Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Hành động gì khi tài khoản âm và không còn tiền mặt?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Hành động gì khi tài khoản âm và không còn tiền mặt?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia chứng khoán đã đưa ra các phương án cho nhà đầu tư trong bối cảnh tài khoản đang âm nhiều, thậm chí nhiều nhà đầu tư không còn tiền mặt để bơm vào tài khoản mua vùng giá thấp.

Tháng 5 giới đầu tư hay e ngại "sell in may", nhưng nhiều chuyên gia và CTCK năm nay đều cho rằng, tháng 5 sẽ có diễn biến tích cực. Thực tế thì tuần đầu tháng 5 đang tiếp tục đà giảm đã kéo dài suốt 4 tuần trong tháng 4, chuỗi giảm điểm theo tuần mạnh nhất kể từ giữa năm 2018? Ông/bà có đánh giá gì về diễn biến này, liệu tuần tới có tiếp tục suy giảm, hay sẽ hồi phục (dựa trên các động lực nào), đâu là các vùng kỹ thuật mà nhà đầu tư cần chú ý?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Câu thành ngữ trên được đúc kết từ lịch sử thị trường chứng khoán thế giới, mặc dù vậy tại Việt Nam tôi chưa thấy chứng minh được tính hiệu quả. Thống kê kể từ từ 2006, VN-Index có 8 năm tăng điểm trong tháng 5 và cũng có 8 năm giảm điểm, một con số khá cân bằng.

Tâm lý thị trường đang rơi vào trạng thái chán nản, bi quan, do vậy trong tuần tới có thể tiếp tục là các phiên tăng, giảm xen kẽ với thanh khoản thấp. VN-Index có thể giao động trong khoảng giá 1.300-1.350 điểm. Động lực tăng giá giai đoạn này không nhiều, nếu có thì là dòng vốn ngoại đang nâng đỡ thị trường cũng như mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đã về mức hấp dẫn.

Nhìn dài hơn, tôi nhìn nhận các phiên giảm điểm sẽ mở ra nhiều cơ hội tích lũy cổ phiếu trong dài hạn nhờ các động thái góp phần lành mạnh hóa thị trường, trong khi kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá rất sáng nhờ quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, tăng trưởng từ xuất khẩu cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, đầu tư công của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Thực tế có là tháng nào thì thị trường vẫn là thị trường bởi thị trường có thể nói vào xu thế giảm điểm. Ở xu hướng này, tin tốt thì giá không tăng, ngược lại tin xấu là sẽ giảm mạnh. Tâm lý yếu nên không dám mạnh dạn mua, bên bán thì tăng lên là bán tạo ra áp lực rất lớn để xoay chuyển xu hướng này.

Cá nhân tôi đánh giá nhịp giảm này chưa dừng lại và với chỉ số chung còn tiếp tục. Tuy nhiên, có thể từng cổ phiếu sẽ tìm điểm cân bằng sớm thì mức giảm sẽ bớt đi. Những cổ phiếu này hội tụ ở kết quả kinh doanh tích cực, có lợi thế kinh doanh và đã điều chỉnh trước thị trường. Nhà đầu tư ở những cổ phiếu này sẽ giảm nhiều đòn bẩy nên áp lực bán tháo sẽ ít hơn.

Nếu nhìn theo dữ liệu quá khứ, VN-Index thường chạm đáy khi mức giảm từ 20-24% từ đỉnh. VN-Index đóng cửa cuối tuần trước tại 1.329 điểm thì mức giảm mới chỉ là 13,1%, nếu theo tính toán này thì rõ ràng khoảng cách lớn nữa.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Sự hồi phục là có khả năng nhưng có thể tạm thời chỉ mang tính điều chỉnh. Lý do giá giảm quá sâu sẽ có lực bắt đáy cũng như người bán cũng sẽ nản lòng không bán nữa trừ những tài khoản bị giải chấp do sử dụng margin cao.

Do dòng tiền yếu, thanh khoản suy giảm nên việc phục hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn chứ chưa thể giúp thị trường trở lại xu hướng tăng một khi dòng tiền chưa trở lại, các nhóm nhà đầu tư như nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở vị thế bán nhiều hơn.

Bên cạnh đó TTCK thế giới như chứng khoán Mỹ, chỉ số DJ30 cũng đã giảm 6 tuần liên tiếp cũng sẽ làm áp lực lên thị trường trong nước. Mốc hỗ trợ là 1.280 và 1.320.

