Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Có nên chốt lời?

(ĐTCK) Với chỉ báo kỹ thuật đang phát tín hiệu cảnh báo tình trạng thị trường đang ở vùng quá mua, nhà đầu tư nên lựa chọn chiến lược nào trong tuần giao dịch mới? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Tuần qua, xu hướng tăng vẫn tiếp diễn với sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng như dòng tiền của khối ngoại, đặc biệt giao dịch đột biến ở một số mã bluechips. Diễn biến tích cực của thị trường liệu có tiếp tục duy trì được trong tuần mới, hay thị trường sẽ đối diện với áp lực điều chỉnh, theo các ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Có thể. Thị trường tuần qua được dẫn dắt bởi khối ngoại, tôi nghĩ vậy. Lượng tiền đổ vào E1VFVN30 là lớn hơn nhiều so với các tuần trước đó. Ngoài ra, lượng mua ròng cũng rấ mạnh ở nhiều mã vốn hóa lớn trong nhóm VN30. Chưa có thông tin chính thức về khối ngoại nào mua, nhưng có lẽ có liên quan đến game nâng hạng mà nhiều người đang nhắc đến.

 Ông Hoàng Thạch Lân

Tuy nhiên, phiên điều chỉnh có lẽ sẽ xảy ra trong tuần tới. VN-Index đã tăng liên tục, tính ra là 9/10 phiên kể từ sau Tết. Team kỹ thuật bên tôi từng dự báo phiên điều chỉnh tuần trước, nhưng index đã bỏ qua.

Dù vậy, điều đó không có nghĩa là chỉ số chạy mãi. Diễn biến thứ Sáu, nhất là ở các mã vốn hóa trung bình cho thấy đang có điều chỉnh rồi. Như vậy sẽ có phiên index giảm do cung tăng vọt, chủ yếu đến từ khối nội.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Sau những phiên tăng điểm khá mạnh trong tuần, dẫn dắt bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn, thì chỉ số VN30 đã chạm vào ngưỡng kháng cự mạnh tại ngưỡng 930 điểm. Điều này đã thúc đẩy áp lực bán chốt lời tại nhóm dẫn dắt trong phiên cuối tuần và tạo ra sự giằng co mạnh.

Theo quan điểm của tôi, VN30 có khả năng sẽ điều chỉnh giảm trong những phiên đầu tuần tới, kéo theo sự sụt giảm của VN-Index, mặc dù vậy, sự phân hóa sẽ diễn ra.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS

Thị trường trong nước tiếp tục có tuần thứ 2 tăng điểm liên tiếp để lọt vào Top các thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu. Với mức tăng 10,8% kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã lấy lại những gì đã mất trong năm 2018.

Tăng điểm cũng là xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu, chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI World All countries) đã vượt qua mức cản “ma thuật” 500 điểm sau 3 lần thất bại, chưa đầy 2 tháng mức vốn hóa đã tăng thêm 9 nghìn tỷ USD. Do vậy trong tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực khi:

1) Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục tiến gần mức cao nhất trong 4,5 tháng nhờ hy vọng về tiến bộ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và kỳ vọng về biện pháp kích cầu từ các ngân hàng trung ương.

Ông Ngô Quốc Hưng 

Bên cạnh đó, biên bản từ cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tái khẳng định quan điểm "kiên nhẫn" về tăng lãi suất. Sức mạnh của FED đang thúc đẩy thị trường trên toàn cầu, bất chấp những dự báo về tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và thu nhập của doanh nghiệp kém tích cực hơn.

2) Dòng tiền lớn đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường, triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh hơn.

Ở tuần vừa qua, giá trị khớp lệnh bình quân đã đạt mức 3.870 tỷ đồng (tăng 22% so với tuần trước đó), tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 4.361 tỷ đồng. Đây cũng là tuần có mức thanh khoản khớp lệnh cao nhất trong 4,5 tháng qua.

Trong đó, khối ngoại có sự đóng góp rất lớn và là điểm nhấn của thị trường. Dòng vốn ngoại vào thị trường chủ yếu thông qua các quỹ ETF và tuần vừa qua đã có sự đột biến rõ nét. Kể từ đầu năm, khối ngoại đã mua ròng 4.200 tỷ đồng (182,6 triệu USD) trên HOSE.

triển vọng để nhóm ngân hàng dẫn dắt thị trường cũng như là trụ đỡ của thị trường là khả quan.

