung, đối với nhóm vay nợ cao khả năng kết quả kinh doanh 2023 vẫn kém tích cực so với 2022, tác động tích cực đến lợi nhuận có thể từ năm 2024 trở đi. Một số nhóm ngành có tỷ lệ vay nợ cao nhà đầu tư nên theo dõi xác định đáy lợi nhuận để tiến hành giải ngân đầu tư như Điện, Bán lẻ, Vật liệu xây dựng và Bất động sản.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Hầu hết các nhóm ngành đều được hưởng lợi, nhưng những nhóm thuộc về tài chính ngân hàng, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu có lợi thế hơn.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Chắc hẳn vẫn là nhóm cổ phiếu tài chính – bất động sản khu công nghiệp - xây dựng xây lắp, hạ tầng, năng lượng, dầu khí...

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, thép, dầu khí là những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong thời điểm NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ, cho nên tôi cho rằng, đây có thể là những nhóm cổ phiếu hồi phục mạnh nhất trong thời gian tới với bối cảnh các NHTW có thể sớm nới lỏng trở lại.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ở bên ngoài, mặc dù các NHTW lớn vẫn tiếp tục tăng lãi suất, nhưng tín hiệu đã dịu bớt và thời điểm “quay xe” cũng đang đến gần. Ở trong nước, Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt về định hướng giảm lãi suất, trong vòng 1 tháng qua NHNN cũng đã giảm các mức lãi suất điều hành, có thể vừa đón đầu xu hướng này vừa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau loạt dữ liệu vĩ mô quý I/2023.

Trong ngắn hạn, dòng tiền đầu cơ sẽ tìm đến các nhóm cổ phiếu vốn nhạy cảm với lãi suất như: chứng khoán, bất động sản…. Thống kê cho thấy, cả 2 nhóm cổ phiếu này cũng đang có tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong quá trình thanh lọc và đào thải, đồng thời các yếu tố ảnh hưởng như tình hình kinh tế vĩ mô, lãi suất hay niềm tin và tiền của người dân cần nhiều thời gian, ít nhất 1-2 năm để có thể ổn định trở lại và tiếp bước phát triển.

Về góc độ cổ phiếu, chính vì những yếu tố về cả thị trường lẫn rủi ro nợ vay đã khiến nhóm bất động sản không còn thu hút và bị có thể nói là bị “ghẻ lạnh” bởi đại đa số nhà đầu tư, từ đó giá cổ phiếu các doanh nghiệp rơi xuống vùng khá thấp.

Tuy nhiên, trong ngắn – trung hạn, tồn tại doanh nghiệp có định giá thấp, có tiềm năng tăng trưởng tốt, chịu ít rủi ro tài chính (vay nợ thấp). Đây có thể là những cổ phiếu tốt để nhà đầu tư tham gia "bắt đáy" trong ngắn hạn.

Mùa ĐHCĐ đang vào mùa cao điểm, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều yếu tố biến động khó lường... khiến doanh nghiệp phải thận trọng khi xây dựng kế hoạch 2023. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp ngược dòng khi đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh. Có thể chọn chiến lược nào để đầu tư cổ phiếu “ăn theo” mùa đại hội không, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Mùa ĐHCĐ đang bước vào giai đoạn cao điểm trong tháng 4 khi nhiều doanh nghiệp tổ chức họp ĐHCĐ thường niên. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp rất thận trọng khi công bố kế hoạch kinh doanh 2023. Tuy nhiên tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm cơ hội với chiến lược đầu tư vào một số nhóm ngành và doanh nghiệp ngược dòng đặt kế hoạch kinh doanh 2023 cao hơn cùng kỳ:

- Nhóm ngành được hưởng lợi và đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng như (1) Ngành xây dựng khi nhóm này được hưởng lợi từ kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và giá vật liệu xây dựng bắt đầu hạ nhiệt; (2) Ngành vận tải dầu trong bối cảnh giá cước vận tải dầu và giá cho thuê định hạn tăng mạnh so với cùng kỳ bởi căng thẳng địa chính trị và các lệnh cấm vận đối với dầu Nga của phương Tây.

- Nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực trong nửa cuối năm 2022 và đặt kế hoạch kinh doanh phục hồi trong năm 2023 như (1) Nhóm ngành chứng khoán với kỳ vọng điểm số và thanh khoản thị trường phục hồi khi NHNN hạ lãi suất điều hành; (2) Nhóm ngành thép trong bối cảnh giá thép tăng trở lại cùng với nhu cầu thị trường kỳ vọng cải thiện nhờ đầu tư công và thị trường bất động sản ấm dần lên; (3) Nhóm ngành chăn nuôi khi giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và giá heo hơi kỳ vọng chạm đáy và đi lên.