Theo dữ liệu của Refinitiv, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu châu Á trị giá 14,22 tỷ USD trong tháng 4 và cũng là tháng bán ròng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam lại được mua ròng 175 triệu. Lũy kế 4 tháng đầu năm, mức bán ròng là 45,76 tỷ USD, cao nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ ít nhất là năm 2008. Ông/bà có nhìn nhận gì với các con số, diễn biến này? Phải chăng câu chuyện tăng lãi suất của FED khiến dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng khỏi thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Xu hướng chung khi FED tăng lãi suất sẽ là rút ròng tại các thị trường cận biên và mới nổi. Đây là làn sóng khó đảo ngược do quy mô cũng như đặc thù các dòng vốn đầu tư gián tiếp tại các thị trường này.

Tại thị trường Việt Nam đang là một trong những thị trường hiếm hoi dòng vốn ngoại vẫn hoạt động tích cực nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, tái mở cửa nền kinh tế cũng như các chính sách thu hút vốn đầu tư của Chính phủ.

Quan sát thị trường ngoại hối có thể thấy với câu chuyện FED tăng lãi suất đã khiến đồng USD mạnh lên tương đối so với nhiều cặp tiền tệ khác, bao gồm cả áp lực lên VNĐ trong tháng 4 vừa rồi.

Đây là các chỉ tiêu theo tôi cần chú ý quan sát vì sẽ tác động trực tiếp tới tỷ suất cũng như hành vi của các quỹ đầu tư nước ngoài giai đoạn sắp tới.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Điều chắc chắn là liên quan đến việc FED tăng lãi suất, và hơn nữa nằm ở biên độ tăng, tốc độ tăng lãi suất lần này cực nhanh và mạnh. Việc dòng vốn rút ra không khác năm 2018, nhưng rồi sau đó dòng vốn này sớm lại tìm chỗ giải ngân sau 1 thời gian nữa, nhanh thì 1 năm, chậm 2 năm tới. Do lãi suất tăng lên khiến nhiều Quỹ gặp áp lực với khoản đầu tư Trái phiếu, dòng vốn có biến động là tất yếu.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Dù diễn biến của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường trong nước khá hơn Châu Á nhưng cần lưu ý bệ đỡ mạnh nhất của thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước chứ không phải khối ngoại khi chính nhóm này bán ròng miệt mài hơn 2 năm qua và nhờ nhà đầu tư cá nhân rất mạnh đã đỡ được thị trường thậm chí giúp thị trường liên tục lập các đỉnh cao mới.

Tuy nhiên, hiện nay, dù khối ngoại có sự tích cực hơn nhưng với giao dịch của họ trên thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân bán ròng thì khối ngoại mang tính chất hỗ trợ về tâm lý và kiềm hãm đà giảm điểm nhiều hơn là xoay chuyển cục diện.

Việc FED và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn toàn cầu chứ không riêng gì thị trường nào. Như quan sát cho thấy các TTCK ngoài châu Á, cả thị trường tài sản số, trái phiếu... cũng đều bị rút mạnh.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm điểm sâu, chỉ số ít về xuất khẩu như thuỷ sản, cảng biển tăng và duy trì mức giá ổn. Vậy vùng giá hiện này với nhóm này liệu vẫn còn hấp dẫn hay đã phản ánh triển vọng. Bên cạnh đó, vẫn câu chuyện cũ, cả thị trường kỳ vọng bank sẽ tăng tốt trong thời gian tới, thực tế nhóm này sau thời gian đi ngang thì gần đây giảm cũng khá mạnh. Quan điểm ông/bà như thế nào? Đâu sẽ là nhóm ngành triển vọng mà nhà đầu tư nên chú ý thời gian tới?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Nhóm cổ phiếu thủy sản, cảng biển đang có nhiều câu chuyện tăng trưởng, giá cổ phiếu theo đó cũng hưởng lợi tốt nhờ câu chuyện “nước chảy chỗ trũng” của dòng tiền thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý 2 ngành này có tính chu kỳ cao, và mức giá hiện tại của nhiều cổ phiếu theo tôi đã ở mức đắt đỏ.

Đối với nhóm ngân hàng, do đây là nhóm cổ phiếu “vua” nên sẽ cần dòng tiền lớn tham gia để thúc đẩy đà tăng giá cũng như có thông tin vĩ mô đủ mạnh; tuy nhiên điều này đang không diễn ra trong trạng thái tâm lý thị trường hiện tại.

