Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Các nhóm cổ phiếu có thể có sức bật tốt trong tuần tới

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Các nhóm cổ phiếu có thể có sức bật tốt trong tuần tới

(ĐTCK) Theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu điện nước, dệt may, bán lẻ, đầu tư công và có thể là ngân hàng... dự kiến sẽ là các nhóm có sức bật nhất trên thị trường, nhưng không phải tất cả các mã trong nhóm.

Thị trường vẫn chưa có tín hiệu khả quan và tiếp tục lỗi hẹn với mốc 1.200 điểm. Trong đó, tâm lý thận trọng và thanh khoản thấp có thể là nguyên nhân khiến thị trường để mất điểm ở những phiên cuối tuần. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về diễn biến thị trường trong tuần cuối cùng của tháng 7?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Theo tôi, thị trường tuần cuối cùng của tháng 7 có khả năng giao dịch trong trạng thái thận trọng với thanh khoản thấp. Nhà đầu tư đang chờ đợi thị trường chứng khoán thế giới phản ứng thế nào khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 - 1%.

Nếu Fed tăng lãi suất 0,75%, là mức lãi suất thị trường đang định giá thì sẽ không có nhiều phản ứng (không bất ngờ), ngược lại nếu lãi suất được nâng lên mức 1% thì khả năng thị trường sẽ có phản ứng mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, rủi ro trung hạn của thị trường chung đã có dấu hiệu giảm dần, nên tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp quanh mức 1.200 điểm của chỉ số VN-Index.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Tuần cuối tháng 7 đón nhận thông tin quan trọng từ Fed với khả năng tăng lãi suất từ 0,75%-1%, nên thị trường có thể biến động chậm nửa đầu tuần. Tuy nhiên, kỳ vọng sự tích cực lớn hơn, vì các thông tin đã được dự báo trước và nhà đầu tư đã dần quen với chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt của các ngân hàng trung ương.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

Trên quan điểm của tôi, đối với thị trường Việt Nam, trong tuần vừa rồi, việc VN-Index bị điều chỉnh khi gặp ngưỡng 1.200 điểm là việc hết sức bình thường. Một mặt, giai đoạn này cũng là giai đoạn thị trường tương đối nhạy cảm, không có quá nhiều thông tin quan trọng và nỗi lo sợ suy thoái kinh tế lan truyền trên khắp các mặt báo mặc dù thị trường Mỹ có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn.

Ông Vũ Duy Khánh

Ông Vũ Duy Khánh

Hiện tại, tin tức tập trung vẫn là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II và công bố đợt điều chỉnh lãi suất của Fed trong tuần sau vào ngày 27/7 giờ Mỹ.

Trong tuần tới, tâm lý chờ đợi công bố mức điều chỉnh lãi suất làm thị trường sẽ trở nên thận trọng hơn trong những ngày đầu tuần và sẽ có phản ứng mạnh vào những ngày cuối tuần. Nếu thị trường có sự phản ánh tích cực sau đợt điều chỉnh lãi suất này, rất có thể sẽ tạo ra nhịp tăng giá tốt trong trung hạn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Mặc dù thị trường đã giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, tuy nhiên tôi thấy sự điều chỉnh ở vùng 1.200 điểm là điều hợp lý. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư không bị hưng phấn quá và có thời gian thích nghi với những mốc điểm số mới của thị trường trong tương lai.

Nhìn rộng ra, tôi nhận thấy tuần cuối cùng của tháng 7 sẽ diễn ra khá nhiều sự kiện như (1) Mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên (2) Cuộc họp của Fed vào giữa tuần và (3) Cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư cuối tháng.

Tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực trong tuần tới khi dòng tiền đang đảo lớp khá tốt giữa các ngành, nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc kết quả kinh doanh tốt, bên cạnh việc khối ngoại đang mua ròng tích cực sẽ tạo điểm tựa tâm lý dẫn dắt dòng tiền.

