Hội nhập chứng khoán, cần chuẩn bị đón khách

Hội nhập chứng khoán, cần chuẩn bị đón khách

(ĐTCK) Việt Nam và Trung Quốc khi mở cửa ngành chứng khoán sau khi gia nhập WTO đều có ngành chứng khoán nội địa đang gặp khó khăn và toàn ngành đứng trước áp lực phải tái cấu trúc. Do đó, xem lại kinh nghiệm của nước láng giềng có thể có một số gợi ý hữu ích cho Việt Nam.

"Dọn nhà, đón khách"

Áp lực củng cố lại (consolidation) ngành chứng khoán Trung Quốc diễn ra trùng với thời điểm Trung Quốc bắt đầu gia nhập WTO (năm 2001). Áp lực này xuất phát từ vấn đề nội tại hơn là từ cạnh tranh của các CTCK nước ngoài, vì đến năm 2004 cũng mới chỉ có 4 CTCK liên doanh của Trung Quốc với nước ngoài, trong đó 2 công ty được thành lập từ trước năm 2011.

Do đó, tình trạng thua lỗ của các CTCK Trung Quốc vào đầu những năm 2000 xuất phát từ sự yếu kém trong khả năng quản lý của các CTCK, chứ không phải từ sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài mới gia nhập thị trường "hậu" WTO.

Theo một báo cáo đầu năm 2011 của Nomura Research Institute, do thị trường đi theo xu thế giảm trong năm 2001 (tương tự trường hợp Việt Nam hiện nay), kết hợp với khả năng quản lý yếu kém của nhiều CTCK thời điểm đó đã tạo ra cảnh hầu như toàn ngành cùng lỗ kéo dài đến năm 2005. Kết quả là Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CRSC) phải áp đặt một giải pháp tái cấu trúc là "xếp đặt" cho các công ty yếu kém được đặt dưới quyền quản lý hoặc bị sáp nhập vào các công ty có tình hình tài chính vững mạnh hơn.

Báo cáo của Nomura Research Institute cho biết, có khoảng 30 CTCK yếu kém đã bị sáp nhập vào các công ty khác bằng những hình thức như vậy và số công ty còn tồn tại là 104 công ty vào cuối năm 2006.

Như vậy, do tình trạng đặc thù của mình, sau khi gia nhập WTO, công việc đầu tiên của ngành chứng khoán Trung Quốc không phải là cạnh tranh với nước ngoài, mà chính là phải đi "dọn dẹp" nhà cửa của mình để "đón khách" và quá trình này kéo dài khoảng 5 năm sau khi gia nhập WTO. Trong quá trình đó cũng chỉ có 4 CTCK dưới hình thức liên doanh với nước ngoài được thành lập mới.

 

Mở toang hay khép hờ?

Việc Trung Quốc mở cửa ngành chứng khoán và quản lý quỹ cho nước ngoài không đồng nghĩa với việc họ mở toang cửa, mà chỉ là "khép hờ" mà thôi. Thực tế, vẫn có nhiều giới hạn kỹ thuật trong việc mở cửa này (mà Việt Nam có thể tham khảo), bao gồm việc chỉ cho phép các CTCK nước ngoài thực hiện một số dịch vụ như bảo lãnh phát hành, chứ không cho phép thực hiện việc đầu tư và giao dịch các cổ phiếu và trái phiếu bảo lãnh trên thị trường thứ cấp, đồng thời đặt ra một số rào cản kỹ thuật như đòi hỏi về vốn cho từng loại dịch vụ cung cấp, số chi nhánh. Vì vậy, Trung Quốc mở cửa thì "khách nước ngoài" vào nhà, nhưng không phải muốn làm gì cũng được.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, sự khác biệt văn hóa mới là rào cản lớn nhất. Trong một thị trường mà vấn đề quan hệ được đặt lên trên kỹ năng và kinh nghiệm của đối tác, các thương vụ bảo lãnh phát hành giữa một CTCK có vốn nước ngoài cho một công ty phát hành nội địa ở Trung Quốc là không dễ dàng.

