Dòng tiền bị “tắc” ở nhiều dự án gây áp lực lên nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ trả nợ của Hải Phát Invest

Dòng tiền bị “tắc” ở nhiều dự án gây áp lực lên nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ trả nợ của Hải Phát Invest

Hải Phát Invest (HPX): Áp lực nợ vẫn muốn mua thêm dự án

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán HPX) có lãi trở lại và giảm bớt dư nợ trái phiếu, nhưng nợ ngắn hạn vẫn là áp lực lớn.

Cổ đông lớn thoái vốn

Từ thời điểm niêm yết trên HOSE năm 2018, Hải Phát Invest đã đưa ra tham vọng lớn với mục tiêu trở thành nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, với dự kiến nâng quỹ đất sạch từ 150 ha lên 10.000 ha tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa…

Dù quỹ đất sạch của Hải Phát Invest thời điểm lên sàn chỉ là 150 ha, nhưng ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đảm bảo cho kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 20 - 30% trong vòng 5 năm sau đó (lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 325,2 tỷ đồng).

Trước khi lên sàn, năm 2017, nhóm quỹ Dragon Capital đã quyết định rót vốn vào Hải Phát Invest khi ký kết hợp đồng đầu tư và chính thức trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ cổ phần tham gia là 15%, giá vốn đầu tư ban đầu dao động quanh mức 12.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, triển vọng của Hải Phát Invest kể từ năm 2020 không giữ được “màu hồng” khi kết quả kinh doanh sụt giảm và tính tới cuối tháng 11/2022, nhóm Dragon Capital đã thoái toàn bộ hơn 36,2 triệu cổ phiếu HPX. Tính theo giá đóng cửa là 9.100 đồng/cổ phiếu, cổ đông chiến lược này chấp nhận lỗ khoảng 30% với khoản đầu tư nắm giữ lên tới 5 năm.

Thời điểm Dragon Capital thoái vốn là giai đoạn Hải Phát Invest lâm vào khủng hoảng khi cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán liên tục bị bán tháo. Bên cạnh đó, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị bị bán giải chấp, khiến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu trong năm 2022 giảm từ hơn 40% xuống gần 19% và giảm xuống hơn 14% vào ngày 23/3/2023. Ngoài ra, cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch do doanh nghiệp chậm công bố thông tin liên quan đến báo cáo thường niên 2022, báo cáo tài chính quý I và II/2023. Về kết quả kinh doanh, trong năm 2022, Hải Phát Invest lỗ sau thuế hơn 60 tỷ đồng.

Cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023 của Hải Phát Invest bị hoãn tới tháng 10/2023, ông Đỗ Quý Hải vẫn được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng hầu hết thành viên Ban lãnh đạo đều từ nhiệm và được thay thế bởi nhóm cổ đông mới đến từ Công ty cổ phần Đầu tư Toàn Tín Phát, sau khi mạnh tay thâu tóm cổ phiếu HPX và nắm quyền chi phối.

Xoay xở dòng tiền

Dòng tiền bị “tắc” ở nhiều dự án gây áp lực lên nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ trả nợ của Hải Phát Invest

Năm 2023, Hải Phát Invest có lãi trở lại (127,4 tỷ đồng), nhưng dòng tiền hoạt động vẫn đang là vấn đề lớn, khi vốn bị “đọng” tại nhiều dự án do đầu tư dàn trải. Tổng cộng chi phí liên quan đến các khoản đặt cọc theo các hợp đồng hợp tác và ủy thác đầu tư của doanh nghiệp tới cuối năm 2023 là hơn 2.133 tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng tài sản, với khoảng 15 đối tác và dự án, đa phần là các dự án đầu tư dở dang.

Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính của Hải Phát Invest vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị kinh doanh khác là 517,7 tỷ đồng. Trong đó, hai khoản đầu tư đáng chú ý là gần 56 tỷ đồng vào Công ty TNHH BT Hà Đông và 113,4 tỷ đồng vào Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Đây được xem là hai khoản đầu tư không thành công của Hải Phát Invest tính đến thời điểm hiện tại. Trong khi dự án BT Hà Đông do liên danh Hải Phát - Văn Phú làm chủ đầu tư bị ách tắc vì phải rà soát lại hợp đồng theo yêu cầu của Bộ Tài chính và UBND TP. Hà Nội, thì khoản đầu tư vào Cienco 5 vướng tranh chấp liên quan đến Tập đoàn Mường Thanh tại dự án Thanh Hà B - Cienco 5, hiện vẫn chưa có hướng giải quyết.

Dòng tiền bị tắc ở các dự án gây áp lực lớn lên các nghĩa vụ tài chính như thuế, đặc biệt là khoản nợ lên tới hơn 2.290 tỷ đồng từ 7 lô trái phiếu phát hành năm 2021, khi Hải Phát Invest liên tục phải bổ sung tài sản đảm bảo cho các khoản trả nợ trái phiếu, bởi giá trị tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu nắm giữ của ông Đỗ Quý Hải trong nhiều lô trái phiếu phát hành suy giảm do giá cổ phiếu HPX lao dốc.

Trong năm 2023, mặc dù đàm phán gia hạn thành công 4 lô trái phiếu, nhưng Hải Phát Invest vẫn phải bán tài sản, thoái vốn tại công ty con và vay một số tổ chức như Vinaconex (222 tỷ đồng) với lãi suất lên tới 16%/năm để trả lãi trái phiếu, cũng như tất toán một số lô trái phiếu đến hạn.

Trong các khoản thoái vốn công ty con có Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang, giá theo hạch toán trong báo cáo tài chính là gần 500 tỷ đồng. HP Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư dự án TM1 thuộc dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập nằm ngay cửa sông Cái đổ ra biển Nha Trang, giáp cầu Trần Phú, vị trí được coi là “đất vàng” ở thành phố biển. Dự án TM1 có quy mô 8.111 m2, gồm 2 khối tháp cao 40 tầng (thương mại, condotel, khách sạn), với tổng vốn đầu tư 3.945 tỷ đồng.

Áp lực nợ ngắn hạn và kế hoạch M&A

Tính tới cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest là hơn 4.710 tỷ đồng, giảm gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu là giảm các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn (nhờ đàm phán gia hạn các lô trái phiếu và thanh lý tài sản). Tuy vậy, nợ phải trả ngắn hạn là 3.883,4 tỷ đồng, tương đương hơn 60% tài sản ngắn hạn. Trong khi đó, đa phần tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu ngắn hạn (các khoản hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư bị ứ đọng) và hàng tồn kho. Chiếm tỷ trọng lớn trong hàng tồn kho là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang (2.304,6 tỷ đồng so với hàng thành phẩm 675,8 tỷ đồng). Đặc biệt, lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm còn 24,7 tỷ đồng.

Cũng đến cuối năm 2023, Hải Phát Invest đã tất toán trước hạn 2 lô trái phiếu trị giá hơn 650 tỷ đồng, nhưng vẫn còn 1.640 tỷ đồng nợ trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2024.

Tại đại hội cổ đông cuối tháng 10/2023, ông Đoàn Hòa Thuận, Tổng giám đốc Hải Phát Invest cho biết, doanh nghiệp đang đẩy nhanh việc triển khai một số dự án tại Bắc Giang, Lạng Sơn, Bình Thuận, Phú Yên, Hòa Bình. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai cụ thể cũng như khả năng mang lại doanh thu của các dự án không được tiết lộ.

Trong khi tình hình tài chính chưa hết khó khăn, thì cuối tháng 12/2023, Hải Phát Invest bất ngờ thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 4,99 triệu cổ phiếu, tương ứng 99,8% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn, tổng giá trị nhận chuyển nhượng là 434,4 tỷ đồng. Dự kiến, đây là một trong những nội dung sẽ được cổ đông chất vấn tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024 của Hải Phát Invest dự kiến tổ chức ngày 26/4 tới.

Tin bài liên quan