Hoàng Anh Gia Lai (HAG) muốn xử lý lỗ lũy kế bằng vốn thặng dư

0:00 / 0:00
0:00
Nếu được cổ đông cho phép xử lý lỗ lũy kế bằng phần vốn thặng dư, cấu trúc tài chính của CTCP Hoàng Anh Gia Lai sẽ trở nên lành mạnh hơn, tránh xa nguy cơ rời sàn bắt buộc.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) muốn xử lý lỗ lũy kế bằng vốn thặng dư

Xử lý lỗ lũy kế bằng thặng dư vốn cổ phần

Theo nội dung Nghị quyết được Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán HAG: HOSE) thông qua mới đây, doanh nghiệp này sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 9/2021 về nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế.

Mặc dù HAGL chưa công bố phương án cụ thể về kế hoạch này, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 vừa được công bố cho thấy, tính tới ngày 30/6/2021, lỗ lũy kế của Công ty là gần 7.549 tỷ đồng, tăng thêm 1.247 tỷ đồng so với đầu năm.

HAGL mới bắt đầu ghi nhận khoản lỗ lũy kế lớn từ cuối năm 2020, sau khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với giá trị lỗ lũy kế là 5.086 tỷ đồng. Tiếp đó, tại báo cáo sau kiểm toán, khoản lỗ này được đẩy lên 6.302 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù trong nửa đầu năm 2021, HAGL ghi nhận lãi sau thuế 18,3 tỷ đồng, nhưng khoản lỗ lũy kế của Công ty lại tiếp tục tăng. Mặc dù không đưa ra lời giải thích cho vấn đề này, nhưng có thể hiểu, HAGL đang tiếp tục sử dụng nghiệp vụ giống với cách làm tại báo cáo tài chính quý IV/2020.

Cần nhắc lại, việc ghi nhận giá trị khoản lỗ lũy kế cao một cách bất ngờ này từng thu hút sự quan tâm của giới tài chính hồi đầu năm nay, sau khi HAGL công bố các báo cáo tài chính quý IV/2020 có sự chênh lệnh giữa kết quả kinh doanh với khoản lỗ lũy kế. Theo giải thích từ Công ty, trong năm 2020, Ban Tổng giám đốc HAGL đã rà soát lại số liệu quá khứ liên quan đến ước tính và dự phòng giá trị thu hồi các khoản phải thu và thực hiện điều chỉnh hồi tố.

Quay lại kế hoạch xóa lỗ lũy kế, cũng theo báo cáo tài chính quý II/2021, thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 30/6/2021 của HAGL là 3.264 tỷ đồng.

Theo Thông tư 19/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính, thặng dư vốn cổ phần là một khoản chênh lệch về mệnh giá của cổ phiếu so với giá phát hành, thặng dư vốn cổ phần còn gọi là thặng dư vốn trong công ty cổ phần, được hình thành từ phát hành thêm cổ phần và thặng dư sẽ chuyển sang cổ phần, sau chuyển vào vốn đầu tư chính chủ sở hữu trong tương lai.

Nếu sử dụng toàn bộ số thặng dư này, lỗ lũy kế của HAGL sẽ giảm xuống còn khoảng 4.285 tỷ đồng.

Đạt nhiều lợi ích nếu thành công

Về bản chất, việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế chỉ là một bút toán và cũng đã được nhiều doanh nghiệp niêm yết sử dụng trong những năm qua. Khi thực hiện bút toán này, quyền lợi của cổ đông, nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp không có gì thay đổi.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp cũng từng sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xóa sạch lỗ lũy kế, bút toán này có ý nghĩa quan trọng trong việc làm lành mạnh báo cáo tài chính.

“Nếu thành công với phương án này, doanh nghiệp sẽ tạo cho mình một bức tranh tài chính tổng thể sạch sẽ, tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu, tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn”, vị này cho hay.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý của HAGL là, với tốc độ tăng lỗ lũy kế như thời gian qua, thì lỗ lũy kế của HAGL đang cách vốn điều lệ không còn xa. Cụ thể, vốn điều lệ tại thời điểm 30/6/2021 của HAGL là 9.275 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế gần 7.549 tỷ đồng.

Nếu lỗ lũy kế cao hơn vốn điều lệ, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ thuộc diện huỷ bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020-NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo nội dung tâm thư gửi cổ đông gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn HAGL cho biết, việc tái cơ cấu tài chính của HAGL đã hoàn thành về cơ bản. Theo đó, tình hình nợ xấu của Tập đoàn đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn chủ yếu khoản nợ trái phiếu của Ngân hàng BIDV.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, sau nửa đầu năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai đã giảm được 14.263 tỷ đồng nợ vay, xuống còn 12.975 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 4.802 tỷ đồng, nợ dài hạn 8.173 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2021 còn 1.485 tỷ đồng, giảm 83% so với đầu năm; vay dài hạn cũng giảm đáng kể, từ 9.331 tỷ đồng, xuống còn hơn 6.794 tỷ đồng.

Ông Đức cho biết, HAGL đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để hoàn tất trả nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025.

Tin bài liên quan