Góc nhìn kỹ thuật phiên 31/3: Nguyên tắc đỉnh đáy liền sau cao hơn chưa bị phá

(ĐTCK) ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 31/3.
Góc nhìn kỹ thuật phiên 31/3: Nguyên tắc đỉnh đáy liền sau cao hơn chưa bị phá

CTCK FPT - FPTS

Các chỉ báo kỹ thuật chưa cho tín hiệu rõ rệt sau đợt giảm vừa qua. SO vẫn trong quá trình giảm sâu về vùng quá bán, cùng MACD, DI chưa cho tín hiệu tăng trở lại. Ngưỡng 600 điểm sẽ đóng vai trò là ngưỡng kháng cự trong ngắn hạn.

Trên sàn HNX, đường MACD lùi khá sát về đường tín hiệu, cặp DI tiếp tục suy yếu kể từ phiên đầu tuần. Như vậy với diễn biến giằng co duy trì suốt phiên giao dịch ngày 28/03 và kết hợp các chỉ báo kỹ thuật chủ yếu vẫn cho tín hiệu bán thì xu thế lình xình - giảm nhẹ sẽ chiếm ưu thế trong vài phiên tới.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Nối tiếp đà hồi phục của phiên trước đó, VN-Index có phiên tăng điểm áp sát vùng kháng cự mạnh 596-599 điểm. Chỉ báo RSI đã quay đầu đi lên, hai đường DI cũng tách ra trở lại cho thấy bên mua đang tạm thời chi phối diễn biến thị trường. Tuy nhiên, đường ADX tiếp tục hướng xuống kèm theo thanh khoản thị trường sụt giảm cho thấy cơ hội hồi phục của chỉ số vẫn chưa rõ ràng.

Với phiên xanh điểm ngày 28/3, HNX-Index tạo thành một thân nến nhỏ màu xanh với khối lượng thấp phần nào phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư. Mẫu hình nến “Harami cross” xuất hiện trên đồ thị tuần đi kèm tín hiệu phân kỳ của đường Stochastic Oscillator trên vùng quá mua để ngỏ khả năng tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới.

Hai chỉ số tiếp tục được dự báo sẽ gặp lực cản tại vùng kháng cự 596-599 điểm đối với VN-Index và vùng 92-93 điểm đối với HNX-Index trong những phiên đầu tuần tới. Đây cũng được xem là điểm bán trading cho các giao dịch T+ đồng thời cân bằng tỷ trọng danh mục. Phản ứng của hai chỉ số tại các vùng cản này sẽ cung cấp thêm những tín hiệu xác nhận cho diễn biến ngắn hạn của thị trường sau đó.

CTCK MB – MBS

VN-Index kết thúc phiên cuối tuần bằng một nến trắng thân ngắn, bấc dưới dài và khối lượng giao dịch giảm xuống so với các phiên gần đây, cho thấy tín hiệu lực bán ra mạnh từ 2 phiên trước đã giảm xuống đáng kể và lực mua bắt đáy bắt đầu xuất hiện.

Ngắn hạn, VN-Index trong phiên chạm xuống đường SMA 20 nhưng bật ngay lên sau đó cho thấy SMA 20 trở thành ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trong hiện tại, Trước đó chỉ số cũng đã chạm về và bật lên từ đướng SMA 20 vào đầu tháng 3.

Trung hạn, VN-Index vẫn đang nằm trong trend tăng điểm kể từ đầu năm 2014 với đà tăng đang yếu dần. Chỉ số đang về dần đường giới hạn dưới của kênh tăng điểm, khu vực có khả năng bắt đầu bật lên để tạo sóng tăng tiếp theo.

HNX-Index kết thúc bằng một nến đỏ thân ngắn, bấc dưới dài và khối lượng giao dịch giảm xuống so với các phiên gần đây, cho thấy tín hiệu lực bán ra mạnh từ 2 phiên trước đã bắt đầu giảm xuống, tuy nhiên lực mua bắt đáy vẫn còn dè dặt nhất định.

Trung hạn, HNX-Index vẫn đang trong xu hướng tăng điểm với độ dốc khá cao. Chỉ số RSI được giữ trong vùng quá mua với thời gian dài. Các dấu hiệu này cho thấy chỉ số có rủi ro điều chỉnh mạnh bất cứ khi nào.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Chỉ số VN-Index giảm điểm đầu tuần khi tiếp cận ngưỡng cản kỹ thuật của dải Bollinger Bands, tăng điểm cuối tuần phản ứng với ngưỡng hỗ trợ. Khối lượng giao dịch  tăng mạnh trong phiên giảm điểm, giảm thấp trong phiên thị trường phục hồi. Chỉ số RSI14 ở mức 56 điểm, tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Đường MACD tiếp tục nới rộng khoảng cách phía dưới đường tín hiệu, cho tín hiệu về xu hướng giảm.

Chỉ số HNX-Index giảm điểm đầu tuần khi tiếp cận ngưỡng cản kỹ thuật 92 điểm, tăng điểm cuối tuần phản ứng với ngưỡng hỗ trợ của đường MA12 ngày. Khối lượng giao dịch  tăng mạnh trong phiên giảm điểm, giảm thấp trong phiên thị trường phục hồi. Chỉ số RSI14 tuần ở mức 90 điểm, vẫn ở mức quá mua. Đường MACD vẫn ở trên đường tín hiệu, cho chỉ báo về xu hướng tăng trung hạn.

Với việc tăng mạnh hơn về cuối tuần, đà tăng thị trường có thể tiếp diễn vào đầu tuần giao dịch tới, với ngưỡng cản kỹ thuật của VN-Index là khoảng 608 điểm, HNX-Index là khoảng 92 điểm. Hai chỉ số Index tăng điểm trở lại từ mốc hỗ trợ với thanh khoản thấp chưa cho tín hiệu đủ tin cậy về mặt kỹ thuật. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho tín hiệu về xu hướng thị trường điều chỉnh ngắn hạn. Mức hỗ trợ của VN-Index là khoảng +/-585 điểm, mốc hỗ trợ mạnh là +/-565 điểm. Mức hỗ trợ kỹ thuật gần nhất của HNX-Index là khoảng +/-85 điểm.

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo đồ thị tuần, chỉ số VN-Index chững lại tại mức kháng cự 610 và kiểm định lại vùng hỗ trợ 585 – 590, đây là vùng tập trung nhiều dòng tiền mới tham gia thị trường trong các giai đoạn trước. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn có thể giải ngân ở nhịp điều chỉnh ngắn hạn để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ và chú ý các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.

CTCK Maybank Kim Eng – MBKE

VN-Index tiếp tục hồi phục nhẹ. Dù vậy, hai phiên tăng vừa qua vẫn chưa thể bù đắp lại 50% mức giảm ở phiên rơi mạnh trước đó.

Đường giá hiện đang nằm trên mức 590 điểm, khu vực được xem là mốc hỗ trợ gần nhất hiện tại (MA-18).

Xu hướng tăng giá của VN-Index chưa bị gián đoạn do những nguyên tắc đỉnh đáy liền sau cao hơn còn được duy trì. Dù vậy nếu sự hồi phục không thể kéo dài trong các phiên tới, mức đỉnh thấp hơn sẽ được hình thành, đồng nghĩa với việc VN-Index rơi vào pha tích lũy hoặc xấu hơn là điều chỉnh giảm.

 MACD đã quay về bên dưới đường tín hiệu, phân kỳ tiêu cực với đường giá vẫn được duy trì.

Trên HNX-Index, các nguyên tắc đỉnh – đáy liền sau cao hơn chưa bị vi phạm và do đó xu hướng tăng của đường giá chưa bị phủ nhận. Dù vậy, sự gia tăng trở lại nếu không đủ mạnh để giúp đường giá tiếp tục tạo lập đỉnh cao mới, xu hướng tăng sẽ bị nghi ngờ.

Kháng cự tiếp theo tại vùng 96 điểm, hỗ trợ gần nhất điều tại mức 85 điểm (MA-18), hỗ trợ xa hơn tại khu vực 79 điểm.

MACD giảm trở lại dù vẫn còn duy trì vị trí nằm bên trên đường tín hiệu.