Xem ra mốc 1.200 điểm đang là lực cản mạnh đối với thị trường hiện tại, bởi cứ chạm đến mốc này là thị trường “quay xe”. Ông/bà nhìn nhận như thế nào đối với ngưỡng tâm lý này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi không nghĩ mốc 1.200 điểm đang làm khó thị trường, thanh khoản giảm ở 2 phiên cuối tuần cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi các động thái từ Fed cũng như việc các quỹ ETF sẽ cơ cấu danh mục ra sao trong tuần cuối tháng 7. Khi các rào cản như trên qua đi, tâm lý nhà đầu tư sẽ được cởi bỏ, khi đó thị trường sẽ có đủ tín hiệu để đánh giá mốc cản tâm lý này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

1.200 điểm của chỉ số VN-Index được xem là ngưỡng kháng cự tâm lý trong bối cảnh dòng tiền vẫn đang suy yếu, cho nên có thể xem ngưỡng kháng cự tâm lý vẫn đang là ngưỡng kháng cự mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Chỉ số VN-Index chưa thể vượt hoàn toàn được ngưỡng kháng cự 1.200 chủ yếu là thanh khoản của thị trường vẫn còn rất thấp và sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, độ rộng thị trường đang có chiều hướng tích cực, nên tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm vượt khỏi ngưỡng kháng cự tâm lý này.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Ngưỡng này mang tính tâm lý và do quá gần thời gian công bố chính sách của Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nên thị trường di chuyển mang tính chờ đợi nhiều hơn. Kỳ vọng cuối tháng 7 hoặc sang đầu tháng 8 sẽ vượt qua mốc này khi các thông tin được công bố và phản ánh vào giá.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

1.200 là mốc tâm lý nặng của VN-Index, kể cả từ giai đoạn gần 15 năm từ 2007, 2018 cho đến 2022, hiện tại VN-Index vẫn dao động quanh các mốc này, mặc dù đối với nền lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đang ở mức hoàn toàn lớn hơn rất nhiều so với năm 2007.

Trong ngắn hạn, tôi nghĩ có thể nó sẽ là ngưỡng cản tâm lý và vùng cân bằng của thị trường, nhưng nếu nhìn dài và xa hơn một chút có thể thấy rằng, mốc 1.200 điểm này không quá đáng ngại và cũng không phải vấn đề to lớn cả.

Có thể kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn lại với mặt bằng chung sẽ có sự tăng trưởng ở mức tương đối tốt so với cùng kỳ và quý trước, cộng với phản ứng tích cực của thị trường đối với việc tăng lãi suất của Fed trong tháng 7 có thể sẽ là động lực để VN-Index vượt ngưỡng 1.200 sớm.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Mốc 1.200 điểm hình thành và đã đi theo xuyên suốt của lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là cột mốc mà từ cách đây 15 năm chúng ta đã vượt qua, vì vậy tôi cho rằng không có lý do gì thị trường không sớm vượt qua mốc này khi nền kinh tế đã có sự phát triển vượt bậc.

Trong quý III, dự báo tăng trưởng GDP tiếp tục rất cao trong khi lạm phát đang hạ nhiệt nhờ giá xăng dầu giảm. Trong tuần tới, tôi dự báo thị trường sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản này để chốt cuối tuần ở vùng 1.220 - 1.240 điểm khi kết quả kinh doanh bán niên các doanh nghiệp lớn tiếp tục được công bố và sự hỗ trợ tâm lý từ dòng tiền khối ngoại.

TTCK trong nước cũng như chứng khoán thế giới đang có phần nghe ngóng phiên họp chính sách tiền tệ của Fed vào giữa tuần sau. Với diễn biến của thị trường hiện tại cho thấy, trong ngắn hạn, TTCK sẽ chưa có sức bật rõ nét mà sẽ biến chuyển linh hoạt theo các diễn biến khách quan tác động và dự báo dòng tiền sẽ có sự phân hóa, theo đó sẽ luân chuyển và cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ. Nhóm cổ phiếu nào sẽ có sức bật tốt hơn ở thời điểm hiện tại, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường xuống thấp và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đang được các doanh nghiệp công bố, tôi nghĩ rất khó để có sóng ngành, thay vào đó thị trường sẽ có sự phân hóa và cơ hội chỉ đến ở các cổ phiếu riêng lẻ. Những cổ phiếu thoát đáy và mạnh hơn chỉ số vẫn tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng vượt trội, khả năng lựa chọn cổ phiếu trong bối cảnh thanh khoản thấp và thị trường phân hóa sẽ quyết định hiệu quả của danh mục trong giai đoạn này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường vẫn chịu rủi ro từ lãi suất và lạm phát, cho nên nhóm cổ phiếu có thể sẽ có sức bật tốt nhất và an toàn trong giai đoạn này là điện, nước và khí đốt, công nghệ, bán lẻ và sản xuất thực phẩm.

Đồng thời, tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể quay trở lại đà tăng trong giai đoạn tới khi nhóm này sẽ có chất xúc tác từ việc nới room tín dụng cho các ngân hàng. Tất nhiên, ở nhóm ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa và phần lớn tập trung ở nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tín dụng tốt.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều te tua trong thời gian qua, nên khi bật lại nhóm nào cũng có hy vọng vì giá đã giảm sâu. Những nhóm giảm mạnh nhất sẽ có cơ hội phục hồi mạnh hơn.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

1) Nhóm ngành dệt may: Biên lợi nhuận nhóm này sẽ được cải thiện nhờ chi phí xuất khẩu và giá sợi cotton đều giảm khoảng 35% so với mức đỉnh. Ngoài ra, năm nay sẽ không còn chi phí chống dịch bắt buộc xét nghiệm Covid, cách ly, 3 tại chỗ như đỉnh điểm vào nửa cuối 2021. Xu hướng dịch chuyển từ phương thức chỉ gia công CMT sang thêm nhập nguyên vật liệu FOB cũng sẽ giúp nới biên lợi nhuận cho ngành dệt may.

Một số doanh nghiệp lớn, đầu ngành đã có dấu hiệu cải thiện dần như VGT, MSH, TNG, …

2) Nhóm ngành ngân hàng: Định giá cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh tương đối sâu, về mức thấp so với lịch sử, trong khi vĩ mô Việt Nam không quá tệ. Một số ngân hàng đã dần công bố báo cáo tài chính quý II chi tiết hay nội bộ doanh nghiệp ước tính cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận vẫn tích cực, NIM duy trì ở nền cao, chi phí vốn thấp, nợ xấu tăng nhẹ nhưng chủ động trích lập…

Lo ngại của nhà đầu tư hiện nay tập trung ở II vấn đề là rủi ro vĩ mô thế giới, lạm phát, ngân hàng trung ương tăng lãi suất khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại và một số ngân hàng đã sử dụng hết quota tín dụng ngay trong quý II/2022 này, khả năng sẽ không được nới trong ngắn hạn. Các cổ phiếu trong nhóm ngành ngân hàng cũng sẽ rất phân hóa, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ.

3) Nhóm đầu tư công: Backlog các dự án đầu tư công của Việt Nam giai đoạn đến năm 2026 rất lớn, tuy nhiên kể từ sau dịch Covid-19 tới giờ, chúng ta vẫn không năm nào là số liệu giải ngân đầu tư công là đáng kể, tất cả đều bị trì hoãn vì một lý do nào đó, như giải phóng mặt bằng, chưa thống nhất phương án tài chính, dịch bệnh… Việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công sẽ là 1 chủ đề lớn trong nhiều năm, trong ngắn hạn nếu số liệu giải ngân đầu tư công tích cực có thể khiến giá cổ phiếu nhóm ngành này thu hút được dòng tiền thị trường hơn như HHV, C4G, HBC, FCN…

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Theo tôi, giai đoạn này dòng tiền có xu hướng nhắm vào các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh bán niên tục duy trì khả quan hoặc kỳ vọng tăng trưởng tốt trong giai đoạn nửa cuối năm như ngân hàng (dự kiến kết quả kinh doanh tại các ngân hàng lớn vẫn sẽ khá tích cực), dịch vụ tài chính (kỳ vọng thanh khoản phục hồi khi áp dụng phương thức thanh toán T+2 từ cuối tháng 8), khu công nghiệp (kỳ vọng hưởng lợi từ FDI và đầu tư công) hay xây dựng (hưởng lợi khi giá thép xây dựng có xu hướng giảm và các Chính phủ thúc đẩy đầu tư công nửa cuối năm).

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể theo dõi thêm nhóm thực phẩm - đồ uống, khi tỷ trọng dòng tiền đang có xu hướng tăng lên ở nhóm này. Bên cạnh đó nhóm thuỷ điện lợi nhuận dự báo cũng tăng trưởng tốt nhờ thuỷ văn thuận lợi và lợi thế về giá thành so với nhiệt điện trên thị trường phát điện cạnh tranh.

Thanh khoản thị trường đang sụt giảm đáng kể so với đầu năm, một phần do dòng tiền phải chia sẻ cho nhiều mục đích, trong đó có một phần chảy sang kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo thống kê của VNDirect Research, trong quý III/2022, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đạt mức 64.696 tỷ đồng, tăng 82,7% so với quý trước và tăng 243,8% so với cùng kỳ. Giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh phần lớn đến từ việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành một lượng lớn TPDN với kỳ hạn ngắn (1-2 năm) trong giai đoạn 2020-2021. Điều này sẽ tác động như thế nào đến dòng tiền nói chung và cổ phiếu của doanh nghiệp nào chịu ảnh hưởng nhiều, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Thanh khoản thị trường giảm rất nhanh, đặc biệt trong tháng 7 này, hiện thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ dao động xung quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng/phiên, tương đương giai đoạn tháng 11/2020, giảm so với mức bình quân tháng 5 và tháng 6 ở mức 17.700 tỷ đồng. Thanh khoản giảm luôn cho thấy nhà đầu tư thận trọng, giảm giao dịch, không hẳn là do dòng tiền rút ra mà cơ hội trading gặp khó nên dòng tiền không tham gia.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong thời điểm tới sẽ tạo ra gánh nặng nhất cho nhóm bất động sản do dòng tiền hoạt động của nhóm này luôn duy trì ở trạng thái âm và tăng trưởng kém.

Đồng thời, tín dụng và trái phiếu cũng đang được kiểm soát chặt chẽ trong lĩnh vực bất động sản, cho nên điều này có thể sẽ càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản không có khả năng đảo nợ hoặc tái cơ cấu nợ bằng cách phát hành mới hoặc sử dụng nguồn vay từ ngân hàng. Do đó, rủi ro lớn nhất là ở nhóm cổ phiếu bất động sản.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Dòng tiền chảy mạnh vào trái phiếu cho thấy nhu cầu đầu tư an toàn tăng mạnh khi thị trường cổ phiếu sụt giảm. Tương tự thống kê cho thấy, lượng tiền gửi tiết kiệm cũng tăng vọt từ đầu năm, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu giảm mạnh, có thời điểm chỉ bằng 1/4 so với đỉnh điểm năm ngoái. Xu hướng này nhiều khả năng chưa thể kết thúc trong năm nay và vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

Nhà đầu tư tham gia thị trường cần phải có kế hoạch, mục tiêu tài chính của riêng mình, việc phân bổ danh mục giữa cổ phiếu và trái phiếu cần phải rõ ràng. Dòng tiền trên thị trường sẽ luân chuyển qua các kênh, khi thị trường còn nhiều yếu tố vĩ mô rủi ro như hiện tại thì việc tăng tỷ trọng vào trái phiếu, tiền gửi thì cũng là điều dễ hiểu.

Tại thời điểm cuối quý II, dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán theo thống kê giảm trên 50.000 tỷ đồng, nghĩa là xấp xỉ từng đấy lượng tiền ra khỏi kênh cổ phiếu và có thể quay ngược lại kênh tiền gửi, trái phiếu. Đầu tư trái phiếu không hoàn toàn là phi rủi ro, trong trường hợp doanh nghiệp không thanh toán được nợ trái phiếu sẽ tạo hiệu ứng đổ vỡ tiêu cực, nhà đầu tư mất niềm tin và bán tháo nhưng việc này sẽ khó xảy ra.

Đối với những nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu chỉ có một phần nhỏ là biến tướng trên thị trường chứng khoán, nhưng về cơ bản, tỷ lệ này đã giảm sau sự kiện của Tân Hoàng Minh, nên nhìn chung, mức độ ảnh hưởng vào dòng tiền cổ phiếu sẽ hạn chế nếu không có sự đổ vỡ.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Tác động tới thị trường chứng khoán từ ảnh hưởng của kênh trái phiếu doanh nghiệp đến từ nhiều phía. Áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, khi nguồn vốn từ phía ngân hàng đang thắt chặt trong khi việc phát hành trái phiếu mới gặp khó khăn.

Điều này sẽ khiến họ phải bán các khoản đầu tư tài chính trên sàn để cân đối dòng tiền (điều mà có thể các doanh nghiệp đã đẩy mạnh trong năm ngoái khi thị trường thuận lợi, cũng như có nguồn vốn từ các đợt huy động), hoặc phát hành tăng vốn khiến nguồn cung tăng lên và pha loãng giá cổ phiếu.

Các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, đặc biệt là nợ ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng trước tiên và sự sụt giảm giá cổ phiếu nhóm này trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Đối với thị trường chung, áp lực dòng tiền rút ra vẫn còn nhưng không lớn; phần lớn đã xử lý xong trong giai đoạn thị trường giảm mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Ngày 28/7, dấu mốc ghi nhận TTCK đã tròn 22 tuổi, bên cạnh những thành công đã đạt được như quy mô, chất lượng hàng hóa được nâng cao thì giới đầu tư vẫn quan tâm đến các giải pháp đột phá hơn, đơn cử như cơ chế giao dịch T+0, hay tiến độ nâng hạng thị trường vẫn bị chậm trễ. Là một thành viên của thị trường, ông/bà đánh giá như thế nào về những mặt được của thị trường và đâu là những mong muốn (góp ý) của ông/bà để thị trường phát triển bền vững hơn?

Tôi mong rằng, thị trường sẽ phát triển bền vững, là kênh huy động, phân bổ vốn trung, dài hạn cho Chính phủ, doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều sản phẩm mới cho nhà đầu tư như cơ chế giao dịch T+0, T+2... dòng tiền sẽ tích cực trở lại như 2 năm qua.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Trong 22 năm qua, quy mô của thị trường đã được cải thiện một cách rõ nét về giá trị vốn hóa và thanh khoản. Đồng thời, chất lượng hàng hóa niêm yết cũng được cải thiện nhờ công cuộc cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã cải thiện ở một số nhóm ngành.

Ngoài ra, TTCK Việt Nam cũng đón nhận thêm các sản phẩm tài chính mới như TTCK phái sinh và niêm yết thêm nhiều ETF mới, điểm sáng lớn nhất đó là sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân với quy mô tài khoản chiếm hơn 5% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan với các TTCK ở các quốc gia khác, TTCK Việt Nam vẫn còn yếu về chất lượng và chưa có nhiều sản phẩm tài chính.

Để cải thiện chất lượng và tăng tính bền vững cho TTCK Việt Nam, tôi cho rằng, TTCK cần được trang bị thêm nhiều sản phẩm tài chính, hay nói cách khác xoay quanh thị trường cơ sở cần có thêm các ETF, phái sinh và NVDR, trong đó việc đẩy mạnh sản phẩm ETF cũng là động lực giảm bớt tính biến động từ các nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, đẩy nhanh việc phát hành NVDR để tạo điều kiện thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thuận lợi cho việc xem xét nâng hạng trong tương lai.

Cuối cùng, chúng ta cần đảm bảo chất lượng đầu vào của các hàng hóa niêm yết thay vì chạy theo số lượng, cùng với đó nên lập bộ công cụ tiêu chí đánh giá xếp hạng hoạt động IR của các doanh nghiệp niêm yết.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Quy mô của thị trường ngày càng tăng, thu hút được sự quan tâm khi mà số lượng tài khoản tăng vọt. Bên cạnh đó, sự mạnh tay của các cơ quan quản lý giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn khá ít sản phẩm, đặc biệt là chứng khoán phái sinh. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư gia tăng mạnh như chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, trong khi các thị trường phát triển chủ yếu nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư cá nhân ủy quyền cho các tổ chức chuyên nghiệp sẽ giúp hạn chế tâm lý đám đông cũng như rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

Trên cương vị của một nhà đầu tư cá nhân có hơn 15 năm gắn bó với thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi cũng rất ấn tượng với những gì chúng ta đã làm được sau hơn hai thập kỷ qua, về mọi mặt, độ minh bạch về công bố thông tin, thanh khoản thị trường, trình độ và kiến thức nhà đầu tư… mọi thứ dường như được cải thiện rất nhiều so với những ngày đầu cá nhân tôi tham gia thị trường.

TTCK cũng dần được nhìn nhận đúng đắn hơn là một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và kênh đầu tư cho tổ chức và cá nhân, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, tôi cũng rất mong chờ vào tương lai TTCK của chúng ta có thể tiếp tục phát triển và bùng nổ hơn nữa. Tuy nhiên, nếu để nhìn nhận một cách khách quan khi đặt lên bàn cân, TTCK Việt Nam đối với các nước phát triển hay gần hơn là các thị trường mới nổi, chúng ta vẫn tồn tại rất nhiều khía cạnh để khắc phục. Cụ thể, UBCK với vai trò quản lý và giám sát thị trường cần lên kế hoạch triển khai và thực hiện những vấn đề sau:

1) Đầu tư nâng cấp hệ thống giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế.

2) Tạo ra các sản phẩm mới nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường.

3) Thẩm định và nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết.

4) Có cơ chế giám sát việc công bố thông tin, giao dịch bất thường… tạo niềm tin với thị trường.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, CTCK Agriseco

Theo tôi, thị trường chứng khoán hiện nay đã có nhiều thay đổi rất tích cực so với trước đây. Trong các năm qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực ban hành, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm lành mạnh hóa, cải thiện môi trường pháp lý và đã đem lại một số kết quả.

Trong đó Luật Chứng khoán 2019 đã góp phần thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, chuẩn bị hành lang pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển mới 2021 - 2030. Khuôn khổ pháp lý đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như tỷ lệ sở hữu nước ngoài; tiếp cận thông tin, đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán; đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.

Để thị trường phát triển bền vững hơn, một trong những giải pháp là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 theo xu hướng hội nhập quốc tế, tạo cơ sở pháp lý triển khai 8 nhóm giải pháp cơ cấu lại TTCK theo Đề án cơ cấu lại TTCK của Bộ Tài chính. Điều này giúp cải thiện môi trường pháp lý, tạo lòng tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn lộ trình nâng hạng và tạo đà phát triển cho thị trường.

Ngoài ra, cần xây dựng các văn bản hướng dẫn, chuẩn hóa theo tình hình phát triển các hoạt động mới của thị trường như giao dịch tự động (robot trading), quản lý danh mục tự động (AI asset management), tư vấn tự động (robot advisory), huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding)... Quy định các chế tài đủ mạnh và nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, có các cảnh báo sớm và chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ trong trường hợp mất khả năng thanh toán của tổ chức phát hành.

Tin bài liên quan