Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Hạ giá, giảm khối lượng phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.300 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Hạ giá, giảm khối lượng phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.300 tỷ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi không thể phát hành 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG - sàn HoSE) muốn hạ giá và giảm khối lượng phát hành riêng lẻ để huy động 1.300 tỷ đồng với mục đích trả nợ, cơ cấu lại nợ và bổ sung vốn lưu động.

Cụ thể, ngày 10/8, Hoàng Anh Gia Lai đã chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến từ ngày 14/8 đến ngày 27/9. Trong đó, đáng chú ý có nội dung xin ý kiến về phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Công ty cho biết, sẽ chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.300 tỷ đồng, đối tượng huy động là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dự kiến triển khai sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận.

Nếu so với giá đóng cửa ngày 22/8 là 8.990 đồng/cổ phiếu, ước tính giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ đang cao hơn 11,23% so với giá thị trường.

Mục đích huy động vốn của Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: HAG)

Mục đích huy động vốn của Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: HAG)

Số tiền huy động, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng 700 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con của Công ty là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; 323 tỷ đồng thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do Công ty phát hành ngày 18/6/2012, có mã trái phiếu là HAG2012.300; và còn lại 277 tỷ đồng cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho Công ty con là CTCP Gia Súc Lơ Pang.

Nhà đầu tư từ chối mua 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng/cổ phiếu

Trước đó, ngày 17/4/2023 là ngày kết thúc đợt chào bán riêng lẻ đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua ngày 17/1/2023. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai đã không hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo quy định.

Công ty lý giải nguyên nhân không chào bán thành công do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối chào mua.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, mục đích ban đầu đợt huy động vốn để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu. Tuy nhiên, không hoàn thành đợt chào bán, vì vậy Công ty thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn.

Đầu tiên, Công ty sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời, sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đầu tư sản xuất.

Thứ hai, Công ty sử dụng nguồn tiền từ việc thu nợ nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.

Được biết, trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch đăng ký chào bán 161.904.760 cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2022.

Số tiền huy động, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng gần 800 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang; và 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016 với mã HAGLBOND16.26.

Như vậy, so với kế hoạch cũ, kế hoạch phát hành mới đã giảm giá chào bán từ 10.500 đồng/cổ phiếu xuống còn 10.000 đồng/cổ phiếu và đồng thời, hạ khối lượng chào bán từ 161,9 triệu cổ phiếu, xuống còn 130 triệu cổ phiếu.

Thoát lỗ quý II nhờ mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 1.450,01 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 101,61 tỷ đồng, giảm 61,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,3%, xuống còn 12,8%.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ 258,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 159,79 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý II, lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, Công ty thoát lỗ chủ yếu do nghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết cho biết lợi nhuận khác tăng đột biến chủ yếu do lãi từ giao dịch mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven.

Được biết, ngày 1/4/2023, Hoàng Anh Gia Lai đã mua cổ phần nâng sở hữu lên 98% vốn tại Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 3.146,99 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 404,99 tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặc dù có lãi trong nửa đầu năm 2023 nhưng tới 30/6/2023, Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn lỗ lũy kế 2.946,77 tỷ đồng, bằng 31,8% vốn điều lệ và ghi nhận lỗ tỷ giá hối đoái thêm 1.431,39 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai mới hoàn thành 35,8% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8, cổ phiếu HAG tăng 420 đồng lên 8.990 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan