Lượng tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng duy trì ở mức cao

Lượng tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng duy trì ở mức cao

Hợp lưu của 2 dòng tiền trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có được sự hợp lưu của dòng tiền mặt và tiền vay ký quỹ thì đó là xu hướng tốt.

Thanh khoản thể hiện vai trò của dòng tiền

Ở khía cạnh thanh khoản, thị trường chứng khoán được coi là một tập hợp bao gồm những người mua và người bán. Sự gặp nhau giữa người mua và người bán đó chính là thuận mua, vừa bán và bản chất của việc mua/bán cổ phiếu là chuyển giao sở hữu sau khi giao dịch tiền xảy ra.

Có ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ hấp dẫn, tăng điểm khi có nhiều nhà đầu tư tham gia, tức dòng tiền tham gia tăng lên và hạ nhiệt khi dòng tiền giảm xuống. Liệu điều này có đúng hay không?

Đồ thị 1 thể hiện diễn biến VN-Index và khối lượng giao dịch. Thanh khoản là một trong những yếu tố xác định mức độ tham gia của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, từ đầu năm 2020 đến nay có thể được chia thành 3 giai đoạn.

Đồ thị 1: Diễn biến VN-Index và khối lượng giao dịch.

Đồ thị 1: Diễn biến VN-Index và khối lượng giao dịch.

Một là, giai đoạn đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm 2 tháng liên tiếp sau Tết Âm lịch. Khi đó, nhiều nhà đầu tư có một quan điểm chung: Covid-19 diễn ra, hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ đình trệ, nền kinh tế bị ảnh hưởng, không phát triển được thì thị trường chứng khoán khó có thể tăng...

Nhưng cũng có nhà đầu tư đặt câu hỏi, Covid-19 diễn ra như vậy, tiền đầu tư ở các kênh đầu tư khác và các doanh nghiệp không kinh doanh được, ngân hàng không giải ngân được, thì tiền đó sẽ đi đâu? Câu trả lời là, khi thị trường chứng khoán giảm về vùng giá hấp dẫn, đây sẽ là kênh thu hút dòng tiền từ các kênh khác. Thực tế đã cho thấy đúng như vậy.

Hai là, các ngân hàng bắt đầu đầu giảm lãi suất tiền gửi, dẫn đến kênh gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn, một phần dòng tiền gửi ngân hàng chảy vào thị trường chứng khoán. Điều này giúp thanh khoản thị trường dần tăng cao, bắt đầu từ tháng 7/2020.

Ba là, khi dịch Covid-19 lần thứ hai diễn ra, phần lớn mọi người đều chấp nhận hoàn cảnh và làm quen dần với làm việc tại nhà, từ đó một lượng nhà đầu tư mới (còn gọi là F0) bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán. Từ đó đến nay, lượng tài khoản mở mới liên tục tăng cao kỷ lục. Trên sàn chứng khoán, thanh khoản tăng mạnh nhất vào tháng 6/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư trên diện rộng. Sau đó, thanh khoản giảm, nhưng duy trì ở mức cao và tăng lên trong các phiên gần đây.

Khi thanh khoản tăng đột ngột trên nền thấp, thị trường chứng khoán tăng một cách mạnh mẽ, có thể gọi là tăng sốc, nhờ dòng tiền tham gia quá lớn trong một thời gian ngắn.

Dựa vào các thời điểm kể trên có thể thấy được tầm quan trọng của dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Liệu dòng tiền sẽ cứ vào thị trường một cách “bất chấp” như vậy?

Câu trả lời là không, nó mang tính thời điểm và khái niệm dòng tiền thông minh được nhắc đến thường xuyên - dòng tiền của nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn, tổ chức và quỹ đầu tư lớn, nhà đầu tư cá nhân..., chỉ chảy vào những nơi có cơ hội thu lời. Cơ hội này có thể dựa trên yếu tố vĩ mô tốt, sự kiểm soát dịch tốt, VN-Index giảm về vùng giá hấp dẫn, cũng có thể là do tình trạng “nóng” lên của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn… Khi những yếu tố kể trên không còn, dòng tiền nhiều khả năng sẽ rút ra.

Chỉ báo từ dòng tiền

Có thể chia dòng tiền nhiều loại để quan sát: nhà đầu tư đã và đang ở trên thị trường; nhà đầu tư mới; nhà đầu tư cũ gia tăng tiền đầu tư; nhà đầu tư nước ngoài và dòng tiền từ vay ký quỹ (margin).

Xác định được dòng tiền như phân loại trên sẽ giúp chúng ta định hình được cái gọi là dòng tiền thông minh, cũng như xác định được sự đánh giá của các tổ chức lớn, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu dữ liệu nên việc xác định là khó nên có thể rút gọn lại thành: dòng tiền mặt (tiền tươi) và dòng tiền margin.

Với dòng tiền tăng lên không đến từ tiền tươi, mà đến từ tiền margin (tiền vay) thì tính bền vững sẽ không cao, vì tiền margin là dòng tiền nóng, mang tính đầu cơ ngắn hạn, đồng thời có “2 mặt như một con dao 2 lưỡi”. Có những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vì lượng tiền vay quá lớn của một kênh đầu tư nào đó. Nhưng nếu thị trường có được sự hợp lưu của các dòng tiền (xem bảng) thì đó là xu hướng tốt.

Đồ thị 2 thể dòng tiền từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2021, không phải là toàn bộ thị trường, nhưng mang tính tương quan với xu hướng dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồ thị 2: Xu hướng dòng tiền mặt và tiền vay.

Đồ thị 2: Xu hướng dòng tiền mặt và tiền vay.

Dòng tiền mặt (đường màu xanh) bắt đầu tăng mạnh vào tháng 11/2020, song song với đó là tiền margin tăng lên (đường màu đỏ), nếu so với bảng đánh giá thì đây là một tín hiệu tốt. Thực tế, chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh mẽ. Điều tương tự diễn ra vào tháng 3 và 4/2021, cho thấy lượng tiền chảy vào thị trường rất lớn.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6/2021, dòng tiền mặt bắt đầu giảm và đi ngang, trong khi tiền margin lại tăng cao. So với bảng đánh giá thì đây là một tín hiệu không tốt, vì sự tăng giá đến từ dòng tiền margin, báo hiệu thị trường tăng không bền vững, được chứng minh khi VN-Index điều chỉnh giảm trong tháng 7/2021.

Việc dòng tiền mặt chững lại có nhiều lý do, có thể là thị trường tăng quá nóng dẫn đến rủi ro gia tăng, dòng tiền quay lại sản xuất - kinh doanh, một số nhóm ngành lớn đã hết triển vọng… Nhưng chúng ta có thể dựa trên số liệu để đánh giá, từ đó đưa ra hành động phù hợp cho kịch bản của thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, lực bán là rất lớn nếu nhìn vào số liệu về dòng tiền margin. Trong đồ thị 2, dòng tiền margin liên tục tăng vào thời điểm VN-Index tạo đỉnh 1.420 điểm đầu tháng 7/2021 và vùng 1.380 điểm vào giữa tháng 8/2021. Điều này cho thấy, một lượng lớn nhà đầu tư đang giữ margin ở vùng giá cao, tạo áp lực bán khi chỉ số tăng điểm trở lại. Để chỉ số tăng mạnh, thị trường cần một dòng tiền rất lớn.

Thứ hai, thị trường trong tháng 8 - 9 đi ngang. Dòng tiền mặt biến động theo phương nằm ngang, cho thấy dòng tiền chưa thật sự rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Một số nhóm ngành lớn không còn đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền, nên cơ hội xuất hiện ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ chỉ đủ để dòng tiền duy trì trạng thái cân bằng.

Thứ ba, thị trường thời gian gần đây chờ đợi những lý do để kích hoạt dòng tiền lớn quay trở lại như chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, gói kích cầu mới… Quốc hội và Chính phủ đang xem xét ban hành gói kích thích kinh tế quy mô lớn có thể là yếu tố kích hoạt dòng tiền trong phiên giữa tuần qua, giúp VN-Index bật tăng và 2 phiên sau đó đều tăng điểm.

Tin bài liên quan