Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền sẽ tìm tới các cổ phiếu vốn hóa lớn

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền sẽ tìm tới các cổ phiếu vốn hóa lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền liên tục xoay chuyển và gần như toàn bộ các nhóm ngành đều đã có nhịp chạy khá mạnh của riêng mình. Với mặt bằng giá hấp dẫn so với sức tăng của thị trường chung, các cổ phiếu vốn hóa lớn rất có thể là điểm đến tiếp theo của dòng tiền.

Tuần khép lại tháng 10, thị trường đã ghi nhận những dấu mốc “rực rỡ” khi liên tiếp thiết lập đỉnh mới, đây cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần thứ 2 trong tháng 6. Thanh khoản thị trường tuần này cũng tăng 19% so với tuần trước, đáng chú ý là khối ngoại đã quay lại mua ròng sau 11 tuần bán ròng liên tiếp. Điều này sẽ là động lực cho thị trường, hay có phần gây áp lực cho xu hướng trong tuần tới, theo các ông/bà?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Sau giai đoạn tăng mạnh liên tiếp, những phiên chốt lời ngắn hạn xuất hiện là điều tất nhiên khi giao dịch trên TTCK của chúng ta chiếm đa phần bởi các nhà đầu tư cá nhân.

Thêm vào đó, mùa công bố kết quả kinh doanh quý III vẫn đang diễn ra, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận vào tuần trước, và không loại trừ khả năng các kết quả thất vọng sẽ đến sau.

Tuy nhiên, với dòng tiền dồi dào cũng như tâm lý nhà đầu tư đang tích cực như hiện nay, biên độ của các phiên điều chỉnh sẽ không lớn cũng như sẽ không kéo dài.

Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng là 1 tín hiệu tích cực, tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay tôi cho rằng, động thái của khối ngoại cũng sẽ không ảnh hưởng lớn đến xu hướng của thị trường như trước đây nữa.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Điều thực tế, dòng tiền ngắn hạn vẫn đang tham gia thị trường ở cường độ rất cao, thể hiện qua tình trạng margin đang “căng cứng” ở hàng loạt CTCK lớn. Đây mới là yếu tố tác động mạnh nhất tới xu thế hiện tại của thị trường. Dẫu vậy, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng (tập trung ở các cổ phiếu trụ) cũng là sự hỗ trợ không nhỏ.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trong gần 2 năm trở lại đây, sự thay đổi trạng thái từ bán ròng sang mua ròng thường không duy trì được lâu. Điều này sẽ cần được theo dõi trong tuần giao dịch tới.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng trong tuần qua chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp đưa thị trường lập các mức cao mới như cởi bỏ tâm lý của nhà đầu tư ở 2 tuần đi ngang trước đó. Thị trường đang được kỳ vọng sẽ lập các đỉnh cao mới khi dòng tiền vẫn tiếp tục gia tăng, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ thử thách ngưỡng 1.475 điểm trong các phiên sắp tới.

Tuy nhiên, việc dòng tiền được giải ngân mạnh, việc khối ngoại, tự doanh và các tổ chức đều mua ròng cho thấy dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư sẽ quay sẽ lại giải ngân mới và đây sẽ là động lực giúp thị trường chinh phục các đỉnh cao mới.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Rõ ràng, xu hướng là tích cực không cần bàn cãi khi chỉ số 3 ngày liên tiếp lập đỉnh lịch sử mới. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ lại từ dòng tiền của các tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thay vì chỉ có nhà đầu tư cá nhân, F0 độc hành như trong thời gian qua.

Như vậy, xu hướng sắp tới sẽ là tích cực thậm chí các đỉnh cao mới có thể được thiết lập thời gian tới, hướng tới mốc 1.500. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi các phiên điều chỉnh nhưng sẽ lấy sức để chạy tiếp.

Tuy nhiên, có một điều nhà đầu tư cần lưu ý là Index thì liên tục lập đỉnh nhưng nhiều danh mục của các nhà đầu tư lại chưa thể về bờ do sự phân hóa mạnh của thị trường. Vì thế, việc chọn lựa danh mục đầu tư cần kỹ càng hơn để có thể tối ưu lợi nhuận.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Thị trường đang được kỳ vọng sẽ lập các đỉnh cao mới khi dòng tiền vẫn tiếp tục gia tăng, cùng với đó là sự phân hoá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Một cách tổng quan, ông/bà có góc nhìn như thế nào cho diễn biến thị trường tháng 11?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Tôi cho rằng, đà tăng của thị trường vẫn được củng cố trong dài hạn khi các doanh nghiệp hàng đầu công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực hơn so với dự kiến.

Theo ước tính của chúng tôi, tại thời điểm ngày 27/10, 310 doanh nghiệp niêm yết chiếm khoảng 22% vốn hóa cả 3 sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý III. Qua đó, lợi nhuận toàn thị trường vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương 25% trong quý III và khoảng 46,7% trong 9 tháng đầu năm.

Tất nhiên, các thông tin không mấy tích cực thường đến sau, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đối với các doanh nghiệp đầu ngành, kết quả này là đáng khích lệ trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ bị hạn chế trong quý III. Điều này tạo tiền đề cho sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ hơn trong quý IV khi các hoạt động du lịch, hàng không được nối lại.

Bên cạnh đó, những thông tin cụ thể về kế hoạch triển khai và quy mô của gói kích thích kinh tế lớn cũng sẽ tạo hiệu ứng hỗ trợ cho đà tăng của TTCK từ đây đến cuối năm. Tất nhiên, yếu tố dịch bệnh vẫn là rủi ro lớn nhất đối với TTCK hiện nay.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Khi VN-Index vượt qua được vùng cản là đỉnh lịch sử quanh 1.420-1.425 điểm thì xu thế tích cực trong ngắn hạn đã trở nên rõ ràng hơn, chỉ số được kỳ vọng sẽ hướng tới ngưỡng tiếp theo tại vùng 1.500 điểm. Sự phân hóa vẫn đang khá rõ nét (đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ) khi dòng tiền đang có sự tập trung hơn ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhịp tăng hiện tại thiếu sự đồng hành của các nhóm cổ phiếu thị trường quan trọng như ngân hàng, chứng khoán. Do vậy, tôi không thực sự chắc chắn về tính bền vững của xu thế tích cực trong tháng 11 nếu như điều này không được cải thiện.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc các gói kích thích kinh tế của Chính phủ được bơm ra thị trường, cùng với việc nới lỏng giãn cách, phục hồi nền kinh tế sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững. Dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh khi dòng tiền được luân chuyển qua các nhóm ngành.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nguyễn Việt Quang

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn tập trung tích lũy tài sản thì có thể hướng đến các nhóm ngành đã có sự sụt giảm mạnh và được hưởng lợi trực tiếp khi nền kinh tế được mở của trở lại như ngân hàng, bán lẻ và hàng không.

Đối với nhà đầu tư ưa thích lướt sóng thì có thể lựa chọn các nhóm ngành được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế, giải ngân đầu tư công như nhóm xây dựng đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, thép hoặc xi măng.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Xu hướng sắp tới nhiều khả năng vẫn là tích cực, thậm chí các đỉnh cao mới có thể được thiết lập thời gian tới, hướng tới mốc 1.500. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi các pha điều chỉnh nhưng sẽ lấy sức để chạy tiếp.

Tuy nhiên, có 1 điều nhà đầu tư cần lưu ý là Index thì liên tục lập đỉnh nhưng nhiều doanh nghiệp của các nhà đầu tư lại chưa thể về bờ do sự phân hóa mạnh của thị trường. Vì thế việc chọn lựa danh mục đầu tư cần kỹ càng hơn để có thể tối ưu lợi nhuận.

Đúng như dự báo, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng như bất động sản khu công nghiệp kể từ đầu năm vẫn là các nhóm cổ phiếu có mức sinh lời tốt hơn so với thị trường chung. Bên cạnh đó, quý IV thường là giai đoạn điểm rơi về lợi nhuận của nhóm này nên cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng cho cổ phiếu, nhất là khi nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại và mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên, nhiều mã cổ phiếu bất động sản dường như đang “chạy” nhanh và xa hơn so với kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh thực tế. Điều này có đáng lưu ý gì không, theo các ông/bà?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Thị trường chứng khoán thường phản ánh triển vọng kinh doanh trước đó từ 1-2 quý. Do đó, ngành bất động sản dân cư đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023 trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp và nhu cầu nhà ở thật sự của người dân còn rất cao.

Bên cạnh đó, đầu tư công vào hạ tầng sẽ hỗ trợ gián tiếp cho ngành bất động sản. Tương tự, ngành bất động sản Khu công nghiệp vẫn tiếp tục được hưởng lợi 2 - 3 năm tới từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi giá thuê đất khu công nghiệp, giá nhân công của Việt Nam vẫn hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Nhưng, mỗi doanh nghiệp bất động sản đều có câu chuyện riêng, có lợi thế về quy mô vị trí đất, năng lực triển khai và điểm rơi lợi nhuận khác nhau. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án, có bằng chứng cụ thể về khả năng bán hàng, thay vì những thông tin đồn thổi về đất đai hoặc dự án.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Nhóm bất động sản và bất động sản khu công nghiệp vẫn đang là nhóm cổ phiếu "nóng" nhất và đón nhận sự tham gia tích cực của dòng tiền ngắn hạn, không chỉ các doanh nghiệp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tốt vào quý IV mà ngay cả các cổ phiếu nhỏ có kết quả kinh doanh kém cũng tăng mạnh.

Theo tôi, hiện sự kỳ vọng thì ít mà yếu tố đầu cơ là nhiều, vậy nên với những nhà đầu tư mới quyết định tham gia cần chú ý quản trị rủi ro tốt, và cần xây dựng kịch bản khi nhóm này có dấu hiệu đảo chiều.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng việc trong giai đoạn giãn cách xã hội các doanh nghiệp bất động sản thương mại hạn chế nguồn cung sản phẩm ra thị trường cũng như ngưng đưa ra những dự án mới khiến cho thị trường trở nên trầm lắng và giữ giá bất động sản ổn định.

Khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, việc giá bất động sản vẫn được giữ ở mức tốt và nguồn cung sẽ được tăng lên đáng kể khi hàng loạt các dự án mới được đẩy ra thị trường, thì việc nhà đầu tư kỳ vọng nhóm bất động sản sẽ có lợi nhuận tốt trong quý IV/2021 là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến cho thị giá cổ phiếu bị đẩy ra xa khỏi giá trị thật.

Do vậy, nhà đầu tư cần phải có sự định giá chính xác, lựa chọn cổ phiếu với các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có quỹ đất lớn và có nhiều câu chuyện đầu tư cũng như có tình hình sức khỏe tài chính lành mạnh.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Không chỉ cổ phiếu bất động sản chạy trước nền kinh tế mà cả TTCK cũng đã làm điều này từ năm ngoái trong bối cảnh kinh tế bị phong tỏa nhưng thị trường thì cứ lên mãi không có điểm dừng.

Do đó, thời gian tới, những nhóm ngành, cổ phiếu tăng quá nhiều nhà đầu tư nên chuyển dần sang các nhóm ngành được hưởng lợi khi kinh tế mở cửa trở lại như năng lượng, vận tải, du lịch, nhà hàng khách sạn, hàng tiêu dùng, công nghệ mới...

Dòng tiền luôn tìm cơ hội mới liên tục xoay chuyển giữa các nhóm ngành khác nhau. Những nhóm ngành tăng trưởng cũng đã có nhịp sóng dài và bền vững như thép, chứng khoán, phân đạm, còn những nhóm ngành khác như dệt may, bảo hiểm, bất động sản, dầu khí nhịp sóng có thể ngắn hơn và cũng tùy từng doanh nghiệp cụ thể. Nếu để ưu tiên chọn một vài nhóm ngành đại diện và tìm cổ phiếu phù hợp từng nhóm ngành đó để nắm giữ, thì đâu là gợi ý của ông/bà?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Trong ngắn hạn, nhóm ngành thép, dầu khí, cao su vẫn tiếp tục được hưởng lợi khi giá cả các mặt hàng này dự báo sẽ vẫn neo ở mức cao trong 1-2 quý tới. Tuy nhiên, sau nhịp tăng giá cổ phiếu khá dài, thì dư địa (upside) không còn nhiều, trong khi rủi ro giảm giá (downside risk) đang lớn.

Bà Trần Thị Khánh Hiền

Bà Trần Thị Khánh Hiền

Về dài hạn, trong bối cảnh cầu tiêu dùng nội địa đang dần phục hồi, tôi ưa thích nhóm ngành thực phẩm đồ uống (F&B) với nhiều doanh nghiệp lớn đang có mức định giá khá hấp dẫn. Đây là cơ hội tích lũy những cổ phiếu của các doanh nghiệp F&B có báo cáo tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn với rủi ro giảm giá thấp. Nhóm cổ phiếu ngành năng lượng, đặc biệt là phát triển hạ tầng năng lượng và năng lượng sạch cũng sẽ là lựa chọn thích hợp trong dài hạn.

Với xu hướng ngày càng nhiều các quỹ đầu tư ESG (Environmental, Social, and Governance) nổi lên trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam cũng sẽ là 1 điểm đến của dòng vốn “xanh” này. Lúc đó, định giá của nhóm cổ phiếu năng lượng sạch, sẽ không còn rẻ như hiện nay nữa.

Cuối cùng, là nhóm ngân hàng, có thể nói là nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất từ sự phục hồi của nền kinh tế. Định giá nhóm ngân hàng đã giảm khoảng 12 - 15% so với đỉnh, giúp cho nhóm cổ phiếu này trở nên hấp dẫn hơn ở thời điểm hiện tại.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Tính tới thời điểm này, gần như toàn bộ các nhóm ngành đều đã có nhịp chạy khá mạnh của riêng mình, có lẽ chính các cổ phiếu vốn hoá lớn như VHM, VIC, SAB, VNM.. lại đang là nhóm có mặt bằng giá “hấp dẫn nhất” nếu so với sức tăng của thị trường chung, do vậy rất có thể đây là điểm đến tiếp theo của dòng tiền.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng nhóm ngành đã có thời gian tái cơ cấu, có sự chuẩn bị phòng ngừa rủi ro, có sự trích lập dự phòng rủi ro lớn, điển hình có thể nói đến nhóm ngân hàng. Trong thời gian vừa qua, nhóm này đã có sự trích lập dự phòng lớn, và giá cổ phiếu đã có thời gian để chiết khấu về giá trị hợp lý, do vậy đây sẽ là nhóm ngành phù hợp để nắm giữ.

Ngoài ra, ngành thép cũng là nhóm ngành phù hợp để nắm giữ khi nhóm ngành được hưởng lợi từ xuất khẩu thép và nhóm ngành này cũng đã kết thúc quá trình đầu tư xây dựng cơ bản lớn, nên lợi nhuận sẽ được duy trì tốt. Bên cạnh đó, các nhóm ngành logistic, bán lẻ, hàng không sẽ được hưởng lợi từ quá trình mở cửa nền kinh tế phù hợp cho nhà đầu tư nắm giữ.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Những nhóm ngành được hưởng lợi khi kinh tế mở cửa trở lại như năng lượng, vận tải, du lịch, nhà hàng khách sạn, hàng tiêu dùng, và các doanh nghiệp truyền thống nhưng ứng dụng tốt các công nghệ mới như Fintech, Blockchain, NFT, DeFi, Metaverse... là các doanh nghiệp nhà đầu tư nên chú ý.

Tin bài liên quan