Hải An (HAH) tăng tốc “shopping” mùa biển động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) vẫn kiên định với kế hoạch mở rộng đội tàu.
Hải An (HAH) tăng tốc “shopping” mùa biển động

Mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu thuần 3.206 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.041 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và 89% so với thực hiện năm 2021. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 11.306 đồng. So với kế hoạch kinh doanh đặt ra, Công ty đã vượt 34% chỉ tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lợi nhuận.

Với kết quả này, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 29/3 tới, Hội đồng quản trị Vận tải và Xếp dỡ Hải An sẽ đề xuất phương án chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 50% (10% bằng tiền mặt và 40% bằng cổ phiếu), thay vì tỷ lệ 30% như kế hoạch trước đó.

Có thể nói, Hải An vừa trải qua hai năm thăng hoa nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Quy mô doanh thu lần lượt ghi nhận kỷ lục 1.955 tỷ đồng và 3.206 tỷ đồng trong năm 2021 và 2022, cao gấp hàng chục lần so với năm 2012. Tương tự, lợi nhuận từ con số 69 tỷ đồng năm 2012 leo dần lên 551 tỷ đồng và 1.041 tỷ đồng trong hai năm qua.

Theo Ban lãnh đạo Công ty, kết quả kinh doanh này là nhờ giá cước vận tải đường biển/giá cho thuê tàu tăng cao trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh và dịch bệnh, kéo theo dịch vụ cảng và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng. Lợi nhuận từ các công ty liên kết của Hải An cũng tăng hơn 50%.

Tuy nhiên, tại báo cáo thường niên 2022, mục tiêu kinh doanh năm 2023 của Công ty giảm mạnh, với doanh thu 2.698 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ tiêu này đều có sự điều chỉnh theo hướng thấp hơn so với Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 9/12/2022.

Ban lãnh đạo Công ty nhận định, thị trường vận tải biển đã hạ nhiệt từ tháng 7/2022 và sẽ còn kéo dài trong giai đoạn 2023 - 2025 do tiếp tục bị ảnh hưởng vì lạm phát cao trên thế giới (khiến sức mua suy giảm, nhà sản xuất có xu thế dịch chuyển nhà máy về gần nơi tiêu thụ để giảm chi phí logistics), chiến tranh Nga – Ukraine sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá cước vận chuyển quốc tế và nội địa đều có xu hướng giảm mạnh sau khi tạo đỉnh vảo nửa đầu năm 2022.

Giá cước vận chuyển quốc tế và nội địa đều có xu hướng giảm mạnh

sau khi tạo đỉnh vảo nửa đầu năm 2022.

Thực tế cho thấy, dù năm 2022, Hải An có kết quả kinh doanh khả quan nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm dần trong hai quý cuối năm.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, sau giai đoạn được hưởng lợi vì đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận tải biển và giá thuê tàu đã hạ nhiệt khoảng 50 - 75% so với mức đỉnh hồi quý III/2021. Ngoài ra, năm 2023, thế giới sẽ áp dụng thêm hai quy định về tiêu chuẩn khí thải và Hải An sẽ chịu thêm rủi ro giảm 10% công suất vận tải do các tàu phải giảm tốc độ để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Bối cảnh thị trường không ủng hộ

Khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra, Ban lãnh đạo Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã đẩy mạnh chiến lược mở rộng đội tàu để tận dụng cơ hội từ nhu cầu cũng như giá cước vận tải tăng cao. Năm 2021, Công ty đã mua thêm hai tàu cũ sản xuất năm 2008 từ Đức và Trung Quốc, nâng đội tàu lên 9 tàu container.

Năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục nâng đội tàu lên con số 11, bằng việc mua thêm hai tàu cũ sản xuất năm 2008 từ Nhật Bản, đồng thời đầu tư vào tàu ANBIEN BAY của công ty liên kết.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hải An cho biết, Công ty đã mua hai tàu cũ với tổng vốn đầu tư 53 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng) và sắp tới sẽ đóng thêm 3 tàu mới với giá trị 81 triệu USD (khoảng 1.910 tỷ đồng), thậm chí vẫn tiếp tục cân nhắc mua thêm tàu cũ nếu phù hợp.

“Việc mua thêm 3 tàu mới không ăn thua gì so với thị trường, nếu thị trường giảm sức cầu thì ngoài tự khai thác vận tải còn có thể cho thuê tàu”, ông Sơn nói thêm.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Vũ Ngọc Sơn khẳng định, kế hoạch mở rộng đội tàu sẽ không thay đổi.

“Những tàu đóng mới thì đã ký hợp đồng, đã đặt cọc và người ta đang đóng rồi. Thêm nữa là mình vẫn đang thiếu tàu do đội tàu của Hải An có 4 chiếc đã trên 20 năm tuổi nên sắp tới cần phải thay”, ông Sơn nói.

Khi được hỏi lãnh đạo Công ty có cân nhắc rủi ro khi mà việc tiếp tục đầu tư tàu diễn ra trong bối cảnh triển vọng ngành giảm sút và lãi suất ngân hàng tăng cao, Chủ tịch Hải An nói rằng, doanh nghiệp dự kiến vay 50 - 60% nguồn vốn đóng tàu, nhưng tháng 9/2023, ngân hàng mới giải ngân khoản đầu tiên, hiện doanh nghiệp đang sử dụng 40% từ nguồn tự có.

“Tất nhiên, bối cảnh kém thuận lợi thì lợi nhuận của Hải An cũng bị ảnh hưởng, vì thế, năm nay, chúng tôi chỉ đề ra con số lợi nhuận khoảng 300 tỷ đồng. Chỉ giảm lãi, chứ không lỗ được đâu”, ông Sơn khẳng định.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các công ty niêm yết trong ngành cảng biển như HAH, VOS, VFC khó duy trì biên lợi nhuận cao khi giá cước vận tải nội địa được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2023 do nhu cầu vận chuyển hàng hoá suy yếu vì lạm phát, suy thoái, chính sách tiền tệ thắt chặt và lượng cung tải tăng từ cuối năm 2022.

Số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, nguồn cung đội tàu container trên thị trường nội địa đã tăng 56% so với năm 2021 (hiện có 50 tàu), trong khi sản lượng hàng container tại thị trường nội địa năm 2022 giảm 10% so với cùng kỳ (đạt 2,76 triệu teus).

Hiện tại, Hải An đang sử dụng 4 tàu để cho thuê nhằm giải quyết việc dư cung tải. Tuy vậy, tính đến tháng 11/2022, giá cho thuê tàu định hạn đối với tàu 1.700 teus chỉ còn 14.000 USD/ngày, thấp hơn một nửa mức 30.000 USD/ngày đối với 2 hợp đồng sẽ kết thúc trong năm 2023 của Hải An.

Công ty Chứng khoán FPTS nhìn nhận, việc giá cước giảm khiến cho doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tàu mới trở nên kém hấp dẫn hơn và khó bù vào mức giá mua tàu cao mà trước đó doanh nghiệp đã thực hiện. Hơn thế, một lượng lớn tàu hết hạn hợp đồng quay trở lại hoạt động trong nước sẽ khiến nguồn cung đội tàu khai thác dư thừa và làm tăng nguy cơ giảm giá cước khi phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng trong năm tới.

Trong khi đó, để mở rộng đội tàu, Công ty phải tăng vay nợ, với giá trị vay mới trong năm qua là 716 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 286 tỷ đồng hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu từ mức 20% vào cuối năm 2020 đã tăng lên 37% vào cuối năm 2021 và 44% vào cuối năm 2022 và dự kiến tăng lên 66% trong năm 2023, sau khi doanh nghiệp phát hành xong 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, nâng tổng nợ vay lên 1.822 tỷ đồng.

Cơ cấu nợ vay của HAH.

Cơ cấu nợ vay của HAH.

Việc không ngừng mở rộng đầu tư trong bối cảnh triển vọng ngành kém sáng sủa, tăng sử dụng đòn bẩy khi lãi suất tăng cao (các khoản vay ngân hàng để mua tàu của doanh nghiệp có lãi suất khoảng 10%/năm) khiến Hải An có nguy cơ sa vào “bẫy tăng trưởng”.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, hiện tượng “bẫy tăng trưởng” xảy ra tại rất nhiều doanh nghiệp, thường do hai nguyên nhân: Một là từ nội bộ doanh nghiệp, doanh nghiệp quá phụ thuộc vào một ngành nghề, không đổi mới hoạt động, không đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường; nếu ngành đó giảm sút thì doanh nghiệp sẽ rơi vào bẫy tăng trưởng; hai là, doanh nghiệp tính toán sai lầm về thị trường nên kỳ vọng quá mức, đầu tư quá mức vào một lĩnh vực nào đó, ngay cả khi rủi ro đã xuất hiện.

Tin bài liên quan