Các công ty liên doanh trong lĩnh vực chứng khoán của Trung Quốc

Năm thành lập

Công ty

Đối tác nước ngoài

7/1995

China International Capital Corporation

TRG Asia V Delaware L.P.

KKR Instituton Investments L.P.

Mingly Corporation

Quỹ đầu tư của chính phủ Singapore

4/1996

Everbright Securities

China Everbright Limited

2/2002

BOC International

BOC International Holdings

4/2003

CLSA Capital Markets

Fortune CLSA Securities

9/2004

Daiwa SMBC-SSC Securities

Daiwa Securities SMBC

12/2004

Goldman Sachs (Asia)

Goldman Sachs Gaohua Securities

12/2006

UBS, IFC

UBS Securities

10/2008

Credit Suisse

Credit Suisse Founder Securities

7/2009

Deutsche Bank

Zhong De Securities

5/2011

Royal Bank of Scotland

Huaying Securities

6/2011

Morgan Stanley

Morgan Stanley Huaxin Securities

6/2011

JPMorgan Chase

First Capital JPMorgan Securities

6/2011

Citi Group

Citi Orient Securities

Nguồn: Mainland China Securities Survey 2011, KPMG

Vì những khác biệt trong văn hóa kinh doanh, triết lý kinh doanh trong hoạt động bảo lãnh phát hành và nhiều hoạt động khác trong cùng một CTCK có thể khác nhau giữa đối tác nước ngoài và đối tác trong nước. Trường hợp có sự xung đột, bên nội địa trong liên doanh sẽ dễ chèn ép đối tác, vì các công ty nước ngoài chỉ được sở hữu một tỷ lệ nhỏ hơn trong liên doanh.

Tình trạng "đồng sàng, dị mộng" của các liên doanh trong lĩnh vực chứng khoán Trung Quốc đã được báo chí nước ngoài nói bóng nói gió tới trong những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011. Những chuyện như vậy ở Việt Nam cũng đã xảy ra, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà gần đây nhất là trong lĩnh vực ngân hàng với những đối tác chiến lược nước ngoài tham gia. Đối với các CTCK Việt Nam, khi rước một khách ngoại về làm bạn cùng nhà, tình trạng này cũng có thể xảy ra.

 

Miếng bánh bảo lãnh phát hành: ngon nhưng không dễ ăn

Khi một công ty tuyên bố gia nhập một liên doanh trong lĩnh vực chứng khoán ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, lý do thường được nêu ra cho việc thâm nhập là: thị trường khổng lồ cho dịch vụ phát hành, bao gồm cả phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Chẳng hạn, vào giữa năm 2011, khi Citigroup được chấp thuận tham gia liên doanh với Orient Securities, tờ Financial Times giật tít là "Citigroup nhắm tới một phần miếng bánh thị trường IPO Trung Quốc", cho thấy nguyên nhân chính của việc thâm nhập ngành chứng khoán Trung Quốc của những tập đoàn lớn như Citigroup, UBS, RBS, Morgan Stanley và JP Morgan trong thời gian gần đây ở nước này là nhắm tới thị trường phát hành hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Chẳng hạn, trong năm 2010, có hơn 300 công ty Trung Quốc phát hành lần đầu (IPO) ra công chúng để huy động hơn 80 tỷ USD, gấp đôi con số của thị trường Mỹ. Do tình hình thắt chặt tiền tệ trong nền kinh tế, nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc những năm gần đây cũng tăng cao, khiến miếng bánh này hấp dẫn với các ngân hàng đầu tư và công ty môi giới nước ngoài.

Tuy "ngon lành" như vậy, nhưng muốn ăn miếng bánh này không dễ. Thông tin của tờ Financial Times cho biết, trong số hơn 300 thương vụ IPO của Trung Quốc năm 2010, công ty nhiều danh tiếng, kinh nghiệm như UBS Securities cũng chỉ tham gia bảo lãnh phát hành có 2 thương vụ, trong khi nhiều công ty liên doanh khác không kiếm được thương vụ nào.

Mặc dù vậy, ở thị trường Hồng Kông, nơi mà các công ty Trung Quốc xem như cơ hội để huy động vốn quốc tế, thì những công ty lớn như Goldman Sachs và UBS vẫn có lợi thế. Chẳng hạn như Goldman Sachs kiếm hơn 2 tỷ USD tiền phí bảo lãnh phát hành cho các công ty Trung Quốc ở Hồng Kông trong quý I/2011.

Hội nhập chứng khoán, cần chuẩn bị đón khách ảnh 1

Lời kết

Chuyện hội nhập của ngành chứng khoán Trung Quốc có một vài gợi ý cho Việt Nam. Thứ nhất, hội nhập không có nghĩa là ngay lập tức CTCK nội địa sẽ mất ngay thị phần. Rào cản kỹ thuật của Nhà nước và rào cản về văn hóa kinh doanh sẽ là một trở lực lớn đối với các công ty nước ngoài.

Thứ hai, các CTCK nước ngoài sẽ chỉ thật sự tham gia khi mà họ thấy được mảng thị trường tiềm năng. Trong giai đoạn ngành chứng khoán Trung Quốc khó khăn và thua lỗ (2001 - 2004), số công ty nước ngoài tham gia thị trường khá hạn chế. Chỉ khi thị trường phát hành khởi sắc và Trung Quốc trở nên "nóng" trong những năm gần đây, thì nhiều ngân hàng đầu tư lớn của nước ngoài mới nỗ lực xâm nhập thị trường.

Trong điều kiện hiện nay của dòng vốn quốc tế và tình trạng hiện tại của TTCK Việt Nam, cũng như sức hút của các thương vụ IPO trong nước, có thể dự đoán là trong ngắn hạn, số CTCK mạnh của nước ngoài thật sự quan tâm tới Việt Nam có lẽ không quá nhiều. Khi TTCK và nền kinh tế Việt Nam "nóng" trở lại, sức ép cạnh tranh từ bên ngoài mới tăng lên.

Thứ ba, sự tham gia của các CTCK nước ngoài mở ra một cầu nối để các công ty muốn phát hành mới có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế hơn, trong khi các CTCK nội địa vẫn có lợi thế trong các thương vụ bảo lãnh phát hành và tư vấn trong nước.

Đây sẽ là điều kiện tốt cho các công ty đại chúng hoặc muốn chuyển thành đại chúng tìm kiếm nguồn vốn, nhưng cũng sẽ tạo sức ép đổi mới cho toàn bộ thị trường niêm yết trong nước và CTCK nội địa để cạnh tranh với mảng thị trường niêm yết ở nước ngoài. Hy vọng điều này về lâu dài sẽ nâng chất lượng các thương vụ bảo lãnh phát hành và công bố thông tin của công ty đại chúng trong nước, cũng như chất lượng tư vấn của công ty nội địa.

Những điểm trên cho thấy, hội nhập chỉ làm tăng sức ép cạnh tranh và không giúp giải quyết tình trạng rối rắm nội tại của ngành chứng khoán trong nước. CTCK và công ty quản lý quỹ nước ngoài, chủ yếu đóng vai trò khách đến tham gia cuộc vui.

Nếu căn nhà không được dọn dẹp ngăn nắp, người nước ngoài sẽ chỉ đứng xem, chứ không vào chơi. Nhưng khi nhà mình vừa ngăn nắp, đẹp đẽ và có món ngon, họ sẽ đến để chia phần bánh. Cửa nhà đã mở, do đó phải chuẩn bị đón khách - cũng là đối thủ cạnh tranh - bất cứ lúc nào.