Hà Nội nêu vướng mắc trong thực hiện quy định quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) UBND TP. Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023 có 4 dự án hoàn thành toàn bộ. Ngoài ra, có 40 dự án đang triển khai gồm 18 dự án hoàn thành đến năm 2025 và 22 dự án hoàn thành sau năm 2025.
Hà Nội muốn được ủy quyền chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án nhà ở thương mại không thể bố trí quỹ đất 20%

Hà Nội muốn được ủy quyền chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án nhà ở thương mại không thể bố trí quỹ đất 20%

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, UBND TP. Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023 có 4 dự án hoàn thành toàn bộ một dự án hoàn thành 1 phần với khoảng 345.488 m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 4.168 căn hộ; đã bao gồm 01 dự án xây dựng nhà ở công nhân hoàn thành với khoảng 0,13 triệu m2 sàn, khoảng 1.170 căn hộ.

Ngoài ra, hiện có 40 dự án đang triển khai, gồm 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 869.000 m2 sàn, 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1.689.000 m2 sàn, 22.400 căn hộ; trong đó có 06 dự án xây dựng nhà ở công nhân với khoảng 0,31 triệu m2 sàn với gần 8.000 căn hộ nhà ở công nhân.

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 23/02/2023, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; Chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định giao Sở Xây dựng tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh và đang xem xét tiếp tục thực hiện đối với 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, tại ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 (thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Dự kiến 05 dự án được triển khai hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội vào quỹ nhà ở xã hội của Hà Nội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của Thành phố (khoảng 6,8 triệu m2 sàn giai đoạn sau năm 2020) và góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội theo Đề án.

Về khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Hà Nội cho biết, hiện nay quy định của pháp luật về dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn có điểm bất cập, nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại ở khu vực ngoại thành không phù hợp bố trí nhà ở xã hội (như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức…) hoặc dự án nhà ở thương mại có quy mô ≥ 2ha nhưng có diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ, theo quy định vẫn phải dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, việc phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án không phù hợp và manh mún, tuy nhiên theo quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án này.

Để giải quyết khó khăn này, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, giao quyền cho Thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.

Pháp luật hiện hành chưa quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ 20%, 25% đất ở tại dự án để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong khi đó nguồn lực tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.

Về vấn đề này, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.

Quy định về chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% thuộc các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị được dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ không quy định chuyển tiếp đối với cơ chế, ưu đãi này (chỉ quy định chuyển tiếp nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội) dẫn đến khó khăn khi chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Hà Nội kiến nghị, các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

Tin bài liên quan