Thời hạn nhà chung cư đang là vấn đề được bàn luận sôi nổi. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thời hạn nhà chung cư đang là vấn đề được bàn luận sôi nổi. Ảnh: Thành Nguyễn.

Góc nhìn chuyên gia về chung cư có thời hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đề xuất về thời hạn chung cư vẫn đang tiếp tục thu hút rất nhiều sự quan tâm của các thành viên thị trường.

Trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã có đề xuất quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50 - 70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án và đã được Chính phủ chấp thuận, báo cáo Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2023. Cụ thể, phương án 1 là sẽ bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; phương án 2 là thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng tòa chung cư theo quy định của Luật Đất đai.

Báo Đầu tư Chứng khoán tiếp tục nhận được những góc nhìn từ các thành viên thị trường xung quanh đề xuất này.

Đề xuất có thể làm hạn chế chính sách phát triển nhà cao tầng

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home):

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home):

Đề xuất nói trên cơ bản chỉ giúp ích quản lý hành chính cho các địa phương chứ không giúp quản lý thị trường, thậm chí còn gây nhiễu loạn thông tin, hạn chế các chính sách phát triển nhà cao tầng và tạo thêm tâm lý hoang mang cho khách hàng, người dân. Điều này cũng cho thấy khá rõ hạn chế trong công tác xây dựng luật, hành lang pháp lý khi không mang tính kế thừa, bởi hiện đã tồn tại quy định về sở hữu nhà lâu dài.

Hướng tiếp cận vấn đề là cần xác định rằng chung cư có thời hạn 50 hay 70 năm, thì sau đó quyền sở hữu đất của ai? Nên chăng chung cư là thuộc sở hữu nhiều người, sở hữu lâu dài, còn công trình thì theo quy định của luật xây dựng, sau 50 năm, 70 năm sẽ tiến hành kiểm định chất lượng công trình. Nếu công trình còn tốt thì cho người dân ở tiếp, nếu không thì nhà nước đứng ra làm đơn vị trung gian thu hồi chung cư, bán đấu giá đất và chia đều cho các chủ sở hữu.

Giả định chung cư có 30.000 m2 sở hữu riêng, với 300 căn hộ của cư dân, sau thời gian hết hạn sử dụng, nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất, giả sử thu về được 300 tỷ thì sau khi trừ các chi phí tổ chức thực hiện đấu giá, lấy số tiền còn lại chia cho 300 căn hộ là điều hợp lý. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất được số tiền lớn thì càng cho thấy hiệu quả của việc sở hữu, người dân cũng được hưởng lợi từ quá trình tăng giá.

Luật Nhà ở trước năm 2006 không có quy định về quỹ bảo trì, dẫn đến thực tế thị trường đang tồn tại 2 dòng chung cư: có và không có quỹ bảo trì. Và đây là tồn tại do luật chứ không phải do chủ đầu tư hay người dân. Tương tự như vậy, việc đã có quy định sở hữu lâu dài rồi lại có thêm các quy định về thời hạn chung cư càng làm rối vấn đề không cần thiết. Cũng không thể vì thuận tiện cho cơ quan quản lý hành chính mà đẩy cái khó cho thị trường.

Cần xem xét và bàn thảo thận trọng

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam

Với phương án 2 - áp dụng niên hạn căn hộ chung cư theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư dựa trên Luật Đất đai 2013. Còn với phương án 1, thì có cơ sở, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, nhưng rất cần một cách tiếp cận thấu đáo, có lộ trình cụ thể, đầy đủ phương án cho chủ sở hữu khi hết thời hạn sử dụng, các luật và quy định rõ ràng, đảm bảo thông tin và diễn giải đúng đắn. Khi đó, thị trường nhà ở sẽ đa dạng hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn cho chủ sở hữu, nhà đầu tư và các đơn vị phát triển bất động sản.

Giá thị trường của căn hộ sở hữu có thời hạn nhìn chung thấp hơn giá của căn hộ sở hữu lâu dài trong cùng khu vực, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng. Với những người muốn mua nhà sở hữu lâu dài và về sau truyền lại cho con cái, họ có thể chấp nhận mức giá cao hơn. Còn với người trẻ, các gia đình có khả năng tài chính vừa phải, hoặc nhà đầu tư quan tâm đến lợi suất cho thuê, họ có thể chọn những căn hộ sở hữu có thời hạn với mức giá phải chăng hơn và sau này có thể chuyển chỗ ở nếu thay đổi nhu cầu.

Về giá trị tài sản, thông thường giá trị cảm nhận của căn hộ sở hữu lâu dài cao hơn căn hộ sở hữu có thời hạn. Tuy nhiên, giá trị không chỉ là giá cả mà còn tính đến các yếu tố như tiện ích, khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu (trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, các lựa chọn ăn uống, thể thao & giải trí, hệ thống thoát nước...), khả năng kết nối với hạ tầng cơ bản (đường sá, trạm xe buýt, tàu điện ngầm...). Ví dụ, nếu xét về lợi suất cho thuê hàng năm, một căn hộ có thời hạn sở hữu còn lại dưới 20 năm nhưng ở gần trung tâm, có đủ tiện ích và dịch vụ thiết yếu có thể có giá trị cao hơn một căn hộ sở hữu lâu dài nhưng ở khu vực ngoại vi, thiếu tiện ích và khó tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Còn về mặt văn hóa, nhiều người quan niệm nhà vừa là nơi an cư, vừa có thể truyền lại cho đời sau và vì vậy muốn có quyền sở hữu lâu dài. Nhưng có một thực tế là nhận thức thay đổi theo thời gian và cấu trúc gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị cũng dần khác đi. Ngày càng có nhiều người sống ở đô thị và lựa chọn chung cư. Vậy nên, đảm bảo cơ hội tiếp cận nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng của các nhóm dân cư, với nhiều loại hình nhà ở có thời hạn sở hữu đa dạng là cần thiết.

Việc áp dụng thời hạn sở hữu căn hộ chung cư đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội để tái phát triển hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi thời hạn kết thúc, từ đó phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, luật và chính sách mới, nói chung, có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau và vì thế có thể khiến nhiều người thấy bối rối, bất an. Điều này khá phổ biến ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Sự quan tâm của công chúng và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua thực chất là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền diễn giải rõ ràng hơn nữa về vấn đề này và xây dựng lộ trình triển khai hợp lý. Đồng thời, cần bàn tính các phương án để chủ căn hộ chung cư chọn lựa khi gần hết thời hạn sở hữu. Chẳng hạn, họ có thể thanh toán một mức phí bổ sung để gia hạn thời hạn sở hữu, hoặc tham gia bán tập thể cho một bên thứ ba theo mức đền bù thỏa đáng.

Quyền sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn là điều không mới ở các nước trên thế giới. Nhưng vì đây là một đề xuất mới với nhiều người ở Việt Nam, rất cần xem xét và bàn thảo thận trọng, cân nhắc lộ trình hợp lý, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích để có thể đạt được mục tiêu dài hạn.

Thanh khoản thị trường sẽ bị ảnh hưởng

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam

Ở góc độ xây dựng theo quy chuẩn Việt Nam, tuổi thọ của công trình quy định bậc 1 là trên 100 năm, bậc 2 là công trình xây dựng có niên hạn từ 50 năm đến 100 năm, bậc 3 là có niên hạn sử dụng từ 20 - 50 năm, bậc 4 là công trình sử dụng dưới 20 năm. Sở dĩ có những cấp bậc này bởi nó liên quan đến vấn đề an toàn của công trình khi mà niên hạn sử dụng quá lâu và nó ảnh hưởng đến an toàn của người dân và vấn đề chỉnh trang đô thị.

Có 2 vấn đề quan trọng cần cân nhắc liên quan đến đề xuất này. Thứ nhất, việc cấp sổ hồng đồng nghĩa với việc xác nhận quyền sử dụng và sở hữu tài sản trên đất có thời hạn. Như vậy, theo đề xuất, người dân có quyền định đoạt và sử dụng trong thời gian 50 - 70 năm cho đến khi công trình xuống cấp. Thứ hai, chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đầu tư dự án lại là sở hữu lâu dài.

Đề xuất này cho thấy sau 50 - 70 năm này thì quyền định đoạt, sở hữu, sử dụng tài sản trên đất sẽ được kết thúc theo niên hạn công trình. Tuy nhiên, quyền lợi gắn liền với đất sở hữu lâu dài của chủ đầu tư sẽ được xử lý như thế nào vẫn chưa được xác định rõ. Đây là điểm cần phải quy định rõ ràng trong dự thảo luật bởi khi mua sản phẩm căn hộ, người dân luôn hiểu rằng tài sản của mình có giá trị sở hữu và sử dụng lâu dài.

Bên cạnh đó, có 2 bộ luật cần tham chiếu là Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Chẳng hạn, theo Luật Xây dựng, đối với công trình cấp 2, sau thời hạn 50 - 100 năm, công trình cần được dỡ bỏ và xây dựng mới. Như vậy, cần xác định quyền sở hữu của người dân trong trường hợp này bởi khi mua chung cư, người dân thường coi đây là một tài sản có giá trị sở hữu lâu dài. Do đó, đối với công trình chung cư và căn hộ, các nhà làm luật cần phải quy định rõ sau 50 - 70 năm, đất được xem là sử dụng lâu dài này sẽ được xử lý ra sao, người dân có quyền sử dụng hay không.

Xét về góc độ xã hội học, việc quy định thời hạn của các dự án chung cư có thể hỗ trợ phần nào quá trình di dời người dân sinh sống tại các chung cư xuống cấp tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, đảm bảo an toàn cho người dân. Như vậy, có thể thấy đề xuất này cũng mang đến mặt tích cực ở góc độ về quản lý.

Tuy nhiên, về quy hoạch tại các đô thị lớn, chung cư là lời giải được áp dụng trên toàn cầu cho bài toán về nhà ở với những đô thị nén. Nếu đề xuất này được đưa vào thực tế, người dân có thể sẽ không ở thành phố mà chuyển sang các khu vực có bất động sản liền thổ để tối ưu nguồn tài chính mình chi trả.

Bất động sản luôn được hiểu là tài sản có giá trị gia tăng trong tương lai. Nếu đề xuất này được áp dụng, trong tương lai có khả năng dẫn đến xu hướng người dân sẽ không chọn chung cư mà chuyển sang mua nhà phố hoặc các đơn nguyên ở ngoài để đảm bảo giá trị lâu dài của tài sản. Do đó, điều này sẽ khiến tính thanh khoản của thị trường căn hộ sẽ bị ảnh hưởng và giá bán căn hộ sẽ bị chững lại.

Trong trường hợp hết hạn sử dụng 50-70 năm, nếu công trình bị tháo dỡ thì tại thời điểm đó, việc định giá đất sẽ được thực hiện và tính toán chia lại như thế nào để trả lại cho người dân cũng chưa được quy định. Nếu sau 50-70 năm, người dân không biết sẽ được tái định cư tại chỗ hay tái định cư chỗ khác, hoặc không biết giá trị tài sản của mình còn lại là bao nhiêu sẽ là một vấn đề lớn đối với người dân.

Bên cạnh đó, việc thanh lý tài sản và bán đấu giá để chia lại cho những người có căn hộ tại dự án đó đến nay cần có lời giải rõ ràng hơn để nhà đầu tư mới có thể vào và mua lại khu đất và xây dựng trên đất.

Các dự án chung cư hiện nay cũng có kế hoạch tu sửa định kỳ. Vì vậy, nếu sau thời hạn 50-70 năm, nếu chất lượng xây dựng của dự án vẫn còn đảm bảo cho cuộc sống của người dân thì cần gia hạn thời gian sử dụng dựa theo kết quả kiểm định ở thời điểm đó.

Cùng với đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, khi bán căn hộ và quyền sử dụng đất theo niên hạn công trình 50-70 năm, cần điều chỉnh tiền sử dụng đất khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, từ đó điều chỉnh giá bán cuối cùng của sản phẩm phù hợp.

Tin bài liên quan