Hà Nội: Tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1, không thay đổi tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, tập trung quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) trong năm 2023.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) trong năm 2023 và kết thúc dự án vào năm 2024.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) trong năm 2023 và kết thúc dự án vào năm 2024.

GPMB đến đâu tiến độ xây dựng phải triển khai đến đó và không thay đổi tiến độ

Ngày 20/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án xây dựng Đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa.

Báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Dự án xây dựng Đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục), Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn quận Đống Đa là 635 phương án thuộc địa bàn 4 phường (Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng, Ô Chợ Dừa).

Tính đến ngày 16/9/2023, đã điều tra khảo sát 553/635 phương án, còn tồn tại 82 phương án khu vực tiếp giáp mặt Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, do các hộ dân không đồng thuận, phối hợp điều tra.

Ngoài ra, quận đã phê duyệt 182/544 phương án với trị giá 490 tỷ đồng; 117/182 hộ đã nhận 316,3 tỷ đồng; đã thu hồi mặt bằng 48/182 phương án.

Về tái định cư, đã tổ chức bốc thăm 171 căn hộ tái định cư; đến nay, có 45 hộ chuyển sang tự lo chỗ ở. UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định bán nhà đối với 76 căn.

Để giải quyết vướng mắc của dự án, quận Đống Đa đề nghị UBND TP. Hà Nội, các sở, ngành xem xét giải quyết tái định cư bổ sung cho các trường hợp thu hồi đất không được bồi thường về đất theo giá đất ở nhưng được hỗ trợ về đất theo giá đất ở, thực tế có đông nhân khẩu, nhiều cặp vợ chồng sinh sống tại nơi GPMB (thống kê sơ bộ có khoảng 100 hộ).

Đồng thời, bố trí tái định cư cho các trường hợp thu hồi một phần diện tích đất ở, có diện tích còn lại đủ điều kiện tồn tại (lớn hơn 15m2) nhưng nhỏ hơn 20m2/hộ, đông nhân khẩu ăn ở tại nơi GPMB (thống kê sơ bộ có khoảng 30 hộ). Chính sách hỗ trợ đối với công trình xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất ở.

Tại quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, công tác đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất đã thực hiện 1.076/1.389 trường hợp (đạt 76,82%). Còn 322 trường hợp chưa đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất. Trong đó có 111 trường hợp Tổ công tác tại UBND phường hoàn thiện hồ sơ để thực hiện kiểm đếm bắt buộc.

Về điều tra khảo sát, đo đạc kiểm đếm tài sản trên đất, đã điều tra khảo sát được 1042/1067 trường hợp (đạt tỷ lệ 97,66%). Còn 25 trường hợp chưa điều tra khảo sát, đo đạc kiểm đếm tài sản trên đất do còn vướng mắc, chưa công nhận kết quả đo đạc của đơn vị tư vấn. Có 232 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với tổng tiền chi trả 623,147 tỷ đồng; đã thu hồi mặt bằng của 56 phương án, gồm: 6 tổ chức và 50 hộ gia đình.

Về công tác tái định cư, quận đã tổ chức bốc thăm căn hộ tái định cư đối với 192 hộ và xét bán 248 căn tái định cư. Trong đó, có 46 căn các hộ dân nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở và 202 căn các hộ dân nhận nhà tái định cư.

Để đảm bảo cho các hộ gia đình sớm được ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất (gồm 326 hộ dân đang sử dụng để ở, nguồn gốc sử dụng của các hộ gồm đất nông nghiệp được giao, đất ao công; các hộ đã tự chuyển mục đích sang đất ở từ sau năm 1994 đến trước năm 2004...), quận Ba Đình đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét báo cáo HĐND TP. Hà Nội chấp thuận riêng chính sách hỗ trợ đối với khu vực Đầm Bầu, Đầm Tròn được hỗ trợ tỷ lệ % đơn giá đất ở theo giá đất cụ thể của dự án.

Về nhà tái định cư, quận đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo việc khẩn trương bàn giao nhà tái định cư cho các hộ dân. Tiếp nhận tiền mua nhà tái định cư và bàn giao nhà 30T1, 30T2 lô A14 Nam Trung Yên.

Về điều chỉnh Dự án, đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng đẩy nhanh việc thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Dự án đầu tư Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là dự án trọng điểm của TP. Hà Nội. Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu, GPMB đến đâu tiến độ xây dựng phải triển khai đến đó và mục tiêu GPMB xong trong năm 2023. Quan điểm của TP. Hà Nội là không thay đổi tiến độ thực hiện.

Liên quan đến khó khăn trong GPMB, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, các sở và 2 quận đã có Tờ trình liên ngành về giải quyết khó khăn vướng mắc. Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến của tập thể UBND TP. Hà Nội và theo thẩm quyền quy định sẽ chấp thuận Tờ trình liên ngành này…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, quan điểm của TP. Hà Nội là không thay đổi tiến độ thực hiện dự án Vành đai 1.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, quan điểm của TP. Hà Nội là không thay đổi tiến độ thực hiện dự án Vành đai 1.

Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023 và kết thúc dự án vào năm 2024

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận sự tích cực của quận Đống Đa, Ba Đình, các Sở, ngành đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội tổ chức thực hiện công tác GPMB.

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai đầu tư dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) còn chậm, kết quả còn khiêm tốn, chưa đạt tiến độ đề ra. Trong đó, nổi lên một số khó khăn trong thống nhất phương án tháo gỡ vướng mắc; nhiều hộ còn chưa đồng thuận trong đo đạc điều tra kiểm đếm…

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ GPMB và hoàn thành Dự án, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm xem xét, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua chính sách đặc thù do Liên ngành trình.

Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội sớm xem xét các nội dung đề xuất của UBND quận Ba Đình về các chính sách đặc thù khu vực 326 hộ dân Đầm Bầu, Đầm Tròn. Trên cơ sở đó, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội xem xét, thông qua (nếu vượt quá thẩm quyền).

Về công tác GPMB, đề nghị quận Ba Đình, Đống Đa cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh công tác xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu, hộ khẩu, công tác thẩm định phê duyệt phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục vận động các hộ dân tạo sự đồng thuận chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước.

Ban Quản lý dự án phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai ngay công tác cắm mốc ngoài hiện trường, tổ chức đo đạc kiểm đếm đối với các hộ dân khu vực Đài truyền hình Việt Nam ngay sau khi Dự án điều chỉnh được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Đối với việc điều chỉnh Dự án, đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo. Trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND TP. Hà Nội.

Đối với công tác tái định cư, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ sớm bàn giao nhà tái định cư cho các hộ dân để thu hồi mặt bằng. Sớm triển khai và hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư để đảm bảo đủ quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án.

Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, cân đối báo cáo UBND TP. Hà Nội, HĐND TP. Hà Nội bố trí đủ vốn đầu tư công theo tiến độ dự án.

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội tổ chức giao ban thường kỳ hằng tháng nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, tăng cường giám sát cộng đồng và của tổ HĐND tại địa bàn; tổ chức đối thoại trực tiếp để sớm giải quyết kiến nghị của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các sở, ngành, chủ đầu tư, các quận Đống Đa, Ba Đình phối hợp giải quyết, tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 và kết thúc dự án vào năm 2024.

Tin bài liên quan