Hơn 60% hoạt động tiền điện tử bất hợp pháp có liên quan đến các nhóm bị trừng phạt hoặc tổ chức khủng bố

Hơn 60% hoạt động tiền điện tử bất hợp pháp có liên quan đến các nhóm bị trừng phạt hoặc tổ chức khủng bố

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một báo cáo mới từ Công ty phân tích Chainalysis, các thực thể bị trừng phạt đang tiếp tục dựa vào tiền điện tử để gây quỹ.

“Báo cáo tội phạm tiền điện tử năm 2024” của Chainalysis cho thấy, có 24,2 tỷ USD tiền điện tử bất hợp pháp đã được chuyển thông qua các ví tiền điện tử bất hợp pháp được xác định vào năm 2023.

Mặc dù con số này cho thấy mức giảm so với năm 2022, nhưng Chainalysis lưu ý rằng có tỷ lệ tiền cao hơn nhiều được chuyển cho những người nhận bị trừng phạt hoặc có liên quan đến khủng bố, khi chiếm tới khoảng 61,5% tổng khối lượng giao dịch bất hợp pháp vào năm 2023.

Andrew Fierman, người đứng đầu chiến lược trừng phạt tại Chainalysis cho biết: “Các tác nhân bị trừng phạt thường bị cắt khỏi hệ thống tài chính truyền thống quốc tế và tiền điện tử có thể trở thành một cơ chế thay thế cố gắng để lưu trữ, gửi và nhận tiền”.

Sử dụng tiền điện tử để tránh các lệnh trừng phạt

Các thực thể như máy trộn tiền điện tử (mixer - phần mềm che giấu lịch sử và nguồn gốc của tài sản tiền điện tử được gửi qua chúng) Tornado Cash và Garantex đã chiếm phần lớn tiền bất hợp pháp vào năm 2023. Tornado Cash đã bị xử phạt vào tháng 8/2022 vì vai trò của họ trong việc rửa tiền điện tử bị nhóm hacker Lazarus Group đánh cắp. Sàn giao dịch Garantex có trụ sở tại Nga đã bị xử phạt vào tháng 4/2022 vì liên kết với các tác nhân bất hợp pháp, bao gồm cả các nhóm ransomware.

Số lượng tiền điện tử được chuyển đến các thực thể bị trừng phạt đã tăng lên trong những năm gần đây cùng với việc ngày càng có nhiều hạn chế thương mại mới chỉ định ví tiền điện tử.

Vào năm 2023, danh sách trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Mỹ đã áp đặt tổng cộng 18 lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân và tổ chức, bao gồm cả các ví tiền điện tử liên quan.

Ít nhất có 9 trong số các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và tổ chức trên khắp Trung Quốc và châu Mỹ Latinh vì vai trò của họ trong việc sản xuất và buôn bán fentanyl. Trong khi đó, 5 lệnh trừng phạt nhắm vào các thực thể được cho là đã vi phạm lệnh trừng phạt liên quan tới Triều Tiên.

Đơn vị nhận tiền điện tử hàng đầu được thêm vào danh sách trừng phạt năm ngoái là Sinbad.io – một máy trộn Bitcoin đã ngừng hoạt động vào tháng 11/2023 – khi đã nhận được 665,4 triệu USD tiền điện tử từ Lazarus Group.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đã cho thấy khả năng làm chậm dòng tiền điện tử đến các mục tiêu. Theo Chainalysis, dòng tiền vào hàng tháng của Tornado Cash đã giảm tới 93% ngay sau khi được đưa vào danh sách của Mỹ. Mặc dù công ty lưu ý rằng dòng tiền vào sẽ dần phục hồi từ mức thấp đó trong những tháng tiếp theo.

Trong số các quốc gia bị trừng phạt, Iran là nước nhận tiền qua kênh này lớn, với 73,3% dòng vốn đến từ các sàn giao dịch chính thống quốc tế cho thấy các dịch vụ này có thể được sử dụng để lách các lệnh trừng phạt.

Hỗ trợ tài chính cho tổ chức khủng bố

Khối lượng tiền điện tử bất hợp pháp được Chainalysis xác định là tài trợ khủng bố chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với giao dịch cho các thực thể bị trừng phạt vào năm 2022.

Chainalysis lập luận rằng, trái với niềm tin phổ biến, tiền điện tử không phải là một công cụ hiệu quả để tài trợ cho khủng bố vì blockchain cho phép truy tìm nguồn tiền ở mức độ chi tiết thường không có trong tài chính truyền thống.

“Bản chất minh bạch của tiền điện tử kết hợp với phân tích blockchain cung cấp một công cụ pháp lý vô giá giúp các chính phủ xác định, theo dõi và phá vỡ dòng tiền – điều không thể thực hiện được với các hình thức chuyển giá trị khác, đặc biệt là tiền mặt”, ông Andrew Fierman cho biết.

Báo cáo cho biết, bất chấp những trở ngại này, các tổ chức khủng bố vẫn tiếp tục cố gắng sử dụng tiền điện tử để nhận tiền, triển khai mạng lưới trao đổi tiền điện tử và nhà cung cấp dịch vụ phức tạp.

“Dữ liệu cũng cho thấy rằng khi việc sử dụng tiền điện tử của các tác nhân bất hợp pháp tiếp tục phát triển, các cơ quan xử phạt như OFAC đang liên tục phát triển các phương pháp để xác định những tác nhân này và làm gián đoạn hoạt động của chúng”, ông Andrew Fierman cho biết.

Chainalysis cho biết, mặc dù tài trợ khủng bố chỉ là “một phần nhỏ” trong hoạt động tiền điện tử bất hợp pháp, nhưng nó vẫn gây ra “mối lo ngại thường trực” trong hệ sinh thái.

Báo cáo cho biết, cần tăng cường quan hệ đối tác công và tư để giúp củng cố những nỗ lực này và giải mã giữa các tác nhân bất hợp pháp và các khoản tiền được gửi đến các khu vực xung đột vì những lý do chính đáng.

Tin bài liên quan