Giá đất tăng khiến việc đầu tư và mở rộng khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Dũng Minh

Giá đất tăng khiến việc đầu tư và mở rộng khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Dũng Minh

Hiệu ứng domino từ giá đất tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá đất được nhiều địa phương tăng mạnh không chỉ khiến giá nhà ở liên tục tăng, mà còn ảnh hưởng đến công tác đền bù giải tỏa mặt bằng cho các dự án giao thông, cũng như khó thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp…

Dự án giao thông bị ách tắc

Số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, giá đất mới được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân 15-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc tăng giá đất không chỉ khiến giá nhà ở liên tục tăng cao, mà còn ảnh hưởng tới nhiều hoạt động khác, trong đó có công tác đền bù giải tỏa mặt bằng cho các dự án giao thông.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (TCIP) nhấn mạnh rằng, khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính gây chậm trễ tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, hậu quả là không những không đảm bảo mục tiêu, hiệu quả đầu tư, gây lãng phí nguồn lực, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân trong khu vực dự án.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, TP.HCM hiện có gần 60 dự án hạ tầng chậm triển khai do vướng giải phóng mặt bằng. Đơn cử, dự án Xây dựng cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè dù đã được UBND TP.HCM phê duyệt quyết định đầu tư gần 20 năm trước (tháng 5/2001) nhưng đến nay mới thi công được 52,6% khối lượng công việc do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc, đầu tháng 7/2020, UBND huyện Nhà Bè đưa ra đề xuất mua 53 nền đất để bố trí tái định cư cho người dân trong diện giải tỏa và đề xuất này đang chờ ý kiến của lãnh đạo TP.HCM.

Hay như dự án Cầu Nam Lý (vốn đầu tư 857 tỷ đồng) cũng đang trong tình trạng đình đốn, khối lượng công việc thực hiện mới đạt khoảng 39%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành sau 1,5 năm, nhưng đã 3 năm trôi qua kể từ khi chính thức khởi công đến nay vẫn chưa hoàn thành

Tương tự, dự án Cầu Tăng Long tại TP. Thủ Đức cũng trong tình trạng đình trệ, nằm chờ mặt bằng. Dự kiến hoàn thành cuối năm 2019, nhưng đến nay, khối lượng thi công cầu Tăng Long mới đạt 30% và phải tạm dừng hơn 1 năm qua do vướng đền bù giải phóng mặt bằng cho 42 hộ dân trong khuôn viên dự án.

Ngoài ra, có thể kể đến cả loạt dự án hạ tầng khác đang bị chậm tiến độ như dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu vượt Bến xe Miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội, cầu Thủ Thiêm 2, đường Vành đai 2 - đoạn 3 (từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án đường Lương Định Của, đường Nguyễn Văn Hưởng, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa…

“Thông thường, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng được bố trí chiếm tới 2/3 tổng mức đầu tư dự án. Thế nhưng, nút thắt lớn nhất là không thống nhất được mức giá đền bù giữa người dân có đất bị thu hồi và Nhà nước. Tâm lý đòi giá cao và càng chây ỳ càng được giá của nhiều hộ dân khiến việc đền bù giải tỏa trở nên khó khăn hơn”, ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Ông Phúc cũng kỳ vọng, công tác giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới, khi Chính phủ đã cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM (Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020).

Dự án Cầu Long Đức (quận 9, TP.HCM) chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Việt Dũng

Dự án Cầu Long Đức (quận 9, TP.HCM) chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Việt Dũng

Khó mở rộng và thu hút đầu tư khu công nghiệp

Ngoài làm các dự án hạ tầng giao thông thêm phần ách tắc, một hệ lụy khác từ giá đất tăng là gây khó khăn hơn cho công tác mở rộng và kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp mới. Chi phí đất đai đầu vào tăng sẽ đẩy chi phí thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp tăng theo, tình trạng khan hiếm đất công nghiệp tại một số điểm nóng về thu hút đầu tư cũng trở nên căng thẳng hơn.

Chẳng hạn, TP.HCM không có thêm khu công nghiệp mới nào trong suốt 5 năm qua, nguyên nhân chủ yếu do quỹ đất công nghiệp khan hiếm, trong số hơn 26.000 ha đất nông nghiệp được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng cũng chỉ có khoảng 1.000 ha là đất công nghiệp, và đặc biệt là giá thuê quá cao.

Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy, giá thuê đất bình quân trong các khu công nghiệp tại TP.HCM là 147 USD/m2, cao hơn đáng kể so với các tỉnh lân cận như Bình Dương (107 USD/m2), Đồng Nai (98 USD/m2), Bà Rịa - Vũng Tàu (65 USD/m2)...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, những nơi còn ít quỹ đất công nghiệp như TP.HCM cần nâng cao chất lượng đầu tư công nghiệp, chứ không nên tập trung vào việc mở rộng diện tích đất, bởi vì quỹ đất cho TP.HCM phát triển khu công nghiệp có giới hạn, chi phí giải phóng mặt bằng cao, dẫn đến giá cho thuê cao là bất lợi khi cạnh tranh, nhất là khi hạ tầng giao thông tại các địa phương ngày càng hoàn thiện.

“Cần phải thay đổi tư duy phát triển TP.HCM từ địa giới hành chính cố định sang phát triển vùng và cũng cần định hướng phát triển công nghiệp tại Thành phố theo hướng công nghệ cao, sáng tạo, giảm dần công nghiệp thâm dụng lao động...”, ông Châu nêu quan điểm.

Hay như tại Đồng Nai, giá đất liên tục tăng trong hơn 3 năm qua, dẫn tới giá đất công nghiệp cũng tăng theo, từ đó khiến doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất e ngại vì lo chi phí đầu tư tăng cao. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Danh, Phó trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, giá đất cho thuê là do các chủ đầu tư khu công nghiệp quyết định, nếu phát hiện giá thuê quá cao, Ban quản lý chỉ có thể nhắc nhở điều chỉnh cho phù hợp mà không thể “làm căng”, bởi giá thuê được tính theo bảng giá đất UBND tỉnh đã ban hành.

Long An cũng là địa phương đang thu hút số lượng lớn doanh nghiệp về phát triển khu công nghiệp, song những khu vực giáp ranh với TP.HCM vẫn còn tình trạng người dân, “cò” đất mua đi bán lại, thổi giá đất lên cao, gây ảnh hưởng đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành phải có giải pháp điều chỉnh giá đất theo hướng vừa đáp ứng hài hòa lợi ích của người dân, chủ đầu tư và Nhà nước, vừa đảm bảo thu hút đầu tư vào địa phương này.

Tin bài liên quan