Cùng với ETF nội, tuần vừa qua có sự tham gia thêm của 2 ETF ngoại là KIM KINDEX Vietnam và Xtrackers FTSE Vietnam. Tổng giá trị mua ròng của các quỹ ETF trong tuần vừa qua đã đạt 40,86 triệu USD, kể từ đầu năm đến nay các quỹ ETF này đã mua tới 69,22 triệu USD.

Với triển vọng dòng vốn FII vào khu vực thị trường mới nổi, Việt Nam đang nằm trong nhóm được dòng vốn FII hướng tới cùng với các nước trong khu vực như: Philippines, Thái Lan, Indonesia, Ấn độ, Đài loan, Hàn Quốc…

3) Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng trung bình 200 ngày, một ngưỡng kỹ thuật then chốt thường được theo dõi. Do vậy về xu hướng rõ ràng thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn.

Với quan điểm dài hạn, các mốc cản ở vùng đỉnh tháng 10 chỉ là nhỏ và thứ yếu vì một xu thế tăng dài hạn mới đang diễn ra, những lo ngại về các rung lắc mạnh hơn có thể có ở khu vực lân cận vẫn không có đủ lý do để thay đổi đánh giá về xu hướng tăng của thị trường tính đến hiện tại. Tuy nhiên trong ngắn hạn, cụ thể là trong tuần này thị trường sẽ có cơ hội điều chỉnh trong vùng 1.024 - 1.034 điểm, vùng có mặt của một số ngưỡng kỹ thuật quan trọng.

Tuy vậy, nếu có điều chỉnh thì cũng không đáng ngại vì đó cũng là tâm lý chờ đợi chung của phần đông nhà đầu tư, bên cạnh đó càng lên cao thì sự đồng thuận cũng yếu đi, thị trường cũng cần hạ nhiệt để dòng tiền đến muộn có cơ hội mua mới.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Theo quan điểm của tôi, thị trường đã có dấu hiệu khá nóng thời gian vừa rồi dựa trên dòng tiền vào thị trường khá tốt, nhưng không thể phủ nhận là thị trường đang chạy theo những biến động tích cực chung của chứng khoán thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Đây có lẽ là thời điểm mà thị trường đang phản ánh những kỳ vọng về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tuần tới cũng chính là hạn cuối của hạn đình chiến và tôi cho rằng, thị trường sẽ thận trọng hơn trong tuần tới trước khả năng là thời hạn này có thể tiếp tục được lùi do 2 bên được đánh giá là khó đi đến thỏa thuận chính thức.

Trong bối cảnh chỉ báo kỹ thuật đang phát tín hiệu cảnh báo tình trạng thị trường đang ở vùng quá mua, dòng tiền cũng trở nên thận trọng hơn sau một đợt tăng điểm nóng và tâm lý chốt lời càng lúc càng có xu hướng gia tăng, thì nhà đầu tư nên lựa chọn chiến lược nào?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ với nhà đầu cơ thì chờ, nếu họ thích mua vào những phiên điều chỉnh. Còn không thì cứ mua và chấp nhận giá cổ phiếu có thể giảm khi điều chỉnh diễn ra. Quan trọng là xu hướng uptrend nhiều khả năng vẫn tiếp diễn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi vẫn khá lạc quan về triển vọng trung hạn của thị trường trong 1-3 tháng tới. Tuy nhiên, với kỳ vọng một nhịp điều chỉnh sẽ xuất hiện tại nhóm vốn hóa lớn, nhà đầu tư có thể xem xét việc chốt lời ngắn hạn để chờ mua lại ở các mức giá thấp hơn.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS

Chưa đầy 2 tháng đầu năm, thị trường đã lấy lại những gì đã mất trong năm 2018 (giảm 9,3%) với mức tăng 10,8%.

Kể từ mức đáy thiết lập hồi đầu năm, thì chỉ số VN-Index đã tăng 12,5% tương đồng với xu hướng tăng hình chữ V của chứng khoán toàn cầu.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 12%, chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 12,7% và cả 2 chỉ số này đều thua kém so với mức tăng của chỉ số S&P500 với mức tăng gần 19%.

Mặc dù có ý kiến cho rằng, thị trường hiện đang ở vùng quá mua, tuy nhiên nếu nhìn sang thị trường các nước trong khu vực thì mức tăng như trên của VN-Index là khá bình thường, càng không phải trường hợp cá biệt thậm chí còn là khiêm tốn nếu so với thị trường Mỹ khi chỉ số S&P500 đang hướng đến đỉnh cao mọi thời đại.

Bên cạnh đó, mức tăng của thị trường chỉ tập trung ở các cổ phiếu trụ trong khi phần lớn mặt bằng cổ phiếu tăng chưa đáng kể, ngay cả nhóm Midcap tuần vừa qua cũng chỉ tăng rất nhẹ 0,4% thậm chí nhóm Smallcap còn giảm 1%.

Do vậy chỉ số kỹ thuật chưa phản ánh đúng bản chất thị trường, chỉ số chung được neo giữ và đẩy lên nhờ sự luân phiên của các trụ nên nhà đầu tư rất dễ bị ảo giác nếu đánh giá thị trường qua chỉ số chung.

Với việc dòng tiền vào thông qua các ETF thì các cổ phiếu có vốn hóa lớn và có trong danh mục của các quỹ này sẽ là địa chỉ của dòng tiền. Việc xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi. Có thể đón đầu ở các nhóm chưa tăng hoặc các cổ phiếu có lợi suất tốt hơn thị trường.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Tôi nghĩ rằng, với dòng tiền như hiện tại có lẽ sự phân hóa tập trung vào các cổ phiếu lớn sẽ tiếp diễn, tuy nhiên với việc đã ghi nhận chuỗi tăng điểm liên tiếp thì việc chốt lời giảm tỷ trọng là chiến lược hợp lý.

Tôi cho rằng, tỷ trọng cổ phiếu nên được giảm về 50% hoặc thấp hơn và nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi thị trường chiết khấu trong thời gian tới, và dòng tiền bớt hưng phấn hơn để nâng tỷ trọng này lên.

Cùng với một số bluechips, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có giao dịch khá tích cực trong những phiên gần đây. Các ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm này, cũng như triển vọng đối với những cổ phiếu nhóm ngành khác trong ngắn hạn?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Lúc này tôi nghĩ những cổ phiếu vốn hóa lớn và nhất là còn room khối ngoại sẽ vẫn hút tiền. Nhóm ngân hàng tăng giá muộn cuối tuần qua, tôi nghĩ chỉ là ăn theo, với tâm lý đảo trụ. Tất nhiên vẫn có mã ngân hàng room nhiều như STB, BID, VCB nên vẫn có thể hút vốn từ khối ngoại.

Ngoài ra, cũng đang có kỳ vọng rằng việc nới room ngoại đối với nhóm ngân hàng sẽ sớm được quyết, nhất là cuối tuần qua 1 quan chức quỹ ngoại đã nhắc lại vấn đề này trong buổi hội thảo phát triển TTCK, nhưng tôi nghĩ thì chưa. Ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, có kiểm soát từ phía nhà nước về góc độ cổ đông lớn, ngay cả các quỹ ngoại cũng chưa chắc thích hợp để “nhảy” vô HĐQT. Do đó nới room quá 30% cũng đòi hỏi nhiều thời gian cân nhắc hơn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Hiện dòng tiền đang được hút chủ yếu vào nhóm dẫn dắt và tôi nghĩ, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn (1-3 tuần tới), trong đó nhóm ngân hàng cũng hội tụ khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB...

 Ông Vũ Minh Đức

Bên cạnh đó, nền tảng định giá của các cổ phiếu này nhìn chung đang khá hấp dẫn, do đó, triển vọng tăng giá ngắn hạn là khả quan.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong 3 nhóm có vốn hóa lớn cùng với nhóm Vingroup và thực phẩm.

Ở phiên cuối tuần, nhóm ngân hàng đã làm tròn vai với sự đổi trụ của thị trường. Bên cạnh đó, trong khi nhóm Vingroup và thực phẩm đã tăng giá khá tốt thì nhóm ngân hàng chỉ có mức tăng thấp hơn so với bình quân của các nhóm cổ phiếu chủ chốt ở trên thị trường. Do vậy, triển vọng để nhóm ngân hàng dẫn dắt thị trường cũng như là trụ đỡ của thị trường là khả quan.

Ngoài nhóm ngân hàng, các nhóm khác như chứng khoán, sản xất phân phối điện cũng rất đáng chú ý, hiện cả 3 nhóm này đều có mức tăng thấp hơn so với thị trường. Trong khi nhóm Vingroup, thực phẩm, dệt may, ô tô và phụ tùng, dầu khí và cao su tự nhiên là 6 nhóm đánh bại thị trường từ đầu năm đến nay.

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Bản thân tôi khá hứng thú với nhóm cổ phiếu ngân hàng vì nhóm này vẫn đang có triển vọng hoạt động tương đối khả quan, trong khi giá đã giảm khá mạnh kể từ đỉnh, mà theo tôi đánh giá là hơi thái quá nếu nhìn vào các thông số về định giá dựa trên số liệu quá khứ hay dự phóng.

 Ông Phạm Đức Hoàng

Trong nhịp tăng vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa đáng kể khi ngoài VCB và MBB ra, thì các cổ phiếu khác chưa tăng đáng kể, trong khi có vùng nền giá khá tốt.

Vì vậy, tôi đánh giá cao khả năng biến động tích cực của nhóm này so với thị trường trong thời gian tới khi nhóm cổ phiếu trụ khác suy yếu. Nhà đầu tư có thể cân nhắc một số ngân hàng có hoạt động khá tốt khác như ACB hay TCB ở vùng giá khá hấp dẫn với nền tảng giá khá tốt.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 2. Về mặt chính trị - xã hội, đây được coi là cơ hội tích cực giúp Việt Nam thu hút hơn với quốc tế. Về mặt TTCK, thông tin có tác động như thế nào, theo quan điểm của các ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi chưa có suy luận gì về sự kiện này, trên góc độ liên quan đến sàn chứng khoán. Kinh tế Việt Nam đang được cho là có độ mở cao, nhưng chứng khoán thì chưa hẳn.

Thông tin về cuộc gặp Mỹ - Trung vẫn quan trọng hơn. Tuy nhiên, có lẽ ở một góc độ nào đó, cuộc gặp Mỹ - Triều cũng có thể tác động một chút lên cuộc gặp Mỹ - Trung. Do đó, tôi đang suy nghĩ thêm.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi cho rằng, việc tăng trưởng khá nhanh của VN-Index trong những phiên gần đây cũng có sự tác động nhất định bởi sự kiện này, bên cạnh những yếu tố về mặt định giá hay kỹ thuật.  Do đó, tôi kỳ vọng thị trường sẽ có sự hồi phục trở lại vào cuối tuần tới sau nhịp điều chỉnh giảm đầu tuần.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường CTCK MBS

Đây là cơ hội tích cực giúp Việt Nam tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Việt Nam có cơ hội nâng cao vị thế, cũng như uy tín trên trường quốc tế và trong mắt giới đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh chính phủ đang tham vọng, kỳ vọng mới vào thị trường chứng khoán đồng thời cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một thị trường lành mạnh, bền vững.

Đặc biệt, trong nhiệm vụ của ngành chứng khoán về dài hạn phải tích cực khơi thông dòng vốn nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại tiếp cận thông lệ quốc tế để sớm đạt mục tiêu về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do vậy, sự kiện này sẽ là yếu tố hỗ trợ mang tính dài hạn cho thị trường chứng khoán. Có thể đây là cơ hội để make VN-Index great again!!!

Ông Phạm Đức Hoàng, Phụ trách phân tích, CTCK Agriseco

Theo quan điểm của tôi, việc này không ảnh hưởng nhiều tới thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận khía cạnh tích cực là vị thế chính trị và kinh tế của chúng ta trên thế giới đang ngày càng được nâng cao và trong trung, dài hạn rất có thể đó là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp tiếp tục chảy vào Việt Nam. Đây là một lợi ích dài hơi cho vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan