Đóng cửa vì hàng không có nguồn gốc xuất xứ
Thời gian gần đây xuất hiện thông tin cho rằng một số hộ, cá nhân kinh doanh đóng cửa, hoặc bán hàng cầm chừng tại các chợ của Hà Nội như: Ninh Hiệp, Đồng Xuân, Long Biên, La Phù, hoặc kinh doanh tại một số tuyến phố thương mại như phố Hàng Ngang, Hàng Đào (tập trung chủ yếu các mặt hàng vải, quần áo, mũ nón, bánh kẹo, đồ dùng cá nhân…) do phải áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP. Cơ quan thuế cho biết, cách hiểu này chưa chính xác.
Theo Chi cục Thuế khu vực I, căn cứ sổ bộ theo dõi cho thấy, số hộ kinh doanh ngừng nghỉ trong tháng 5, tháng 6 là 2.961 hộ kinh doanh, trong đó số hộ kinh doanh thuộc trường hợp phải sử dụng hoá đơn chỉ là 263 hộ (tỷ lệ 8,8%/số hộ ngừng nghỉ, chiếm 5% số hộ thuộc đối tượng phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền). Các chợ dân sinh, truyền thống về cơ bản kinh doanh bình thường, không có hiện tượng nghỉ kinh doanh lớn.
“Việc các hộ, cá nhân nghỉ kinh doanh chủ yếu là do vấn đề lo sợ hàng giả, không phải vấn đề về chính sách thuế, điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại buổi làm việc với TP. Hà Nội ngày 16/6/2025”, Chi cục Thuế khu vực I cho biết.
Việc các hộ, cá nhân đóng cửa, nghỉ kinh doanh chủ yếu là do vấn đề lo sợ hàng giả, không phải vấn đề về chính sách thuế.
Bình luận về hiện tượng này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, phần lớn các hộ, cá nhân ngừng kinh doanh trong thời gian qua không phải vì chính sách thuế, mà chủ yếu do tâm lý e ngại, hiểu chưa đầy đủ về các quy định mới; kết hợp với việc tăng cường quản lý hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu... của cơ quan quản lý thị trường.
“Cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền để hộ kinh doanh nắm được chủ trương, tuân thủ theo phương pháp quản lý mới, tránh gây hoang mang, hiểu lầm”, bà Cúc nói.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cũng đồng tình và cho rằng, hộ kinh doanh đóng cửa có nhiều nguyên nhân, như việc kinh doanh theo phương thức truyền thống hiện nay không còn phù hợp, nhiều người đã chuyển sang bán hàng online, phần khác là do tâm lý e ngại của tiểu thương do chưa hiểu thấu đáo chính sách thuế, sợ bị phạt, bị truy thu thuế nên đã đóng cửa ngừng kinh doanh.
“Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng tiểu thương đóng cửa có thể là sợ bị tịch thu hàng, do đây là các hàng hóa xưa nay không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Ngoài ra, các tiểu thương chưa hiểu thấu đáo về pháp luật thuế, nên tâm lý lo sợ là điều dễ hiểu”, ông Được nói.
Ông Được cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc hộ, cá nhân đóng cửa thời gian qua là do cơ quan chức năng đã tăng cường đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, các tiểu thương sợ bị tịch thu, xử phạt nên đã đóng cửa.
“Theo tôi, một mặt cần tiếp tục đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại, mặt khác cần tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ chính sách pháp luật thuế đến tiểu thương để họ hiểu đúng, từ đó có những hành xử phù hợp”, ông Được chia sẻ.
Chỉ khoảng 1% hộ kinh doanh phải áp dụng
Cục Thuế cho biết, hiện cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, trong đó có 37.000 hộ, chiếm khoảng 1% thuộc đối tượng phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Nếu chia trung bình thì cứ 100 hộ kinh doanh mới có 1 hộ phải áp dụng hóa đơn điện tử.
Cơ quan thuế chưa xử phạt hộ kinh doanh nào
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV sáng 19/6 về thông tin một số hộ kinh doanh đột ngột đóng cửa do chính sách thuế mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, phần lớn hộ kinh doanh lo sợ bị kiểm tra chất lượng hàng hoá trong đợt cao điểm chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, chứ không phải sợ bị phạt vì sai phạm hoá đơn điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ trưởng khẳng định ngành thuế "chưa phạt ai" vì hoá đơn điện tử.
Thông tin về tình hình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, Chi cục Thuế khu vực II cho biết, trong tháng 5/2025, thời điểm các cơ quan chức năng tăng cường chuẩn bị triển khai Nghị định 70/2025/NĐ-CP, trên địa bàn TP.HCM có 3.763 hộ kinh doanh ngừng hoạt động, hoặc đóng cửa. Tuy nhiên, chỉ có 440 hộ trong số này (chiếm 3,18%) thuộc diện có doanh thu trên 1 tỷ đồng và bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Điều này cho thấy phần lớn các hộ nghỉ kinh doanh không nằm trong diện bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo quy định.
Tương tự, trên địa bàn TP. Hà Nội, Chi cục thuế Khu vực I đang quản lý thuế trên 311.000 hộ, cá nhân kinh doanh. Trong đó, số hộ, cá nhân kinh doanh khoán có phát sinh doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên, thuộc đối tượng phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4.979 hộ, cá nhân kinh doanh, chỉ chiếm tỷ lệ 1,6% trên số hộ quản lý.
Chi cục Thuế khu vực I cho biết, chính sách thuế đối với hộ kinh doanh khi triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không hề thay đổi. Nghị định số 70 không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh. Việc áp dụng và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế trên doanh thu thực tế phát sinh, tạo môi trường sản xuất kinh doanh công bằng, minh bạch.
Về thông tin cơ quan thuế sẽ thực hiện truy thu phần thuế khoán cho thời gian trước, nếu doanh thu thực tế khi sử dụng hoá đơn cao hơn, Chi cục Thuế khu vực I cho biết, theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 40/2021/TT-BTC, thuế khoán được xác định dựa trên dữ liệu của cơ quan thuế kết hợp với tờ khai của hộ kinh doanh. Trường hợp, trong năm nếu có biến động doanh thu vượt quá 50% (tăng hoặc giảm), hộ kinh doanh có thể chủ động đề nghị điều chỉnh mức thuế. Sự điều chỉnh chỉ tính từ thời điểm có biến động trở về sau.
“Chi cục Thuế khu vực I mong muốn các hộ kinh doanh hiểu đúng chính sách thuế để làm đúng, làm tròn trách nhiệm với ngân sách nhà nước, cơ quan thuế sẽ tập trung quản lý doanh thu bán hàng của hộ, cá nhân kinh doanh theo từng ngành nghề, lĩnh vực để tính ra số thuế, đồng thời, cơ quan thuế khuyến cáo tới hộ, cá nhân kinh doanh lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh để đảm bảo hàng hóa đủ điều kiện lưu thông, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ… góp phần vào chủ trương chung với mục tiêu chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của Chính phủ”, Chi cục Thuế khu vực I khuyến cáo.
Được biết, trước thời điểm Nghị định số 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực, Chi cục Thuế khu vực I đã tích cực tập trung triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành để hộ kinh doanh hiểu và làm đúng chính sách pháp luật. Với tinh thần tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn là trọng tâm ưu tiên, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều hộ kinh doanh còn bỡ ngỡ, chưa làm quen với chính sách mới và công nghệ mới, cơ quan thuế chưa đặt ra vấn đề xử lý, xử phạt. Tuy nhiên, đối với các trường hợp cố tình vi phạm thì cơ quan thuế sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.