Người dân băn khoăn với hàng loạt dự án chậm tiến độ nhưng “biến tướng” để thu lợi

Người dân băn khoăn với hàng loạt dự án chậm tiến độ nhưng “biến tướng” để thu lợi

Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý dự án chậm tiến độ, “biến tướng”

(ĐTCK) Mặc dù chính quyền TP. Hà Nội đã có các văn bản thông báo “siết” các dự án chậm tiến độ, “biến tướng” trên địa bàn thời gian qua, nhưng thực tế công tác này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.

“Con voi” vẫn chui lọt “lỗ kim”

Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 400 dự án chậm tiến độ. Trong đó, không ít dự án “biến tướng”, hoạt động sai phép, gây thất thoát ngân sách và lãng phí tài nguyên đất.

Tuy nhiên, điều người dân khó hiểu là những dự án này án ngữ ở những vị trí “đất vàng”, thậm chí giữa lòng thành phố như khu vực Cầu Giấy, nhưng không hiểu sao “con voi” vẫn chui lọt “lỗ kim”, sai phạm vẫn tồn tại tháng này qua tháng khác!?

Sau hàng lạt phản ánh của người dân và các cơ quan thông tấn báo chí, Hà Nội đã có động thái tích cực trong việc “gỡ nút thắt” về các dự án chậm tiến độ. Địa phương này đã ra hàng loạt văn bản chỉ đạo, đưa ra thời hạn ‘tồn tại” cho các chủ dự án, thậm chí yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành thu hồi.

Chẳng hạn, Dự án Xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư; Dự án Nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên tại 13 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai), do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế kiểm định và Địa kỹ thuật làm chủ đầu tư; Dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê tại 53E, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, do Công ty TNHH một thành viên Sổ xố Thủ đô làm nhà đầu tư…

Xét theo các địa phương, con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tại quận Thanh Xuân có 11 dự án chậm tiến độ hoặc có sai phạm, huyện Hoài Đức có 51 dự án, huyện Mê Linh 50 dự án, quận Nam Từ Liêm 48 dự án, quận Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…

Nếu làm phép tính đơn giản về mức tiền thuê đất, mặt bằng hiện nay trên địa bàn Hà Nội thì những dự án chậm tiến độ hoạt động “biến tướng” này đang làm thất thoát ngân sách lên đến hàng hàng chục tỷ đồng/năm. Số tiền này chảy vào túi ai và có hay không việc ngầm dung túng cho các hoạt động này tồn tại? Đây cũng chính là những băn khoăn của người dân phản ánh đến cấp chính quyền Hà Nội.

Cần có chế tài mạnh

Thời gian qua, các chỉ đạo, văn bản từ Trung ương đến Hà Nội về việc xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ đã được ban hành liên tục và rất quyết liệt. Tuy nhiên, dường như thời hạn triển khai và chế tài với những đơn vị được giao nhiệm vụ không xử lý vẫn chưa thực sự nghiêm khắc.

Theo TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, chúng ta quản lý chặt chẽ ở khâu giao đất nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu cơ chế quản lý tiến độ các dự án. Rất nhiều mảnh đất vàng muốn quy hoạch phát triển đồng bộ như khu vực Cầu Giấy để tạo thành trung tâm mới của thủ đô Hà Nội thì lại để hoang hóa hàng chục dự án. Rõ ràng ở đây thiếu sự giám sát, hậu kiểm của từ địa phương đến các cơ quan chức năng.

Trong nhiều trường hợp, để đối phó với quy định sau 24 tháng không sử dụng đất kể từ khi lập dự án sẽ bị thu hồi đất, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực “chây ỳ” bằng cách liên tục xin thay đổi quy hoạch, mục đích triển khai dự án để tìm kiếm nhà đầu tư mới hoặc bán lại kiếm lời. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thoát ngân sách mà còn gián tiếp tạo ra những “điểm đen” về trật tự xã hội trong khu vực.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan