HOSE nhắc nhở Fideco (FDC) chậm công bố thông tin góp 280 tỷ đồng đầu tư dự án Long An

0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở chậm công bố thông tin đối với CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (Fideco, mã FDC - sàn HOSE).
HOSE nhắc nhở Fideco (FDC) chậm công bố thông tin góp 280 tỷ đồng đầu tư dự án Long An

Theo đó, HOSE nhắc nhở Fideco chậm công bố thông tin Nghị quyết HĐQT về việc hợp tác phát triển đầu tư dự án tại Bến Lức, Long An.

Được biết, ngày 9/5, HOSE nhận được công văn của Fideco về Nghị quyết HĐQT ngày 28/3 về việc hợp tác phát triển đầu tư dự án tại Bến Lức, Long An.

Trong đó, giá trị góp vốn của Fideco vào dự án là 280 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng tài sản, lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty tại ngày 31/12/2021 (804,7 tỷ đồng), căn cứ trên Báo cáo tài chính Hợp nhất kiểm toán năm 2021.

Căn cứ quy định tại điểm m khoản 1 Điều 11 của Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 quy định: “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Quyết định mua, bán tài sản hoặc thực hiện các giao dịch có giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính 6 tháng gần nhất được soát xét. Trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ thì căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất…”.

HOSE nhấn mạnh: “Fideco đã chậm công bố thông tin Nghị quyết HĐQT về việc hợp tác phát triển đầu tư dự án tại Bến Lức, Long An và nhắc nhở, đề nghị công ty nghiêm túc tuân thủ quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”.

Fideco thay đổi Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng

Ông Trần Bảo Toàn, vừa từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty từ 15/3. Bên cạnh đó, Công ty cũng vừa bổ nhiệm ông Vũ Thiện Chương giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 từ ngày 26/3.

Trước ông Toàn, ông Lê Chí Hiếu đã xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Fideco vào ngày 8/2 với lý do sức khỏe. Cùng ngày, Fideco đã bầu ông Trần Bảo Toàn thay thế chức Chủ tịch HĐQT Fideco.

Không chỉ từ nhiệm, Công ty TNHH Doanh Bảo An, tổ chức liên quan của ông Trần Bảo Toàn vừa bán ra 2.094.900 cổ phiếu FDC để giảm sở hữu từ 8,64% về còn 3,21% vốn điều lệ, giao dịch được thực từ 2/3 đến 3/3. Như vậy, sau giao dịch Doanh Bảo An không còn là cổ đông lớn tại FDC.

Thêm nữa, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital), tổ chức liên quan của ông Phan Phương Anh, Thành viên HĐQT tại Fideco đã bán toàn bộ 1,9 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 4,92% về 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 17/2 đến 18/2.

Ngoài ra, công ty miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Phạm Thị Oanh từ 12/4/2022. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Tài chính kế toán đảm nhiệm vị trí Kế toán trưởng công ty từ 12/4.

Quý I/2022, Fideco ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết

Xét về kế hoạch huy động vốn, công ty dự kiến chào bán 77,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động 811,09 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành dự kiến 1:2, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 2 cổ phiếu mới với giá 10.500 đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong quý II/2022 và/hoặc quý III/2022.

Công ty cho biết, toàn bộ số tiền huy động được, công ty dự kiến sử dụng 689,3 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Sơn Mỹ theo nhiều hình thức khác nhau phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm đầu tư, duy trì tỷ lệ sở hữu tối thiểu 51%; và 121,8 tỷ đồng dự kiến đầu tư mua tối thiểu 8,1 triệu cổ phiếu của Cảnh Viên với giá tối đa 15.000 đồng/cổ phiếu nhằm sở hữu tối thiểu 51% cổ phần của Cảnh Viên và gián tiếp sở hữu dự án Sơn Mỹ.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, Fideco ghi nhận doanh thu đạt 3,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,8% và tăng 208,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 70,2% lên 75,1%.

Xét về dòng tiền, trong quý đầu năm 2022, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 225,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 34,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 192,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 33,2 tỷ đồng.

Trong đó, dòng tiền đầu tư dương chủ yếu do công ty thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của các đơn vị, thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác … Như vậy, trong quý đầu năm, công ty đã bán bớt tài sản, thu hẹp đầu tư để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.

Được biết, kể từ khi niêm yết năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như quý đầu năm 2022. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2019 khi ghi nhận âm 53,36 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 20/5, cổ phiếu FDC giảm 300 đồng về 25.500 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan