HOSE: Vi phạm công bố thông tin quý II đã giảm

HOSE: Vi phạm công bố thông tin quý II đã giảm

(ĐTCK) Tại buổi tổng kết thị trường quý II/2014 do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tổ chức, ông Phạm Công Khoa Hương, Giám đốc phòng quản lý thành viên và giao dịch HOSE cho biết, tình hình xử lý vi phạm về công bố thông tin (CBTT) trong quý II giảm 16,52% so với cùng kỳ 2013.

Cụ thể, quý II chỉ có 1 cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (SBC), trong khi cùng kỳ năm ngoái có 3 cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (NKG, SGT, DCL) và 1 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát (SGT). Số trường hợp vi phạm chế độ báo cáo là 4 và vi phạm CBTT là 17, trong khi cùng kỳ lần lượt là 5 và 27. Qua đó cho thấy, các công ty ngày càng nắm rõ hơn và thực hiện tốt các quy định về CBTT.

Đối với trường hợp DN nợ cổ tức của cổ đông kéo dài nhiều năm, bà Nguyễn Minh Hằng, Giám đốc phòng quản lý niêm yết Sở GDCK TP. HCM cho biết, đây là thực trạng mà HOSE đã phải xử lý nhiều lần. Theo quy định hiện nay, trả cổ tức phụ thuộc vào quyết định của DN nên khi có yêu cầu từ NĐT liên quan đến vấn đề trả cổ tức thì HOSE sẽ căn cứ vào nguồn trên sổ sách của DN để có hướng xử lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, con số trên sổ sách và hiện thực có nhiều khác biệt. Hiện HOSE đã trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) những chế tài để xử lý trường hợp này.

Tại buổi tổng kết, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM chia sẻ tin vui, ngày 4/7 vừa qua, UBCK đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng số 52/GCN-UBCK cho quỹ ETF VFMVN30 do Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý. Theo đó, quỹ ETF nội địa có vốn huy động tối thiểu là 50 tỷ đồng, hoạt động theo hình thức quỹ hoán đổi danh mục dựa trên chỉ số VN30. Ngân hàng giám sát là Standard Chartered (Việt Nam). VFM sẽ có 90 ngày để tiến hành chào bán, sau đó báo cáo kết quả và tiến hành niêm yết. Theo đó, có thể VFMVN30 sẽ niêm yết trên HOSE vào đầu quý IV/2014.

Tiếp tục chuẩn bị cho các sản phẩm mới, tháng 5 vừa qua, HOSE cũng đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn phát hành và giao dịch sản phẩm Covered Warrant và đề án triển khai sản phẩm Covered Warrant tại TTCK Việt Nam và trình lên UBCK. Trong quý II, HOSE cũng đã đón tiếp 28 đoàn khách đến Sở tìm hiểu về những hoạt động của Sở, phát triển các sản phẩm mới, xây dựng hệ thống công nghệ mới của Sở.

Về hoạt động đấu giá, trên HOSE có 7 đợt đấu giá, tăng so với cùng kỳ, tổng số cổ phần chào bán là hơn 52 triệu cổ phần, tăng hơn 50% so với quý II/2013. Tổng số cổ phần bán được tăng 1,6 lần, ở mức 36 triệu cổ phần. Nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác đấu giá bán cổ phần và đưa các công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết, bà Đào cho biết, HOSE cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với SCIC từ tháng 4/2014. HOSE chủ yếu hợp tác trong hồ sơ bán đấu giá cổ phần lần đầu cho các DN mà SCIC nắm vốn. Theo đó, sắp tới HOSE sẽ có những buổi đào tạo cho các đại diện phần vốn của SCIC tại DN nhằm nâng cao hiểu biết về TTCK và cả lĩnh vực quản trị công ty.

Kết thúc quý II, vốn hóa toàn thị trường là 1,02 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng giảm so với cuối quý I/2014. Trong 20 phiên giao dịch của tháng 4, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 5,85 điểm, tháng 5 đi ngang khi chỉ giảm 2,83 điểm. Chốt quý II, VN-Index đạt 588,13 điểm, giảm 5,72 điểm trong 3 tháng, tính từ 1/4/2014. Qua đó cho thấy, VN-Index đang trong quá trình tích lũy.

So với các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap và VN100 thì VN30 có sự tăng ổn định nhất, đồng điệu với VN-Index, trong khi đó VNSmallcap là chỉ số có sự biến động rõ rệt khi vượt qua đỉnh 700 điểm, chốt ở mức 720,28 điểm vào phiên 24/3. Hai chỉ số VN100 và VNAllshare gần như giống nhau, đều có mức giảm thấp nhất vào ngày 13/5, lần lượt là 500,23 điểm và 500,10 điểm. Toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch là 6,034 tỷ chứng khoán, giảm so với 7,699 tỷ chứng khoán trong quý I.

Khi thị trường giao dịch sôi động trong quý I thì động thái mua và bán của NĐT nước ngoài tương đương nhau. Tuy nhiên, thị trường quý II có xu hướng tích lũy đi ngang thì hoạt động mua/bán của khối này có sự phân định rõ rệt. Động thái bán thì cầm chừng và mua nhiều hơn, chênh nhau hơn 5.000 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT nước ngoài chiếm 22% tổng giao dịch toàn thị trường.  

Tin bài liên quan