Gửi 550 tỷ đồng “cho ác”?

Gửi 550 tỷ đồng “cho ác”?

Sự việc xảy ra ở ALC II khiến cho các tổ chức, cá nhân gửi tiền vào đây lâm vào cảnh “đứng ngồi không yên”…

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công cuối năm 2008 với kinh phí 24.446 tỷ đồng... Thế nhưng mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại phản ánh, chủ đầu tư đem một khoản tiền lớn gửi Công ty Cho thuê Tài chính II (ALC II) và khó có khả năng thu hồi.

 

Đường cao tốc tiêu chuẩn quốc tế và món “nợ xấu” 

Theo giới thiệu trên trang web của Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI), Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì cùng Ngân hàng Cổ phần Thương mại Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) huy động vốn để đầu tư xây dựng: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức (BOT); Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện và các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ khác.

Công ty VIDIFI thành lập, có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng Việt Nam. Các cổ đông góp vốn sáng lập gồm: VDB, Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn (SGI), Vietcombank, Tổng công ty Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tại Quyết định số 1621/QĐ – TTg ngày 29/11/2007 về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ giao VIDIFI làm chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT.

Trong khi dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang được thi công và được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Thủ đô và thành phố Cảng thì những thông tin về khoản tiền 550 tỷ đồng mà chủ đầu tư gửi Công ty Cho thuê Tài chính II (ALC II) liên tục đăng tải trên các báo. Liên quan đến ALC II, ngày 21/4/2011, Báo CAND có bài viết nêu rõ, các cơ quan tố tụng Trung ương tổ chức điều tra vụ án đối với bị can Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc. Bước đầu, cơ quan chức năng đã làm rõ, ALC II tổn thất hơn 1.846 tỷ đồng (theo kết luận thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước).

Sự việc xảy ra ở ALC II khiến cho các tổ chức, cá nhân gửi tiền vào đây lâm vào cảnh “đứng ngồi không yên”. Về số tiền 550 tỷ đồng mà VIDIFI gửi ALC II, Báo Pháp luật Việt Nam ngày 6/12 nêu: “Trong vòng 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2009, VIDIFI đã ký 3 hợp đồng tiền gửi ALC II với số tiền 550 tỷ đồng với mức lãi suất 7,7%/năm. Các hợp đồng tiền gửi này đều do Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Bổn ký, không có sự phê duyệt của HĐQT hay đại hội cổ đông của Tổng Công ty”.

Cũng liên quan đến quản lý tài chính của dự án này, đại biểu Lê Thị Nga, đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 24/11 tại kỳ họp Quốc hội đã yêu cầu làm rõ sai phạm ở VDB. Cụ thể là việc VDB đã cấp vốn để đầu tư bất động sản và chứng khoán cho VIDIFI và cả sai phạm trong tổ chức thực hiện dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trước vấn đề đại biểu Lê Thị Nga nêu, cử tri rất quan tâm đến trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, do thời gian eo hẹp nên vấn đề này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng trả lời đại biểu bằng văn bản. Dư luận đang mong chờ trả lời của Bộ trưởng về vấn đề này.

 

 “Chỉ còn” 220 tỷ đồng nợ khó đòi...

Ngày 15-12, tra đổi với báo chí, ông Đào Văn Chiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) khẳng định, số tiền 550 tỷ đồng mà VIDIFI gửi ALC II đã thu hồi được 330 tỷ đồng. Hiện tại, số tiền mà ALC II chưa trả VIDIFI là 220 tỷ đồng... Ông cũng thừa nhận, “đúng là có việc VIDIFI gửi 550 tỷ đồng cho ALC II. Nhưng mà là gửi chứ không phải cho vay. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau”. Lý giải việc gửi số tiền 550 tỷ đồng cho ALC II, ông Chiến cho rằng, giữa VDB và Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có thỏa thuận hợp tác. Ngày 23/3/2009, VIDIFI ký thỏa thuận hợp tác với ALC II (tổ chức tín dụng phi ngân hàng trực thuộc Agribank Việt Nam). Theo thỏa thuận này, ALC II cam kết dành cho VIDIFI quyền ưu tiên được thực hiện các dịch vụ tài chính tiền tệ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của VIDIFI; thường xuyên hỗ trợ tư vấn tài chính và ưu tiên tối đa nguồn lực sẵn có để thực hiện có chất lượng cao các dịch vụ cho VIDIFI và VIDIFI ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính, tiền tệ của ALC II.

Về nguồn gốc khoản tiền 550 tỷ đồng mà VIDIFI gửi ALC II, ông Chiến nói đây là nguồn tiền từ vốn điều lệ chứ không phải tiền giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng như một số báo đã đưa tin. Việc gửi tiền vào ALC II hoàn toàn khách quan, đúng quy trình. Việc chọn ALC II để gửi số tiền trên ngoài việc đây là đối tác đã ký thỏa thuận hợp tác với VDIFI còn vì lãi suất ở đây cao hơn so với mặt bằng chung.

Cũng theo ông Chiến, số tiền 550 tỷ đồng vốn điều lệ Công ty định sử dụng vào dự án khác. Tuy nhiên, do dự án chưa được triển khai nên tạm thời gửi vào ALC II. Để chứng minh đây không phải là số tiền dùng để giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Chiến khẳng định VIDIFI chưa từng nợ một đồng nào tiền thực hiện công tác này.

Theo tài liệu ông Tổng giám đốc VIDIFI cung cấp, các ngày 25/6/2009, 25/9/2009, 24/5/2010, VIDIFI chuyển cho ALC II tổng số 550 tỷ đồng, mức lãi suất 7,7%/năm. Đến ngày 30/4/20011, dư nợ tiền gửi của VDIFI tại ALC II gồm: Nợ gốc 528 tỷ đồng; nợ lãi tạm tính 111,636 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu nợ thì ALC II đã trả cho VIDIFI 308,902 tỷ đồng.

Về số tiền 220 tỷ đồng gửi ALC II chưa thu hồi được, đại diện ALC II trong cuộc làm việc ngày 15/6/2011 với VIDIFI cho biết, không có khả năng thanh toán. ALC II đề nghị VIDIFI kết hợp với các tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay, mua tài sản của ALC II để cấn trừ số tiền gửi còn lại của VIDIFI tại ALC II. Khi đề án tái cấu trúc ALC II được phê duyệt thì ALC II sẽ thực hiện thanh toán trả nợ cho VIDIFI. Trong thời gian chờ phê duyệt, nếu ALC II bố trí được nguồn trả nợ thì ALC II tiếp tục đề nghị VIDIFI chấp nhận thứ tự thanh toán gốc, lãi. Sau đó, ngày 21/6/2011, ALC II đã chuyển khoản trả nợ cho VIDIFI 500 triệu đồng.

Nói về khả năng thu hồi số nợ còn lại 220 tỷ đồng, ông Đào Văn Chiến mong chờ sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự tích cực của Agribank Việt Nam. Ông cũng hy vọng, sau khi tái cơ cấu ALC II, khoản nợ trên sẽ được công ty này thanh toán cho VIDIFI.

 

Có đúng là tiền nhàn rỗi?

Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng theo hợp đồng BOT. Ông Đào Văn Chiến cho biết, ban đầu, các cổ đông sáng lập dự tính góp vốn là: VDB chiếm cổ phần đa số; Vietcombank đóng góp 30% cổ phần; Vinaconex 10% cổ phần; SGI 10% cổ phần. Thế nhưng hiện nay VDB chiếm 76,8% cổ phần, Vinaconex 0,8% cổ phần...

Theo dự tính ban đầu, tổng mức đầu tư cho dự án này trên 24.446 tỷ đồng. Sự việc chủ đầu tư gửi tiền cho ALC II và rơi vào tình trạng khó đòi khiến cho người ta nghi ngờ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình này. Thực tế, theo dự định ban đầu, dự án này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2012. Ông Nguyễn Đức Công, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, do thay đổi thiết kế kỹ thuật và gặp một số khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thi công nên phải đến năm 2014 mới có thể thông xe kỹ thuật. Còn ông Đào Văn Chiến cũng cho rằng, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng từ vốn vay thương mại nên sự chậm trễ này là bất khả kháng.

Nguồn tiền 550 tỷ đồng mà VIDIFI gửi ACL II là vốn điều lệ của công ty này hay tiền VDB chuyển cho VIDIFI để giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng? Hơn ai hết, VDB sẽ trả lời được câu hỏi này bởi đây là nơi thực hiện việc chuyển tiền theo đề nghị của VIDIFI. Là đơn vị cấp vốn, VDB phải biết rõ đơn vị thành viên của mình dùng tiền vào việc gì cũng như có trách nhiệm quản lý tài chính đối với khoản tiền đó.