Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Vẫn còn nhiều cổ phiếu tiềm năng bị bỏ sót

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Vẫn còn nhiều cổ phiếu tiềm năng bị bỏ sót

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Mặc dù nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí vượt qua mức định giá nhưng theo một số chuyên gia chứng khoán, danh mục này chủ yếu nằm trong top 50 vốn hóa lớn nhất thị trường và vẫn còn nhiều cổ phiếu tiềm năng khác đang bị bỏ sót.

Sau rất nhiều nỗ lực, VN-Index cuối cùng đã chinh phục thành công mốc kháng cự tâm lý lịch sử 1.000 điểm trong tuần qua. Sau khi chinh phục thành công mốc kháng cự tâm lý này, diễn biến thị trường sẽ thế nào trong tuần tới, VN-Index sẽ chinh phục các ngưỡng kháng cự tiếp theo, hay sẽ điều chỉnh?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Xu hướng tăng hiện vẫn rất mạnh nên trong ngắn hạn chỉ có thể có sự điều chỉnh chứ chưa thể đảo chiều xu hướng được. Do đó xu hướng tuần mới vẫn duy trì tích cực xen kẽ một vài sự điều chỉnh nhỏ.

Dù rằng dòng tiền có sự suy yếu phần nào nhưng lực bán không lớn nên xu hướng tích cực những tuần qua chưa bị ảnh hưởng. Tuần mới có thể giao dịch có sự giằng co nhưng mục tiêu tháng 12 khả năng tiến tới các vùng 1.030-1.050 điểm.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Quan điểm của tôi là VN-Index đã đi vào vùng quá mua ngắn hạn, và có thể sẽ điều chỉnh, Vấn đề là không hẳn chỉ số sẽ tạo đỉnh trong tuần tới.

Chứng khoán Việt Nam tăng có liên quan phần lớn đến diễn biến của chứng khoán thế giới, cụ thể là chứng khoán Mỹ, cho dù nước này và cả thế giới vẫn đang tiếp tục đối phó với dịch Covid-19. Do đó, tôi nghĩ VN-Index có điều chỉnh hay không, cũng còn tùy thuộc vào các chỉ số Mỹ có điều chỉnh hay không. VN-Index tự điều chỉnh thì hơi khó.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường vẫn có khả năng sẽ đối mặt với áp lực điều chỉnh trong tuần tới và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên nhiều khả năng thị trường sẽ giằng co và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.000 điểm. Mức kháng cự kế tiếp sau khi chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.035 điểm.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

VN-Index đã có những nhịp rung lắc với thanh khoản cao trước khi vượt 1.000 điểm, điều này cho thấy thị trường đã có sự củng cố nhất định khi vượt mốc tâm lý này. Về mặt kỹ thuật, VN-Index có thể sẽ tăng lên kháng cự tiếp theo tại 1.025-1.030 điểm.

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng rất mạnh, trung bình khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên. Chỉ riêng cổ phiếu HPG trong 3 phiên gần nhất đã khớp lệnh đến 6.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền đang thực sự lớn. Theo các ông/bà, dòng tiền lớn này đến từ đâu và báo hiệu điều gì?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Các cổ phiếu ngành thép nói chung đều tích cực thời gian qua trong đó HPG dẫn dắt. Thanh khoản rất mạnh trong 3 tuần đầu tháng 11 nhưng suy yếu vào cuối tuần qua. Do đó, nếu diễn biến này tiếp tục trong tuần tới thì khả năng sóng thép sẽ kết thúc trước cuối năm và ngược lại.

Dòng tiền trong nhóm thép sẽ dần chuyển sang các nhóm tiềm năng khác mà chưa tăng mạnh thời gian qua. Điều này sẽ cho thấy nhà đầu tư nên chuẩn bị đón những con sóng ngành mới.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ vẫn là dòng tiền nội thôi, cả cá nhân và tổ chức, nhưng thực tình cũng không rõ là tổ chức chiếm bao nhiêu %. Có khả năng margin đang được dùng hết sức nhiều.

Một số mã hot đang có dòng tiền lớn, ngoài yếu tố thị trường, còn yếu tố là các cổ đông lớn đang chuyền cổ phiếu cho nhau, hoặc kiểu như mua lại hàng từ cổ đông ngoại như trường hợp của MSN gần đây hay của HPG. Việc đó bình thường, chưa chắc báo hiệu rằng cổ phiếu đã tạo đỉnh. Nếu ai lướt sóng mà lo ngại việc đó, cứ nhìn biểu đồ rồi ra quyết định.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng dòng tiền hiện nay vẫn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân, lượng nhà đầu tư mới (tức là nhóm nhà đầu tư F0) cũng gia tăng đáng kể và đóng góp nhiều vào mức thanh khoản hàng ngày của thị trường.

Tính đến tháng 10/2020, số lượng tài khoản mở mới đã đạt 2,67 triệu tài khoản (tăng 34% so với cuối 2019). Với mức lãi suất tiết kiệm ở mức thấp và bất động sản vẫn chưa hồi phục, TTCK vẫn được xem là kênh thu hút dòng tiền trong ngắn và trung hạn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Ông Vũ Minh Đức

Ông Vũ Minh Đức

Khối lượng giao dịch và thanh khoản thị trường năm 2020 đã cao hơn hẳn so với 2018, đặc biệt nhất là dòng tiền liên tục dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu mặc dù nền kinh tế có mức tăng trưởng kém do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn cao khi dự kiến dịch có thể sẽ sớm kiểm soát hoàn toàn kể từ giữa năm 2021 và các nước Đông Nam Á dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do thu hút nguồn vốn đầu tư chảy từ Trung Quốc sang, đặc biệt là hiệp định thương mại RCEP đã được thông qua.

Dòng tiền đổ mạnh vào TTCK nói chung một phần do sự tăng trưởng của VN-Index đã hút được dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp. Riêng đối với HPG, thanh khoản rất cao trong những phiên gần đây phản ánh sự giằng co mạnh của một cổ phiếu đang có sự tham gia của nhiều chủ thể: các quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân và bản thân các cổ đông nội bộ.

Nhiều cổ phiếu mà các chuyên gia khuyến nghị trước đây đã tăng mạnh, thậm chí có mã vượt qua mức định giá. Liệu cơ hội có còn cho những nhà đầu tư vào sau ở những mã này?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Cơ hội vẫn còn nhưng thời gian chuyển thành nắm giữ ngắn hạn, dài hạn tỷ suất sinh lợi sẽ kém hơn hoặc giá phải điều chỉnh mạnh hoặc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phải đột biến khiến định giá cao hơn nữa. Do đó nhà đầu tư phải hết sức cân nhắc thời gian và mức độ sinh lời trong tương lai để ra quyết định phù hợp.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Ông Hoàng Thạch Lân

Ông Hoàng Thạch Lân

Tôi nghĩ không có nhiều kỳ vọng như trước cho những mã cổ phiếu đã đạt mức định giá, trừ phi việc định giá đã quá lâu (ví dụ quá 6 tháng). Tuy nhiên thị trường còn rất nhiều mã chưa đạt, chưa nói đến những cổ phiếu mới chưa được định giá.

Tôi thấy ở nhiều công ty chứng khoán lớn, những mã được định giá và khuyến nghị đầu tư thường nằm trong trong 50 vốn hóa lớn nhất 3 sàn, hay số ít midcap có câu chuyện nổi bật. Như vậy chưa đủ, hay nói cách khác là còn bỏ sót rất nhiều cổ phiếu tiềm năng khác. Nhà đầu tư có thể xem xét những cơ hội mới ở đây.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng tăng trưởng giá cổ phiếu sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh trong quý tới. Tuy nhiên, bản thân các cổ phiếu vẫn duy trì tăng trưởng trong những quý vừa qua được xem là những cổ phiếu luôn nổi trội và vượt bậc hơn so với các cổ phiếu khác cho nên nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng trong ngắn và trung hạn. Vì vậy, các cổ phiếu này vẫn có cơ hội cho các nhà đầu tư đến sau.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Những mã đang có đà tăng điểm trên thực tế lại là những mà nhạy cảm với biến động của VN-Index hơn là các mã vẫn còn tích lũy. Do đó xét về diễn biến ngắn hạn, nếu VN-Index vẫn còn đà tăng thì những cổ phiếu này vẫn còn cơ hội tăng giá. Còn xét về định giá đã đắt hay còn rẻ thì còn tùy từng cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là trụ đỡ cho thị trường bứt phá qua mốc 1.000 điểm. Liệu nhóm cổ phiếu vua này có tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, hay sẽ bị thay thế bởi nhóm khác. Nếu có, theo các ông/bà dự báo đó là nhóm nào?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Nhóm này có 1 năm rực rỡ thậm chí là còn từ cả những năm trước. Do đó sóng này trở nên quá dài trong bối cảnh khách hàng của các ngân hàng năm nay đều gặp khó nên ngân hàng tìm nhiều nguồn khác để cân đối lại.

Tuy vậy nếu kinh tế đi xuống hoặc phục hồi chậm thì cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhóm này cũng như mức giá nhiều ngân hàng quá cao sẽ khiến lợi nhuận khó theo kịp. Do vậy, tôi dự báo nhóm khác sẽ thay thế nhưng sẽ sang năm sau, các nhóm tiềm năng là công nghệ, năng lượng, vận tải và hàng tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng nhóm Ngân hàng vẫn có thể là nhóm dẫn dắt thị trường trong vài tháng tới khi tốc độ tăng trưởng tín dụng đang dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu vẫn là rủi ro tiềm ẩn trong tương lai khi Thông tư 01 hết hiệu lực, nhưng tôi cho rằng các ngân hàng có thể sử dụng nguồn lợi nhuận bất thường từ Bancassurence.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Gần đây đà tăng của VN-Index là kết quả của việc luân phiên tăng điểm của các mã vốn hóa lớn, không chỉ tại ngành Ngân hàng mà còn đến từ nhiều ngành khác như Năng lượng (GAS, PLX), Bất động sản (VHM, VIC), Hàng Tiêu dùng ( MSN, SAB, VNM), Công nghệ (FPT)... Theo tôi, xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan