JVC: Cơ hội rộng mở

JVC: Cơ hội rộng mở

(ĐTCK) Giữ vị thế hàng đầu trong ngành thiết bị y tế nội địa, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) gặp nhiều thử thách trong năm 2013, nhưng sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đó, mở ra nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư.

Hết đêm, trời lại sáng

Bất chấp lĩnh vực y tế được xem là ngành có tính chất phòng thủ cao và là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế tại Việt Nam, nhưng năm 2013, doanh thu của JVC vẫn giảm tới 22%. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt vỏn vẹn 41 tỷ đồng, sụt giảm tới 75%. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của JVC chỉ đạt 792 đồng, mức thấp lịch sử trong nhiều năm qua.

Hiệu quả kinh doanh của JVC sụt giảm mạnh bắt nguồn từ các lý do khách quan. Doanh thu của JVC phần lớn đến từ khối bệnh viện, cơ sở y tế công, nên khi Chính phủ thắt chặt chi tiêu (Chỉ thị 09/CT-TTg), nhiều hợp đồng của JVC bất ngờ bị hủy bỏ, trì hoãn hay bị chậm quyết toán. Hàng tồn kho tăng cao, doanh thu và lợi nhuận của JVC giảm mạnh trong bối cảnh doanh thu bán thiết bị y tế vào khối bệnh viện công giảm gần 90%.

Bước sang năm 2014, hoạt động kinh doanh của JVC dần hồi phục khi lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Quý III/2014 đánh dấu sự trở lại của JVC khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng gấp 7 lần so với quý III/2013. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 107,28 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cả năm ngoái, mặc dù theo chu kỳ kinh doanh, quý IV mới là thời điểm JVC tăng tốc về lợi nhuận khi nhiều dự án được quyết toán.

“Việc một số hợp đồng bị trì hoãn bắt đầu được thực hiện và lãi suất được điều chỉnh giảm đã giúp lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của JVC tăng đột biến”, báo cáo phân tích của CTCK APEC nhận xét về sự trở lại của JVC. Còn báo cáo của CTCK BSC nhận định: “JVC đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất năm 2013 và đang cải thiện khá tốt doanh thu và lợi nhuận từ năm 2014 trở đi”.

Ổn định và bền vững

JVC là doanh nghiệp phát triển nhanh trong một ngành kinh doanh hứa hẹn. Với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, người dân Việt Nam đang có nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn. Thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam dự báo có giá trị 11,6 tỷ USD vào năm 2016, trong đó, khu vực y tế công mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu, theo Espicom Business Intelligence (công ty con của Business Monitor – BMI). Riêng thị trường thiết bị y tế Việt Nam tăng trưởng 15,2%/năm giai đoạn 2011 - 2016, gấp đôi mức bình quân của thế giới là 7%. Cũng như đa số các quốc gia đang phát triển, Việt Nam chưa thể tự sản xuất các thiết bị y tế kỹ thuật cao và thiết bị chẩn đoán hình ảnh khi 90% thiết bị y tế nhập khẩu.

Theo CTCK Bản Việt, JVC là doanh nghiệp có vị thế hàng đầu trong ngành cung cấp thiết bị y tế. Các quy định hiện hành không cho phép các công ty nước ngoài tham gia trực tiếp đấu thầu. Vì vậy, các công ty này tham gia bán sản phẩm qua các công ty con và công ty trung gian nội địa, mô hình kinh doanh nhiều tầng này đội chi phí vào giá bán. Trong khi đó, mô hình kinh doanh một cấp của JVC giúp Công ty giữ lợi thế về giá bán và có biên lợi nhuận cao.

Theo chuyên viên phân tích của CTCK Bản Việt, hiện tại, JVC là nhà cung cấp thiết bị chẩn đoán hình ảnh lớn nhất Việt Nam với thị phần khoảng 40%, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Trong khi các công ty khác thường chỉ cung cấp một hoặc hai loại thiết bị đơn lẻ thì danh mục sản phẩm của JVC đa dạng. Công ty hiện là nhà cung cấp độc quyền cho nhiều hãng thiết bị y tế tên tuổi từ Nhật Bản.

CTCK Bản Việt đánh giá JVC dẫn đầu ở một lĩnh vực kinh doanh hứa hẹn với nhiều lợi thế cạnh tranh: danh mục sản phẩm cung ứng đa dạng; mức giá chào hàng cạnh tranh và mối quan hệ lâu năm, bền vững với hệ thống y tế công lập. Bên cạnh đó, một thế mạnh khác của JVC là dịch vụ sau bán hàng. Công ty xây dựng được đội ngũ kỹ sư đào tạo bài bản tại nước ngoài, nguồn linh kiện thay thế dồi dào, không bị phụ thuộc bởi các chuyên gia nước ngoài, thời gian bảo hành, bảo trì nhanh, chi phí giảm tối đa so với các hãng khác.

Hiện tại, JVC kinh doanh 4 mảng chính: phân phối thiết bị y tế, kinh doanh vật tư tiêu hao, liên kết với các bệnh viện và khám chữa bệnh lưu động.

“Các mảng kinh doanh khác của JVC trong 2014 đều khá lạc quan”, báo cáo phân tích của CTCK Maybank - KimEng nhận định.

Năm 2014, ngoài lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế đang phục hồi, hoạt động kinh doanh của JVC đã “phủ sóng” toàn quốc khi Công ty liên kết với hơn 100 bệnh viện, gần 200 dự án đặt các máy móc, thiết bị y tế kỹ thuật cao chia sẻ doanh thu - mảng kinh doanh, theo CTCK BSC, đang tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, JVC đang đẩy mạnh mảng kinh doanh mới qua việc đầu tư thêm 100 xe kinh doanh khám chữa bệnh lưu động bằng tiền huy động được từ đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng.

Sự phục hồi hiệu quả kinh doanh khiến cùng lúc JVC lọt vào “mắt xanh” của nhiều CTCK. “JVC được hưởng lợi từ việc tăng giải ngân của các dự án chính phủ và quốc tế cộng với nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao tại Việt Nam liên tục tăng”, CTCK BSC nhận xét và đưa ra khuyến nghị mua từ cuối quý III/2014 với dự báo mức tăng giá 21%.

“JVC được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh theo sự phục hồi của nền kinh tế”, CTCK APEC viết trong báo cáo phân tích đầu tháng 11 và chuyên viên của APEC dự báo lạc quan cổ phiếu JVC sẽ tăng giá gần 60% trong vòng 12 tháng tới.

Tin bài liên quan