Xét về các nhóm ngành triển vọng, tôi đánh giá một số nhóm ngành mang tính mùa vụ hoặc triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 tốt như thủy điện, bia rượu, du lịch, hàng không có thể là cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, các cổ phiếu đơn lẻ có câu chuyện cổ tức cao hoặc tăng vốn, phát hành đối tác chiến lược cũng có thể được dòng tiền chú ý.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Có điểm ở TTCK Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân quá lớn, thường những nhóm nhà đầu tư này không có kỷ luật đầu tư. Họ mua bán theo cảm xúc nên cứ thấy mã nào hay là mua, có khi đang nắm giữ mã tốt nhưng chỉ vì lâu tăng giá là bán. Thậm chí bán mã tốt nhảy mua mã đầu cơ, rồi sử dụng đòn bẩy Margin cũng vô tội vạ. Do đó khi thị trường quay đầu thì tốt xấu sẽ bán hết, tạo ra cú sụt giảm mạnh như vừa qua.

Ở những giai đoạn như hiện nay, có thể nhóm nào đó thực sự tốt mới giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý. Tâm lý là yếu tố cực kỳ quan trọng, và nó quyết định tất cả. Do đó, ngắn hạn lúc này ngành tốt thì giữ giá hoặc hồi phục đủ mạnh rồi, còn ngành nào yếu thế thì nguy cơ giảm là hiện hữu.

Ngành Ngân hàng thực tế còn không thể tăng trong bối cảnh cả thị trường kỳ vọng vào nó thì lúc này thực sự khó làm được điều kỳ diệu.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Trong xu hướng thị trường xuống, cổ phiếu hay ngành tốt xấu đều giảm điểm, chỉ khác mức độ. Việc một vài cổ phiếu đi ngược chỉ một số rất nhỏ và rất khó tìm cũng như thời gian đi ngược cũng rất ngắn. Do đó việc khuyên các nhà đầu tư tham gia sẽ rất rủi ro trừ khi các nhà đầu tư có kỹ năng lướt sóng, chịu được rủi ro cực kỳ cao hoặc các nhà đầu tư dài hạn có thể DCA dần. Tuy nhiên việc DCA cũng không phải dễ dàng mà phải có chiến lược chứ nếu không cụt vốn vẫn chưa thể DCA hoàn tất.

Nhà đầu tư nên làm gì trong bối cảnh hiện nay, khi mà hầu hết tài khoản đang âm nhiều, thậm chí nhiều nhà đầu tư không còn tiền mặt để bơm vào tài khoản mua vùng giá thấp?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Theo tôi chúng ta cần tỉnh táo nhìn lại danh mục, tránh hiện tượng quá yêu/ghét cổ phiếu mà xa rời giá trị cơ bản. Đối với các trạng thái margin hiện tại, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng dư nợ để tránh áp lực tâm lý khi thị trường tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Xét về dài hạn tôi vẫn cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn, do vậy các cổ phiếu đầu ngành, VN30, bluechip hoặc có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, tài chính lành mạnh sớm hay muộn cũng sẽ vượt mức đỉnh cũ. Đây là các cổ phiếu nhà đầu tư nên giữ lại danh mục.

Ngược lại, các cổ phiếu đầu cơ, có biến động giao dịch giá trong phiên lớn với các phiên tăng trần, giảm sàn thì chúng ta nên tận dụng các nhịp hồi để bán cơ cấu lại danh mục.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH)

Theo kinh nghiệm tôi có được thì nhà đầu tư nhanh tay cơ cấu lại danh mục, hạ hết tỷ trọng đòn bẩy và thoát khỏi trạng thái khó khăn, bi quan nhất. Khi đã thoát khỏi, dù có mất mát nhưng tâm lý nhà đầu tư sẽ cực kỳ tươi sáng, lúc đó họ sẽ có cái nhìn khác hơn. Như tôi nói tâm lý là yếu tố quyết định, khi sáng suốt chúng ta sẽ tìm ra cơ hội. TTCK còn tăng trưởng trong dài hạn, đừng để chết trong ngắn hạn bởi những tư duy chộp giật.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Nhà đầu tư nên tiếp tục giảm bớt cổ phiếu trong danh mục, thu về tiền mặt, đặc biệt với nhà đầu tư có margin thì nên giảm phần lớn. Bên cạnh đó, năm nay tránh việc tất tay, sử dụng margin. Tóm lại xuống tiền cần phải suy nghĩ thận trọng, cần phải hít sâu 70 lần, chớp mắt 700 lần, cân nhắc đắn đo trước khi thực hiện.

Tin bài liên quan