Sau HAG, đã có thêm một số doanh nghiệp xin hồi tố kết quả kinh doanh các năm trước.

Sau HAG, đã có thêm một số doanh nghiệp xin hồi tố kết quả kinh doanh các năm trước.

Rắc rối chuyện hồi tố kết quả kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điều chỉnh hồi tố thực chất là một nghiệp vụ khá đơn giản, nhưng với nhiều doanh nghiệp lại trở thành phức tạp bởi những lý do “ngoài chuyên môn”.

Bẫy “hồi tố”

Điều chỉnh hồi tố là một nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh lại một số khoản mục trên báo cáo tài chính tại những kỳ trước đây. Việc điều chỉnh hồi tố được quy định rất rõ trong Luật Kế toán cũng như các chuẩn mực kế toán hiện hành và trên thực tế có không ít doanh nghiệp thực hiện hồi tố do đặc thù các khoản công nợ, các khoản thuế phí hoặc do thay đổi chính sách kế toán.

Chẳng hạn từ năm 2015, khi Thông tư 200 được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực, rất nhiều doanh nghiệp là các chủ đầu tư đã phải đồng loạt thực hiện hồi tố doanh thu khi việc ghi nhận doanh thu theo tiến độ xây dựng hoặc theo số tiền thu trước của khách không được thừa nhận, mà chỉ được ghi nhận khi bàn giao nhà.

Khi đó, tính từ thời điểm mà Thông tư có hiệu lực, các dự án vẫn đang trong quá trình triển khai mà chưa đủ điều kiện bàn giao nhà theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản có liên quan khác, đều phải thực hiện hồi tố lại các khoản doanh thu đã ghi nhận từ việc đóng trước của khách hàng và phải chuyển sang phần Nợ phải trả ở khoản mục Người mua trả tiền trước.

Đối với hoạt động kinh doanh thường ngày, việc thực hiện hồi tố với nhiều khoản thu chi vẫn diễn ra khi doanh nghiệp sau rất nhiều cố gắng (ví dụ thu hồi công nợ) nhưng bất thành hoặc thất thoát giấy tờ và không chứng minh được nguồn gốc.

Tuy nhiên, khi việc hồi tố diễn ra quá nhiều với số tiền quá lớn và thực hiện liên tục trong một thời gian dài lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đặc biệt, sức ảnh hưởng của nó theo nhiều chuyên gia là nghiêm trọng, nhất là với nhóm các doanh nghiệp đại chúng đang giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Một trong những điển hình của vấn đề này là câu chuyện tranh cãi liên quan đến việc hủy hay không hủy niêm yết Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG). Trong báo cáo tài chính quý 4/2021, doanh nghiệp này bất ngờ công bố việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 âm, để ngỏ khả năng doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc tại HOSE.

Sự việc phải chờ quyết định chính thức từ cơ quan quản lý, tuy nhiên, câu chuyện của HAG khiến nhiều nhà đầu tư nhớ về các trường hợp khác từng gây không ít tranh cãi xoay quanh nghiệp vụ tưởng chừng bình thường “hồi tố” này.

Đầu năm 2020, các cổ đông của Công ty cổ phần Bibica (BBC) cũng đã đặt nhiều dấu hỏi về kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2019 của doanh nghiệp.

Tại Báo cáo tài chính kiểm toán, Công ty Ernst & Young nêu ý kiến nhấn mạnh khi cho biết, Công ty ghi nhận một khoản phải thu liên quan đến khoản thuế giá trị gia tăng bị truy thu của hàng hóa dùng để khuyến mại và tiền phạt chậm nộp đã nộp cho cơ quan thuế.

Khoản này phát sinh liên quan đến các sản phẩm và hàng hóa dùng để khuyến mại của Nhà máy, mà theo cơ quan thuế, là không thuộc đối tượng được xác định giá tính thuế bằng không. Ban Tổng giám đốc Công ty đã nộp các khoản trên theo yêu cầu, nhưng vẫn đánh giá rằng, khoản truy thu thuế giá trị gia tăng và tiền phạt nêu trên sẽ được hoàn trả khi Công ty hoàn thành việc giải trình đầy đủ hồ sơ và cơ sở cho cơ quan thuế.

Nếu đề nghị hoàn thuế của Bibica bị cơ quan có thẩm quyền chính thức bác bỏ, thì các số liệu đã trình bày trong báo cáo tài chính năm 2019 của Bibica sẽ bị “đảo lộn”. Khi đó, Bibica sẽ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính và khoản tiền gần 6 tỷ đồng đã được ghi nhận vào các khoản phải thu sẽ phải đưa vào chi phí trong năm 2019. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận sau thuế của Công ty cũng bị giảm một số tiền tương ứng.

Tại báo cáo tài chính năm 2021 thể hiện, khoản truy thu này sau đó đã không được cơ quan thuế chấp thuận. Tới tháng 12/2020, BBC đã phải làm Công văn gửi Cục thuế để điều chỉnh giá tính thuế cho hàng hóa dùng để khuyến mại nêu trên với thuế VAT là 10%, đồng thời phải thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế đã nộp cho Nhà nước.

Cũng trong mớ bòng bong về cách hạch toán chi phí là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (mã VPG). Vào năm 2019, Công ty đã điều chỉnh hồi tố một khoản chi phí thuế xuất nhập khẩu vào chi phí năm 2018. Thắc mắc đặt ra là tại sao Công ty ghi nhận khoản đó vào chi phí năm 2018, mà không phải năm 2017 hoặc năm 2019?

Trong trả lời của mình vào thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cho biết, cơ sở để Công ty điều chỉnh hồi tố thuế xuất khẩu năm 2018 theo quyết định của Cục Hải quan Lào Cai và của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, thuế xuất khẩu của các tờ khai phát sinh trong năm 2018 nên điều chỉnh vào năm 2018. Năm 2017, chỉ phát sinh ít tờ khai và số tiền thuế ít, nên kiểm toán điều chỉnh hồi tố vào năm 2018.

Tuy vậy, trả lời của lãnh đạo Việt Phát nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi không đồng tình của các chuyên gia kế toán khi cho rằng, chi phí chi trả trong năm nào phải ghi nhận vào chi phí năm đó. Đây cũng là nguyên tắc chung được nêu trong các chuẩn mực kế toán.

Vô tình hay cố ý?

Điều chỉnh hồi tố, hiểu đơn giản là khoản mục nào cần điều chỉnh, ở năm nào thì điều chỉnh vào năm đó. Nguyên tắc chung dễ hiểu nhưng trong nhiều trường hợp lại thành hết sức khó hiểu, đặc biệt khi nó có liên quan qua từng năm và liên quan với nhau, chẳng hạn chi phí tăng thì lợi nhuận giảm và ngược lại nên có thể sinh ra những rắc rối đối với người đọc báo cáo tài chính. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu nhà đầu tư hoặc cổ đông có “điều kiện” hoặc đủ trình độ về kiến thức kế toán để nắm rõ việc hồi tố có ảnh hưởng gì với cổ đông.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, sai sót trong các số liệu báo cáo tài chính khi tổng hợp là điều không tránh khỏi bởi với nhiều doanh nghiệp, do quy mô hoạt động quá rộng, quá nhiều lĩnh vực hoặc mô hình tổ chức phức tạp thì việc chuyển nhận dữ liệu rất dễ gây nhảy số. Việc điều chỉnh đôi khi có thể xảy ra ở mức độ nhỏ, kể cả với vấn đề hồi tố do những sai sót.

Hồi tố thường xuyên có thể thay đổi cả góc nhìn về doanh nghiệp, ví dụ như “lãi khủng” thành “lãi mỏng” hay “lãi to” thành “lỗ to” là vấn đề rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu hồi tố thường xuyên có thể thay đổi cả góc nhìn về doanh nghiệp, ví dụ như “lãi khủng” thành “lãi mỏng” hay “lãi to” thành “lỗ to” là vấn đề rất nghiêm trọng.

Một số doanh nghiệp đổ lỗi cho nhân viên đánh máy hay kế toán, hoặc viện dẫn đang gửi kiến nghị lại với cơ quan thuế, đối tác kinh doanh…

Cách trả lời này theo ông Ngọc, đôi khi hơi khiên cưỡng và khiến nhà đầu tư rất dễ mất niềm tin vào doanh nghiệp. Đặc biệt với các doanh nghiệp niêm yết bởi đã chấp nhận lên sàn có nghĩa là cần cuộc chơi minh bạch, có trách nhiệm trong công tác quản trị và đối ngoại với cổ đông và nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Hải Phòng cho rằng, một doanh nghiệp khi đã hồi tố, đương nhiên sẽ bị nhà đầu tư đặt câu hỏi “Tại sao doanh nghiệp khác họ không hồi tố, chỉnh sửa gì mà doanh nghiệp anh lại hồi tố? Nếu làm đúng, làm đủ và cẩn trọng từ những năm trước thì giờ có phải mất công hồi tố hay không?”.

Từ đây, uy tín của doanh nghiệp đã bị giảm phần nào. Tất nhiên, việc giải trình nếu có những cơ sở và căn cứ trả lời chắc chắn cũng như chữ tín của bản thân lãnh đạo doanh nghiệp lâu nay, vẫn có thể được chấp nhận, nhưng dù sao không cần phải giải trình cũng là cách để nhà đầu tư đặt niềm tin tốt nhất.

Tin bài liên quan