Hiệu quả M&A: Thước đo từ thực tiễn

Hiệu quả M&A: Thước đo từ thực tiễn

(ĐTCK) Vài năm trở lại đây, số lượng các công ty mạnh tay chi tiền thâu tóm DN khác thông qua hình thức mua cổ phần chi phối không ngừng tăng. Trong số đó, có nhiều thương vụ đã mang lại giá trị vượt trội cho DN, nhưng không ít thương vụ mang lại vị “đắng ngắt” cho cả bên bán và bên mua.

CTCP Kinh Đô, mới đổi tên thành CTCP Tập đoàn Kido, được xem là một trong những DN luôn kiên trì với chiến lược phát triển bằng con đường mua bán và sáp nhập (M&A), đồng thời cũng là đơn vị nếm trải nhiều “ngọt, đắng” trong quá trình này.

Ngay từ năm 2003, khi khái niệm M&A còn khá xa lạ với hầu hết DN Việt Nam, Kinh Đô đã ghi dấu ấn bằng thương vụ mua lại Nhà máy sản xuất kem Wall’s của Unilever, thương hiệu chiếm hơn 50% thị trường kem Việt Nam lúc đó. Với bước đi này, 10 năm sau, Kido đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong làng kem tại Việt Nam. Dù gặp sự cạnh tranh của nhiều đối thủ mới, DN này vẫn giữ được vị thế “chiếu trên” trong phân khúc kem trung và cao cấp, với lợi nhuận duy trì đều đặn và chiếm trung bình khoảng 30% doanh thu toàn Tập đoàn.

Sau thương vụ mua kể trên, Kinh Đô thực hiện 2 thương vụ đầu tư vào Tribeco và Nutifood và phải nếm “quả đắng”.

Vào thời điểm mới cổ phần hóa, Tribeco là một trong những DN ngành tiêu dùng có vốn điều lệ lớn nhất trên HOSE và có sự phát triển vượt bậc so với những thương hiệu giải khát lớn của nước ngoài có mặt tại Việt Nam như Pepsi hay Coca-Cola. Tuy nhiên, sau khi lần lượt bị Kinh Đô và Uni-President thâu tóm, dù được đầu tư mạnh vào dây chuyền sản xuất với 2 nhà máy lớn ở Bình Dương và vươn ra miền Bắc với Tribeco Hưng Yên, nhưng kết quả là DN này vẫn “trượt dài”.

Tính từ quý IV/2008 tới cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 7/2012 lên đến 412 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng. Cuối tháng 8/2012, Đại hội cổ đông bất thường của Tribeco Sài Gòn đã tuyên bố giải thể DN.

Giám đốc điều hành một công ty chuyên tư vấn M&A cho rằng, trong thương vụ Tribeco, Kinh Đô chưa phát huy được hết thế mạnh. Đầu tiên, Kinh Đô chưa tận dụng tốt hệ thống phân phối của Tribeco cũng như hỗ trợ Công ty phát triển hiệu quả hơn thông qua hệ thống phân phối của mình.

Kế đến, do nắm ít cổ phần hơn đối tác là Uni President (35% so với 43%) nên Kinh Đô không đủ quyền tác động đến chiến lược kinh doanh của Tribeco, dẫn đến hoạt động kinh doanh không đi cùng hướng. Sau này, Tổng giám đốc Kinh Đô là ông Trần Lệ Nguyên cũng thừa nhận: “Kinh Đô gặp khó khăn trong vấn đề góp ý điều hành chiến lược”.

Tương tự, việc đầu tư vào Nutifood, thay vì mang lại cho Kinh Đô hiệu quả lớn, lại khiến Tập đoàn buộc phải thoái vốn và chấp nhận khoản lỗ hơn 71 tỷ đồng sau 5 năm. Lý giải về việc thoái vốn tại đây, lãnh đạo Kinh Đô từng cho biết do chiến lược phát triển của hai bên không còn nhất quán.

Từ trường hợp của Kinh Đô,  có thể thấy rõ việc hoạch định một kế hoạch hành động cẩn thận, chi tiết, chặt chẽ và kỷ luật trong suốt quá trình M&A có ảnh hưởng như thế nào tới thành công của thương vụ. Bản thân Kinh Đô dù thắng lợi với thương vụ kem, nhưng phần nhiều nhiều thương vụ khác lại không nhận được kết thúc có “hậu”.

Nhìn sang các vụ M&A do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, như Marico mua ICP – công ty sản xuất dầu gội X-Men; Unicharm mua Diana; SCG mua Prime Group…, dễ thấy các thương vụ này đều được trả giá rất cao, lên đến hàng trăm triệu USD, gấp vài chục lần lợi nhuận của DN tại thời điểm giao dịch.Trong hầu hết các thương vụ này, DN được mua lại đều đã có sự đột phá về kết quả kinh doanh. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã có sự tính toán rất kỹ khi trả giá tại Việt Nam.     

Diễn đàn M&A Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức từ năm 2009 đến nay.

Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện.

Tin bài liên quan