Nguồn vốn của các ngân hàng vẫn rất tốt thể hiện ở khả năng thanh khoản cao.

Nguồn vốn của các ngân hàng vẫn rất tốt thể hiện ở khả năng thanh khoản cao.

“Hút” bao nhiêu tiền là đủ

(ĐTCK-online)Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông qua các công cụ chính sách tiền tệ của mình, từ đầu năm đến nay NHNN đã “hút” ra khỏi lưu thông một lượng tiền tương đương với số tiền đã bỏ ra để mua ngoại tệ dự trữ. Mặc dù vậy, NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục rút bớt tiền ra khỏi lưu thông để thực hiện mục tiêu hỗ trợ kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền như đã đặt ra.

Bơm - hút bằng nhau

Trên thực tế, cả ba công cụ chính sách tiền tệ chủ đạo của NHNN là thị trường mở, tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc đều được sử dụng tích cực trong thời gian qua nhằm giảm lượng cung tiền cho nền kinh tế. Việc tái cấp vốn được thực hiện rất hạn chế, còn thị trường mở trong hơn 2 tuần trở lại đây đã được tăng tần suất hoạt động. Cụ thể, thị trường mở hoạt động 4 ngày/tuần, và mỗi ngày thực hiện 2 phiên giao dịch, chủ yếu là bán giấy tờ có giá ra để hút tiền về, trong đó NHNN đã đưa ra nhiều loại giấy tờ có giá kỳ hạn dài từ 6 - 9 tháng.

Theo số liệu sơ bộ của NHNN, từ đầu năm đến nay đã hút khoảng gần 100.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở về NHNN. Ngoài ra, với việc tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại lên gấp đôi, hiện là 8 - 10%, cũng có tác dụng tương tự.

Theo đánh giá, việc nâng dự trữ bắt buộc đã giúp NHNN hút ra khỏi thị trường khoảng hơn 20.000 tỷ đồng trong hai tháng qua. Một số ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, số tiền dự trữ bắt buộc tăng thêm so với trước đây của mỗi ngân hàng đều ở mức 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

Với hai kênh hút vốn này, tổng số vốn thu về đã tương đương với tổng số tiền VNĐ cung ứng ra để mua ngoại tệ, khoảng hơn 7 tỷ USD từ đầu năm. Mặc dù vậy, theo khẳng định của NHNN thì các giải pháp để hút tiền về sẽ được tiếp tục. Do lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam vẫn ở mức cao, nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá thì NHNN sẽ tiếp tục tung ra VNĐ để mua ngoại tệ vào. Nhưng cùng với việc bơm nội tệ ra để mua ngoại tệ, NHNN sẽ sử dụng các công cụ của mình như đề cập ở trên để hút vào lượng tiền tương ứng.

Ngoài ra, để hỗ trợ việc kiềm chế lạm phát, NHNN sẽ vẫn hút thêm tiền vào để giảm lượng cung tiền cho nền kinh tế, tức là sử dụng biện pháp tiền tệ hỗ trợ các biện pháp khác của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát.

 

Lãi suất sẽ ổn định?

Khi NHNN tăng dự trữ bắt buộc vào cuối tháng 5/2007 vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra khả năng phải tăng lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất huy động nhằm bù đắp chi phí vốn tăng lên do tăng dự trữ. Tuy nhiên, biểu hiện lãi suất VNĐ trên thị trường vẫn khá ổn định, kể cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, thực ra lãi suất huy động đã giảm, nhưng giảm chủ yếu ở tiền gửi của các tổ chức kinh tế, và mức lãi suất này ít được các ngân hàng niêm yết đầy đủ nên nhìn vào những mức lãi suất công bố (dành cho dân cư) thì có cảm tưởng lãi suất không thay đổi.

Có một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi là lãi suất hiện tại thấp hơn cả lạm phát gây ảnh hưởng tới người gửi tiền là không hợp lý. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn, về lý thuyết không nhất thiết là lạm phát tăng thì lãi suất phải tăng, đặc biệt trong ngắn hạn. Bởi lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cung - cầu vốn, khả năng chấp nhận của người gửi tiền…

Mặc dù NHNN đang tích cực hút tiền vào, nhưng nguồn vốn của hầu hết các ngân hàng vẫn rất tốt thể hiện ở khả năng thanh khoản cao, nên một sự thay đổi lãi suất mạnh mẽ là khó thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo trên, nếu NHNN tiếp tục tăng cường hút tiền vào thì khả năng tới cuối năm sẽ có sự điều chỉnh lãi suất nhất định theo chiều hướng tăng.