Lễ ký thỏa thuận hợp tác và khóa đào tạo giảng viên thiết kế công trình xanh và hiệu quả.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác và khóa đào tạo giảng viên thiết kế công trình xanh và hiệu quả.

IFC hợp tác với 2 trường Đại học Kiến trúc để đào tạo giảng viên về công trình xanh

(ĐTCK) Sáng ngày 26/2, IFC (tổ chức Tài chính quốc tế) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kiến Trúc TP. HCM và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội để nâng cao năng lực đào tạo và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng, qua đó, thúc đẩy việc triển khai công trình xanh tại Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 26/2 đến ngày 28/2 tại TP.HCM, IFC cùng 2 trường đại học tổ chức khóa học thiết kế nâng cao hiệu quả công trình nhằm đào tạo giảng viên.

Sau đó, 2 trường sẽ triển khai thí điểm khóa học cho khoảng 40 sinh viên, có sự phối hợp của chuyên gia IFC, nội dung bao gồm: Các quy định liên quan đến tiêu chí công trình xanh; quản lý và sử dụng các công cụ đánh giá thiết kế.

PGS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, chúng tôi đã lồng ghép các tiêu chí của công trình xanh vào mỗi môn học cho các sinh viên từ nhiều năm nay, bởi đây là tiêu chí mang tính toàn diện và phải để nó trở thành nền tảng cơ bản trong tri thức ngành. Thậm chí, trường còn có giải thưởng cho các thiết kế công trình xanh để khuyến khích sinh viên.

Phát biểu tại buổi ký kết, PGS.TS.KTS Lê Văn Thương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM cũng cho biết, khóa học này sẽ tiến thêm một bước trong việc giúp sinh viên làm quen với các phần mềm đánh giá công trình xanh, phân tích và trình bày ý tưởng một cách rõ ràng cùng định lượng cho các công trình thiết kế và xây dựng trong tương lai.

2 chuyên gia của IFC trả lời các thắc mắc của giảng viên về những khó khăn trong việc thực hiện Công trình xanh tại Việt Nam. 

Theo IFC, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xây dựng nhanh thứ 4 ở Đông Á, 45% người Việt Nam dự kiến sẽ sống trong các thành phố vào năm 2030. Các tòa nhà sử dụng hơn 30% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước. Đồng thời, với đường bờ biển dài và thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Do đó, công trình xanh đóng vai trò là giải pháp bền vững để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, đồng thời gia tăng khả năng chống đỡ trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã phối hợp với IFC để tổ chức 40 đến 50 cuộc hội thảo về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong nhiều năm gần đây, nhưng vẫn thiếu các khóa học bài bản và toàn diện về công trình xanh nói chung cho sinh viên Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của IFC và Thụy Sĩ, khóa học sẽ được xây dựng theo chuẩn quốc tế, giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế bối cảnh địa phương.

Ông Thịnh nhấn mạnh thêm, chúng ta phải trang bị đủ kiến thức cho sinh viên để tương lai không chỉ có các công trình xanh, mà mục tiêu lớn chính phủ và nhà nước đang hướng đến là đô thị xanh, đô thị thông minh.

Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, thị trường công trình xanh sẽ đạt tới 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025 trong bối cảnh các nước đang phát triển đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. IFC kỳ vọng thông qua chương trình đào tạo sẽ thúc đẩy xu hướng xây dựng xanh tại Việt Nam.

Tin bài liên quan