- Nhóm một số doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng riêng từ việc thoái vốn, bán tài sản hay xử lý nợ xấu kỳ vọng có lợi nhuận đột biến trong năm 2023.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Thông thường những kế hoạch sản xuất kinh doanh đều mang tính dài hạn, do đó việc lướt sóng dù vẫn có sóng để kiếm lợi nhuận nhưng nhà đầu tư nên nhìn vào mức độ khả thi về lâu dài của kế hoạch đó.

Ví dụ, nếu mức độ khả thi cao nhà đầu tư có thể kết hợp đầu tư giữa ngắn hạn cho đến dài hạn. Ngược lại kế hoạch xa vời, khả năng đạt được thấp thì chỉ nên đầu tư ngắn hạn vì với kế hoạch vượt trội, việc đạt được hay không phải tính bằng năm, trong khi với một kế hoạch đẹp có thể gây ra sự hưng phấn tại thời điểm đó giúp nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận ngắn hạn.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Chiến lược ngắn hạn "ăn theo" mùa cổ đông cũng hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh đánh giá thị trường chung có thể có sự khởi sắc hơn trong quý II. Sẽ có những cơ hội tốt và có cơ hội tăng điểm ấn tượng cho dù là không quá nhiều để giúp các nhà đầu tư có thể có 1 giai đoạn đầu tư hiệu quả hơn.

Năm nay, việc chọn ngành nghề, chọn các cổ phiếu đặc thù có tiềm năng và triển vọng tốt sẽ vẫn được ưu tiên.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, tình hình kinh doanh hiện tại vẫn sẽ khó khăn và nhiều dự báo khó lường khi rủi ro chưa hoàn toàn giảm mạnh với nhiều biến số khó dự báo cho nên tôi đánh giá kế hoạch tăng trưởng vẫn là kế hoạch thách thức với nhiều doanh nghiệp trong năm 2023 mặc dù mức nền thấp của năm 2022. Tuy nhiên, cơ hội là có khi các NHTW giảm việc thắt chặt chính sách tiền tệ của mình trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Cơ bản tôi cho rằng TTCK đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và các nhà đầu tư nên chú ý vào các nhóm ngành hay doanh nghiệp có câu chuyện phục hồi khi lĩnh vực kinh doanh sớm hồi phục thì sẽ là những nhóm thu hút dòng tiền hơn là dựa vào kế hoạch trong mùa đại hội cổ đông.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Các thông tin ở mùa đại hội cổ đông có thể cho nhà đầu tư bức tranh về triển vọng của doanh nghiệp nói riêng cũng như phản ánh thực trạng nền kinh tế nói chung. Tuy vậy, đây đều là các chiến lược mang tính dài hạn, phù hợp với nhà đầu tư dài hạn, còn đối với nhà đầu tư ngắn hạn hay lướt sóng những thông tin như vậy là chưa đủ mà còn cần sự xác nhận của dòng tiền.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Theo số liệu tổng cục thống kê, kinh tế quý 1 ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể 6.79% so với cùng kỳ năm ngoái đến từ mảng dịch vụ; trong đó, doanh thu từ du lịch lữ hành đạt 6.8 nghìn tỷ đồng, tăng 119.8% và lưu trú ăn uống đạt 161.1 nghìn tỷ, tăng 28.4%. Giữa bối cảnh kinh tế giảm tốc giai đoạn đầu năm, lĩnh vực hàng không du lịch nổi lên như một điểm sáng tăng trưởng khi so sánh với mức nền thấp trong năm 2022.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), chỉ số đo lường lượng khách đến các hãng hàng không (RPKs) tại thị trường Châu Á ghi nhận mức tăng đến 114.9% đầu năm 2023, cao nhất toàn cầu. Xu thế phục hồi nổi trội so với thế giới dự báo kéo dài hưởng lợi từ sự chuyển dịch du lịch sang các nước châu Á khi khủng hoảng địa chính trị ở các nước phương Tây chưa có hồi kết. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chính thức mở cửa du lịch vào Việt Nam (từ ngày 15/3) kỳ vọng đóng góp cho sự hồi phục lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm mùa vụ hè năm nay.

Trên biểu đồ kỹ thuật, chỉ số ngành hàng không đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, khi chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) phát tín hiệu lần đầu vượt lên trên tín hiệu mua. Kết quả kinh doanh được dự báo tiêu cực trong mùa đại hội quý I/2023 có thể là cơ sở tạo ra điểm mua tốt cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan