Nhiều ngân hàng tiếp tục tài trợ lớn cho các dự án BOT, BT giao thông

Nhiều ngân hàng tiếp tục tài trợ lớn cho các dự án BOT, BT giao thông

Hạ tầng giao thông, vấn đề không phải là vốn!

(ĐTCK) Thông tin được các chuyên gia cung cấp cho thấy, vốn dành cho cơ sở hạ tầng thực tế không phải thiếu, mà là rất nhiều và vấn đề cần xem xét vẫn là tính hiệu quả.

Vốn cho cơ sở hạ tầng: rất cao

Theo ông Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông là rất lớn. Báo cáo năm 2006 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội cho vùng châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) cho thấy, tổng vốn đầu tư và duy tu hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2003 vào khoảng 6% GDP, trong khi Trung Quốc, Thái Lan và Nga chỉ khoảng 4%, Hàn Quốc 3% và các nước khác chưa đến 2%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thống kê, năm 2010, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của Việt Nam tương đương 4,4% GDP, trong khi con số này của 13 nước vùng châu Á - Thái Bình Dương trung bình là 1,5% GDP.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, giai đoạn 2000 - 2010, tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam chiếm 9 - 10% GDP, trong đó vốn nước ngoài (chủ yếu là ODA) chiếm 37%, ngân sách nhà nước chiếm 11%, trái phiếu chính phủ chiếm 13%, đầu tư tư nhân chiếm 21%, thu phí sử dụng dịch vụ chiếm 14%, ngân hàng thương mại chiếm 3% và đầu tư từ cộng đồng chiếm 1%. Tuy nhiên, tỷ lệ trên đã giảm đáng kể trong mấy năm gần đây do chính sách thắt chặt chi tiêu của Việt Nam và dao động ở mức 3% GDP.

Con số cụ thể từ phía hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay, lượng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn. Đến 31/12/2014, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là 114.837 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 68.675 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2015, số liệu tại một số NHTM tài trợ lớn cho các dự án BOT, BT giao thông cho thấy, các ngân hàng tiếp tục dành vốn cho lĩnh vực này: tính đến 31/3/2015, tổng cam kết cấp tín dụng của VietinBank tăng 10%, BIDV tăng 20%, SHB tăng 30% so với thời điểm 31/12/2014.

Ông Nguyễn Tiến Đông thông tin thêm, bên cạnh nguồn vốn tín dụng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, các tổ chức tín dụng (TCTD) còn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu chính phủ.

Tính riêng năm 2014, vốn ngân sách nhà nước huy động từ trái phiếu chính phủ là 208.995 tỷ đồng, trong đó các TCTD mua 88,5% tổng lượng trái phiếu phát hành, chủ yếu để đầu tư hạ tầng giao thông (khoảng 185.000 tỷ đồng). Từ đầu năm 2015 đến ngày 11/6, vốn ngân sách nhà nước huy động từ trái phiếu chính phủ là 69.988 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm trở lên, trong đó các TCTD mua 82,7% tổng lượng trái phiếu phát hành (khoảng 56.500 tỷ đồng).

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, năm 2010, ngay khi Chính phủ có quyết định nâng cấp Dự án Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, BIDV đã chủ động đề xuất tài trợ cho dự án này theo phương thức BOT và BT, với gói cam kết khoảng 30.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, BIDV cam kết dành thêm khoảng 60.000 - 70.000 tỷ đồng vốn trung, dài hạn tài trợ cho các dự án xã hội hóa hạ tầng giao thông (chiếm 30% tổng vốn tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tài trợ cho hạ tầng giao thông), đưa tổng dư nợ BIDV trong lĩnh vực này lên 90.000 - 100.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 7% tổng dư nợ của BIDV đến năm 2020). 

Cần xem xét tính hiệu quả

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể về năng lực, nhưng hạ tầng giao thông Việt Nam vẫn còn một số vấn đề, hạn chế sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, hạ tầng giao thông phát triển thiếu động bộ và năng lực vận tải dựa chủ yếu vào hạ tầng giao thông đường bộ; chất lượng hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng giao thông đường bộ còn nằm dưới mức trung bình của thế giới; bản thân năng lực kết nối của các loại hình hạ tầng giao thông còn yếu…

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh: “Tỷ lệ vốn đầu tư dành cho giao thông của Việt Nam ở mức rất cao và tổng vốn đầu tư toàn xã hội nói chung cũng ở nhóm cao so với các nước trong khu vực. Vấn đề không phải là vốn, mà là việc sử dụng các nguồn vốn và cách thức phát triển hạ tầng giao thông chưa thực sự hợp lý, hiệu quả. Cần tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển, nhất là vốn ngân sách”.

Còn Chủ tịch BIDV cho rằng, cơ chế đánh giá giám sát và tăng cường hiệu quả dự án hạ tầng giao thông cần được thực hiện từ nhiều phía. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần rà soát, đánh giá và lựa chọn, quy hoạch các dự án hạ tầng giao thông hiệu quả và khả thi để thực hiện xã hội hóa giao thông.

Các dự án khó khăn, phức tạp cần sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thay vì nguồn vốn xã hội hóa thực hiện. Chủ đầu tư cần thận trọng trong tiếp cận và đánh giá hiệu quả, quy mô dự án dựa trên năng lực thực sự DN do các dự án hạ tầng giao thông là các dự án phức tạp, có thời gian hoàn vốn dài.

“Các NHTM tham gia tài trợ các dự án hạ tầng giao thông cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về an toàn rủi ro. Theo đó, cần sớm xây dựng các chính sách, định hướng cho tài trợ dự án hạ tầng giao thông như xác định cơ cấu tỷ lệ danh mục tín dụng dành cho hạ tầng giao thông; xây dựng các quy định tiêu chuẩn về đánh giá thẩm định riêng cho các dự án này, trong đó tập trung đánh giá thẩm định tính khả thi, khả năng hoàn vốn, năng lực tài chính, thi công và quản lý dự án của nhà đầu tư”, ông Bắc Hà nói.

Ông Nguyễn Tiến Đông khuyến nghị, cần công bố rộng rãi các dự án cần kêu gọi vốn đầu tư, tình hình triển khai thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư... Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, sát sao về tiến độ, chất lượng công trình để không xảy ra tình trạng công trình vừa đi vào hoàn thiện đã có hiện tượng bị lún, nứt..., đảm bảo dòng tiền của tổ chức tín dụng được sử dụng đúng mục đích, đúng nhu cầu.

“Bộ GTVT cần quan tâm và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực dự báo, làm tốt công tác quy hoạch. Đặc biệt, cần xây dựng trang thông tin điện tử để cập nhật và minh bạch hóa tất cả các thông tin đầu tư nói chung, những dự án do Bộ trực tiếp quản lý nói riêng”, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Tin bài liên quan