IPO CTCK Sacombank: 3 câu hỏi ngỏ

IPO CTCK Sacombank: 3 câu hỏi ngỏ

Trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu SBS của CTCK Sacombank (SBSC), một điều khiến tôi cảm thấy chưa thực sự yên tâm, đó là tính minh bạch của cuộc đấu giá cổ phần.

Trước hết, phải khẳng định rằng, không kể những hiệu quả có thể có từ việc phát hành tăng vốn và áp lực minh bạch hóa thì đại chúng hóa SBSC vẫn là một lựa chọn hợp lý. Bởi như vậy, những NĐT như chúng tôi có thêm cơ hội lựa chọn đầu tư vào các mã cổ phiếu ngành chứng khoán. Bên cạnh đó, Ngân hàng Sacombank (STB) cũng đã niêm yết, nên việc minh bạch hóa các công ty con sẽ giúp NĐT nói chung đánh giá tốt hơn cổ phiếu STB.

Khách quan mà nói, SBSC là một CTCK mạnh với thị phần môi giới cao và có uy tín, tiềm lực tài chính tốt. Nhưng cách tổ chức đấu giá phát hành cổ phần ra công chúng khiến chúng tôi có cảm giá không thực sự yên tâm về tính minh bạch và công bằng. Theo kế hoạch bán đấu giá, từ ngày 19/11 đến ngày 28/11, NĐT sẽ bỏ phiếu tham dự đấu giá tại Hội sở chính của Công ty và Chi nhánh Hà Nội; từ ngày 19/11 đến ngày 27/11 tại các chi nhánh khác. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu thông tin đấu giá trong khoảng thời gian từ lúc bỏ phiếu đến khi nhập dữ liệu của NĐT có được bảo mật?

Trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư ngày thứ Hai (9/11), ông Nguyễn Hồ Nam, Giám đốc SBSC cho biết, Công ty không có lý do gì để “bóc trộm” bì thư xem thông tin đấu giá của NĐT và tại cuộc đấu giá, SBSC sẽ mời đại diện giám sát của hai Sở GDCK. Bên cạnh đó, thông tin nhập lệnh đấu giá của NĐT sẽ lập tức hiển thị kết quả lên bảng điện tử, nên NĐT yên tâm về tính minh bạch của cuộc đấu giá này. Mặc dù vậy, với tư cách là một NĐT, tôi vẫn cho rằng, cơ chế giám sát sự minh bạch trong tình huống này là không dễ, bởi thời gian nhận đăng ký dài và chỉ tập trung tại một đơn vị.

Vấn đề thứ hai mà tôi thắc mắc là việc STB chào bán tới 98 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu SBSC cho cán bộ, nhân viên với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, trong khi tổng lượng cổ phiếu thoái vốn của Ngân hàng tại SBSC là 206,8 tỷ đồng mệnh giá liệu có hợp lý? Sở dĩ thắc mắc vấn đề này bởi bản thân tôi cũng là cổ đông của STB, nên muốn nhìn thấy việc tối ưu hóa lợi nhuận của Ngân hàng bằng cách bán ra ngoài cho đối tác chiến lược hoặc đấu giá ra công chúng.

Một vấn đề khác là SBSC lựa chọn phương án chào bán cho đối tác chiến lược 110 tỷ đồng mệnh giá, mà theo ông Nam thì giá bán có thể vượt trên 40.000 đồng/cổ phiếu. Cũng theo ông Nam, hiện có nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Công ty. Tôi chợt nghĩ, nếu lựa chọn bán nhiều hơn cho đối tác chiến lược (giả thiết toàn bộ 170 tỷ đồng mệnh giá phát hành thêm) thì chẳng phải Công ty sẽ cầm chắc mức thặng dư lớn, trong khi mục tiêu đại chúng hóa SBSC vẫn được thực hiện (riêng bán cho CBCNV chủ chốt trong hệ thống STB cũng lên tới trên trăm người)?