Hồi phục trên diện rộng, rủi ro ngắn hạn vẫn duy trì

Hồi phục trên diện rộng, rủi ro ngắn hạn vẫn duy trì

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh nhịp hồi mang tính chất ngắn hạn và chưa thể bảo đảm cho xu hướng tăng quay trở lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán đáng quan tâm đầu tư bởi triển vọng kinh doanh tiếp tục tăng trưởng.

Nhịp hồi mang tính chất ngắn hạn

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua có độ nhạy cao với thị trường chứng khoán thế giới. Diễn biến trong tuần chuyển từ trạng thái tiêu cực sang tạo đáy ngắn hạn và tăng giá trở lại, VN-Index đóng cửa tại 1.076,78 điểm, tăng 1,5% so với cuối tuần trước đó và tăng hơn 2% so với mức điểm khi mở cửa đầu tuần.

Trong tuần, VN-Index tạo đáy ngắn hạn tại vùng 1.020 điểm rồi bật tăng, cùng với thanh khoản được cải thiện. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức trung bình 20 ngày.

Tâm lý thị trường được giải tỏa phần nào nhờ Fed công bố tạm dừng nâng lãi suất, giúp đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt. Mặt khác, đà giảm của thị trường đã quá đà khi VN-Index mất hơn 20% giá trị, từ vùng 1.250 điểm xuống vùng 1.020 điểm mà không có nhịp hồi phục tích lũy nào đáng kể. Do đó, khi tâm lý bị nén được giải tỏa và nền giá cổ phiếu trở nên rẻ hơn trước nhiều, nhịp hồi phục kỹ thuật đã được kích hoạt. Mặc dù vậy, nhịp hồi này mang tính chất ngắn hạn và chưa thể bảo đảm cho xu hướng tăng quay trở lại.

Xét về dòng tiền, nhóm tài nguyên cơ bản, ngân hàng và bảo hiểm đóng cửa tuần trong sắc xanh, còn viễn thông, bán lẻ và hóa chất ghi nhận giảm điểm trong tuần qua. VCB, HPG, GAS là các mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index; ngược lại, VHM, MWG, SAB ảnh hưởng đến chỉ số. Khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên 400 tỷ đồng (riêng mã VHM bán ròng 1.500 tỷ đồng). Khối tự doanh mua ròng 300 tỷ đồng, tập trung vào HPG, SSI, HDB, MBB…

Nhóm chứng khoán tiếp tục có động lực tăng trưởng

Về phương diện định giá, chúng tôi nhận thấy, sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết đã dẫn đến EPS của VN-Index suy giảm, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, khiến mức định giá của thị trường bị đẩy lên cao và dòng vốn ngoại có xu hướng rút ròng. Mặc dù kết quả kinh doanh quý III vừa qua cho thấy xu hướng giảm lợi nhuận của toàn thị trường đã chững lại, nhưng tâm lý chung trên thị trường vẫn khá tiêu cực.

Kết quả kinh doanh quý III của Top 20 công ty chứng khoán hàng đầu đáng chú ý khi ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 42,7% so với quý II và 101,3% so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính: một là, mức tăng tốt của thị trường chứng khoán trong quý III, VN-Index tăng 8,4% so với quý II và tăng 28,3% so với cùng kỳ; hai là, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể, giá trị khớp lệnh trung bình trong quý III đạt 20.000 tỷ đồng/phiên, tăng 46,4% so với quý II và tăng 101,2% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu lợi nhuận gộp quý III của các công ty chứng khoán, mảng cho vay ký quỹ vẫn đóng góp lớn nhất, với tỷ trọng 41%. Tính chung, trong số các công ty chứng khoán niêm yết, mảng này ghi nhận mức tăng 15% so với quý II, sau 3 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Mảng tự doanh tiếp tục có kết quả tốt nhờ vào sự phục hồi của thị trường, với tỷ trọng đóng góp vào tổng lợi nhuận gộp đạt 34%. Mảng môi giới tăng 71% so với quý II...

Định giá của nhóm ngành chứng khoán đã về vùng tương đối hấp dẫn. Với mức nền thấp của quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023, cùng với đó là thông tin hệ thống KRX dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm sẽ là động lực đáng kể cho sự tăng trưởng của nhóm ngành chứng khoán trong thời gian tới. Các cổ phiếu chứng khoán đa phần đang có mức P/B dưới trung bình 3 năm, thị giá đã giảm về vùng hỗ trợ mạnh và có triển vọng kinh doanh tích cực trong trung và dài hạn.

Tin bài liên quan