Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Năng lượng, nguyên vật liệu, hàng hóa... sẽ vẫn hút dòng tiền

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Năng lượng, nguyên vật liệu, hàng hóa... sẽ vẫn hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù sẽ có sự phân hóa nhưng dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục thu hút vào các nhóm năng lượng, nguyên vật liệu, hàng hóa thiết yếu... bởi rủi ro xung đột Nga - Ukraine là khó có thể đoán định thời điểm kết thúc.

Thị trường trong những phiên tuần qua diễn biến khá thất thường và gần như không theo xu hướng nào. Việc tăng giảm xen kẽ cho thấy xu hướng bất định trong tâm lý nhà đầu tư gần như thay đổi mỗi ngày theo diễn biến tình hình chiến sự của quốc tế. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Áp lực điều chỉnh của thị trường vẫn khá lớn. Chỉ số VN30 diễn biến tệ hơn so với VN-Index - nhóm cổ phiếu lớn giảm điểm cũng là nguyên nhân khiến thị trường khó giao dịch khởi sắc ngoại trừ một số nhóm cổ phiếu tăng điểm tích cực, nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tươi sáng nửa đầu năm 2022. Thị trường hoàn toàn điều chỉnh tạo đáy ngắn hạn tuần tới.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc phân tích, CTCK Vietinbank

Tôi cho rằng, khả năng thị trường điều chỉnh trong tuần tới là khá cao, với yếu tố tác động mạnh nhất là khả năng Fed tiến hành nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 16/03.

Ngoài ra, động thái bán ròng mạnh của khối ngoại trong thời gian gần đây cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Trong nước, chỉ số CPI được dự báo sẽ có xu hướng tăng khi giá xăng dầu vừa áp sát mốc 30.000 đồng làm tăng chi phí đẩy đến các nhóm hàng hóa trên thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Thị trường có thể sẽ hồi phục vào đầu tuần sau 1 tuần đầy biến động trước đó, tuy nhiên xu hướng sẽ trở nên khó đoán hơn khi rạng sáng ngày thứ tư 16/3 (giờ Việt Nam) FED sẽ ra quyết định chính thức về chính sách tiền tệ của mình và theo dữ liệu của CME Group thì khả năng FED tăng lãi suất lên tới 100%.

Với tình hình chiến sự cộng với lạm phát trước đó của Mỹ cao nhất hơn 40 năm khiến dự báo FED có thể sẽ mạnh tay hơn mức 25 điểm cơ bản (0,25 điểm %) thường thấy cho một đợt tăng lãi suất.

Nếu FED thật sự làm vậy thì TTCK toàn cầu nói chung và TTCK trong nước nhiều khả năng sẽ có phản ứng tiêu cực ít nhất cũng trong ngắn hạn.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Với việc VN-Index thủng biên dưới khung đi ngang kéo dài hơn 3 tuần qua (1.480 - 1.510 điểm), thị trường đã chính thức chuyển biến tiêu cực. Sự ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và TTCK toàn cầu là điều khó tránh khỏi (và thực ra TTCK thế giới đã giảm trước Việt Nam nhiều tuần).

Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng rủi ro đang nhiều hơn cơ hội, do đó nhà đầu tư cần chú trọng đến việc quản trị rủi ro.

thể thấy, thế giới đang tạo ra cơn khủng hoảng nguyên liệu, đẩy nhiều giá nguyên liệu tăng mạnh chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, một số ngành được hưởng lợi từ biến động này, đây cũng là cơ hội hiếm có của một số ngành nghề hưởng lợi trực tiếp từ cơn khủng hoảng nguyên liệu. Những nhóm ngành đang theo trend ngắn hạn như phân bón, thép, dầu khí, vận tải biển, hóa chất … liệu còn tiếp tục tạo sức hút dòng tiền trong ngắn hạn?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Năm nay là năm của những nhóm này được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu tăng mạnh, nhu cầu hàng hoá, hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng. Các nhóm ngành này tăng và điều chỉnh đan xen cũng như hoàn toàn có khả năng thu hút dòng tiền trong thời gian tới.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc phân tích, CTCK Vietinbank

Tôi cho rằng, các nhóm cổ phiếu đang tạo hot trend sẽ tiếp tục có sự phân hóa, với rủi ro điều chỉnh đang tăng dần tại các nhóm dầu khí, phân bón, hóa chất khi giá dầu thế giới đang chịu áp lực điều chỉnh từ nguồn cung gia tăng từ Iran và các quốc gia thuộc OPEC nhằm ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong khi đó, nhóm cảng biển vẫn còn dư địa tăng trưởng khi chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều thách thức từ các lệnh vận đối với Nga từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Với nhóm thép và vật liệu xây dựng, rủi ro điều chỉnh đang gia tăng khi Chính phủ nhiều khả năng tiến hành các biện pháp bình ổn giá nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, động lực giúp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Điều này gần như khó có thể thay đổi trong ngắn hạn và xu hướng này vẫn còn tiếp diễn trong tuần tới, thậm chí nhiều tuần tới nữa nếu căng thẳng không hạ nhiệt cũng như số liệu lạm phát tiếp tục đứng ở mức cao ở nhiều nền kinh tế lớn hiện nay. Do đó, dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục thu hút vào các nhóm năng lượng, nguyên vật liệu, hàng hóa thiết yếu...

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Về cơ bản thì những nhóm ngành đang được hưởng lợi vẫn cho sức tăng tốt hơn mặt bằng chung tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý đến xu hướng chung của thị trường. Nếu trong điều kiện thị trường ổn định trở lại thì dòng tiền chắc chắn vẫn sẽ chảy mạnh hơn vào các nhóm ngành này.

Dù vậy, ngay cả khi thị trường có diễn biến tiêu cực, sức hút của các nhóm ngành này vẫn được đánh giá cao hơn, bởi rủi ro xung đột Nga – Ukraine là khó có thể đoán định thời điểm kết thúc.

Cũng liên quan đến chuyển động dòng tiền, nhóm cổ phiếu gỗ đã tạo điểm nhấn cho thị trường khi nhiều mã TTF, PTB, GDT, GTA đều tăng hết biên độ ở phiên cuối tuần. Có gì đáng lưu tâm đến nhóm ngành này, theo các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Cổ phiếu gỗ cổ phiếu phân bón, cảng biển là nhóm cổ phiếu mạnh giai đoạn hiện tại có lẽ là cơ hội đầu tư - các doanh nghiệp này cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc phân tích, CTCK Vietinbank

Lệnh cấm xuất khẩu của Nga nhằm đáp trả các biện pháp cấm vận từ Mỹ và châu Âu được xem là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong ngắn hạn. Theo số liệu ước tính từ Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng gần 17% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, về dài hạn nhà đầu tư cần ưu tiên chọn lọc các doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là khi giá nhập khẩu gỗ nguyên liệu đang ở mức kỷ lục trong lịch sử.

Ông Đào Tuấn Trung

Ông Đào Tuấn Trung

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Nhóm này nằm trong nhóm nguyên vật liệu thiết yếu, khi sắt thép đã tăng rồi thì đồ gỗ rất khó có thể ngoại lệ. Điều này trong ngắn hạn rất khó thay đổi và xu hướng nhóm này nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Nga là một trong những đất nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu nhiều nhất trên thế giới hiện nay, việc bị cấm vận khiến giá gỗ nguyên liệu toàn cầu có xu thế tăng mạnh. Nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi.

Tuy nhiên tôi lưu ý, chỉ một số doanh nghiệp có rừng nguyên liệu được hưởng lợi, còn nhiều doanh nghiệp thực hiện chế tác thành phẩm sẽ gặp khó khăn trong việc nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, vì vậy nhà đầu tư nên tránh việc chạy theo đám đông mà thiếu sự phân tích kỹ càng hơn.

Trong ngắn hạn, thị trường vẫn có khả năng biến động mạnh. Nhiều khuyến nghị cho rằng, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu 55 - 60% danh mục. Còn với ông/bà, đâu là chiến lược phù hợp?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Thị trường cũng phải ở giai đoạn thuận lợi để giao dịch cổ phiếu mạnh bạo và chỉ một số cổ phiếu thuộc vài nhóm ngành giao dịch tích cực - nhà đầu tư cần hiểu rõ và đảm bảo mua đúng cổ phiếu, đúng thời điểm và việc sử dụng margin cũng đòi hỏi kinh nghiệm của nhà đầu tư - thận trọng cũng là điều cần thiết.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc phân tích, CTCK Vietinbank

Với rủi ro đang có xu hướng giá tăng từ ảnh hưởng gián tiếp của chiến sự tại Ukraine và diễn biến tăng mạnh của giá dầu, nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng lướt sóng ngắn hạn xuống mức thấp nhất có thể, chỉ giữ lại các cổ phiếu đầu tư trung dài hạn trong danh mục.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

VN-Index biến động chỉ quanh mức 1.500 điểm suốt hơn 4 tháng qua dù diễn biến chứng khoán thế giới tiêu cực hơn rất nhiều như chứng khoán Mỹ đã giảm 5 tuần liên tiếp. Nhờ nhiều nhóm ngành tuy cắm đầu nhưng một số nhóm lại được hưởng lợi bởi bất ổn và lạm phát cao giúp duy trì chỉ số không quá tệ.

Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư ngày càng "xa bờ" nên việc giảm tỷ trọng đòn bẩy, margin, tăng cường tiền mặt trong danh mục và tái cơ cấu lại danh mục ở những phiên thị trường tăng điểm, gia tăng tỷ trọng ở những nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi bất ổn hoặc ảnh hưởng ngược lại như những tuần gần đây để giúp danh mục vẫn có thể duy trì được đà tăng trưởng hoặc ít nhất ít bị tác động tiêu cực.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Với việc thị trường đã chuyển biến tiêu cực, chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố địa chính trị, thế giới khó có thể phán đoán, nhà đầu tư tạm thời nên giảm tỷ trọng danh mục xuống mức thấp nhất có thể.

Quan sát thêm những diễn biến từ TTCK toàn cầu và xung đột Nga – Ukraine, chỉ nên quay trở lại khi các yếu tố bất ổn có dấu hiệu kết thúc.

Tin bài liên quan