Tiềm năng của dịch vụ tài chính bán lẻ trên thị trường Việt Nam còn rất lớn

Tiềm năng của dịch vụ tài chính bán lẻ trên thị trường Việt Nam còn rất lớn

Hướng tiếp cận mới cho dịch vụ tài chính bán lẻ

(ĐTCK-online) Khách hàng cá nhân đang là đối tượng, mục tiêu ACB hướng đến phục vụ với chất lượng dịch vụ tốt nhất trong hoạt động.

Cạnh tranh trên thị trường tài chính trở nên gay gắt trong những năm gần đây, đặc biệt là khi lộ trình mở cửa của Việt Nam ngày một rộng hơn. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hiện một số ngân hàng nước ngoài đã được phép thành lập ngân hàng con 100% vốn, cộng với việc thị trường có thêm nhiều ngân hàng cổ phần trong nước tham gia; xu hướng của người tiêu dùng cũng thay đổi theo nhu cầu cuộc sống. Chính những yếu tố này đòi hỏi ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng phải có chiến lược và giải pháp mới theo hướng ngân hàng bán lẻ đa năng và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã sớm nhận ra điều đó.

Để thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam trong tương lai gần, ACB đã xây dựng chiến lược phát triển theo mô hình bán lẻ, tập trung phục vụ, cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện cho đối tượng khách hàng cá nhân. Đây cũng là lý do để ACB hình thành đội ngũ tư vấn tài chính cá nhân (PFC), nhằm thực hiện chiến lược trở thành ngân hàng của mọi nhà. Với PFC, ACB sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, phục vụ khách hàng tại nhà, còn khách hàng sẽ giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại khi có nhu cầu vay vốn, gửi tiết kiệm cũng như sử dụng các dịch vụ tài chính tiện ích khác.

Chẳng hạn, khi khách hàng có nhu cầu vay một khoản vốn Ngân hàng để mua nhà ở dưới hình thức trả góp, PFC sẽ tư vấn để khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với khả năng trả nợ của mình. Khách hàng muốn gửi tiết kiệm nhưng không có thời gian đến Ngân hàng, chỉ cần gọi qua tổng đài Call Center 247 (8 247 274) của ACB, ngay lập tức PFC sẽ trực tiếp đến nhà khách hàng tư vấn để chọn sản phẩm với mức lãi suất hấp dẫn nhất và kỳ hạn phù hợp với điều kiện của từng khách hàng, mà không phải mất một đồng phí nào.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay đội ngũ PFC của ACB đạt gần 300 người, phủ trên 80/155 điểm giao dịch trong hệ thống ACB và số lượng này sẽ ngày càng tăng lên. Với công việc tư vấn, phục vụ và chăm sóc khách hàng, đội ngũ PFC của ACB đang ngày càng khẳng định rõ nét vai trò là cầu nối giữa ACB và khách hàng. Điều này cho thấy, khách hàng cá nhân đang là đối tượng, mục tiêu ACB hướng đến phục vụ với chất lượng dịch vụ tốt nhất trong hoạt động.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng, tiềm năng của dịch vụ tài chính bán lẻ trên thị trường Việt Nam còn rất lớn. Điều quan trọng là các ngân hàng có xây dựng được giải pháp phù hợp để thu hút người dân tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ. Dân số Việt Nam chủ yếu là người trẻ và thu nhập đang gia tăng, nhưng tỷ lệ sử dụng hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trung bình chỉ đạt 5 - 6%, ở một số đô thị tỷ lệ có cao hơn, khoảng 22%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan hay Malaysia là 70 - 80%.

Điều này cho thấy, cơ hội của thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam rất tiềm năng. Người dân Việt Nam đã có thói quen mở tài khoản và chi tiêu cho mua sắm ngày càng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, nhiều người còn ngại tiếp xúc với ngân hàng. Vì vậy, việc triển khai đội ngũ PFC để tiếp cận, tư vấn khách hàng các sản phẩm tài chính cá nhân tại nhà là hết sức cần thiết, rút ngắn khoảng cách giữa ngân hàng và khách hàng.