Kể chuyện vùng cao

Kể chuyện vùng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hà Nội tự dưng trở lạnh. Sáng dậy, ra ban công đốt điếu thuốc mà con gió Đông dồn dập thổi, tự dưng lòng cảm khái đến lạ. Trong phút giây như thế, tôi lại thèm những chuyến đi xa…

Những ngày Đông Hà Nội, với tôi, chỉ thưởng thức cảm giác ngồi quán cóc trà ấm, nghe mưa giăng phố nhỏ, nghe tiếng cassette và giọng nhỏ to, câu được, câu mất của bà hàng nước là thú nhất. Điệu hơn một chút thì kiếm quán cà phê sân vườn, ngồi nhâm nhi giọt đắng và tám chuyện một cách vô tư cùng đám bạn…

Chắc chỉ thế là cùng!

Nhưng ngày Đông thú nhất vẫn là tìm về nơi rừng núi. Mùa Đông Hà Nội dẫu có dư vị riêng, nhưng cuộc chơi ở vùng cao mùa Đông thì cứ phải gọi như dân mạng là “hết nước chấm”.

Ngày trước, nhiều khi cuối tuần, nếu rảnh, tôi thường bắt xe đi từ thứ Sáu, điểm đến thì tuỳ, đâu cũng được. Thói quen xê dịch và kiểu ngã đâu cũng là nhà nên tôi không quá e ngại điều gì. Còn nay, thời buổi công nghệ càng khiến tôi chẳng còn lo sợ gì, thực sự không còn sợ gì, ngoại trừ không có sức khoẻ.

Bạn hãy tưởng tượng, cả ở vùng cao, giờ chỉ cần ra thị trấn, chợ phiên, bạn vẫn có thể xài app ngân hàng để thanh toán, hay đổi tiền thì còn gì phải sợ. Đường đi lối lại thì có “chị Google” chỉ cho, ăn ở thì đâu chẳng có homestay, nhà nghỉ, không có thì vào nhà dân xin tá túc, ở vùng biên bí chỗ thuê trọ thì có thể vào đồn biên phòng xin ngủ nhờ một đêm… Nói tóm lại, chỉ sợ thiếu sức khoẻ và quyết tâm đi mà thôi.

Giờ quay lại chuyện chính. Mùa Đông vùng cao luôn cho ta những cảm nhận rất khác.

Có bận, tụi tôi phi lên Pác Nặm, Bắc Kạn. Sớm đến, ra chợ phiên mà đứa nào mặt cũng hớn ha hớn hở. Cảm giác như đám trẻ quê lần đầu được đi thành phố. Dù chẳng còn lạ nữa, nhưng mắt nhìn vẫn bị những áo xanh, áo đỏ, tằng cẩu đội đầu, bị những góc xôn xao quanh chợ thu hút và cuốn đi mãi.

Chỗ này người ta bán rau, củ quả, chỗ kia bán các con vật nuôi, nhỏ thì gà, mèo, lớn hơn thì chó, lợn, bự nữa thì trâu, bò, ngựa.

Các góc chợ, những gian hàng thuốc lào và rượu lúc nào cũng xôm tụ, đông vui. Người ta thử thuốc, những chiếc nõ điếu ục cũng theo làn hơi mà rung lên những tiếng đục trầm mà vui vẻ. Còn các quầy rượu, người bán chăm chỉ chào mời, người xem, người mua, thậm chí cả các đệ tử lưu linh chính cống cũng đáp lại thịnh tình ấy bằng việc thử nếm rượu nhiệt tình từ những nắp can được trao tay.

Đi chợ vùng cao có cái thú là có thể thu vào mắt xiết bao điều thú vị, mới lạ. Với các tay máy, đó là dịp để lưu lại các trải nghiệm qua những khuôn hình…

Chơi chợ chán, tôi và đám bạn thường sẽ chọn cho mình một quán rượu đúng chất, giữa những người bản địa, để vừa chè chén, vừa nghe các câu chuyện buôn bán, trao đổi hàng hoá. Và nếu được, anh em trong nhóm cũng chẳng bỏ qua các cơ hội giao lưu.

Thường thì các bữa nhậu ai cũng tranh nhau nói, nhưng với buổi nhậu vùng cao, thì nếu chưa kịp mở rộng “ngoại giao” sang bàn bên cạnh, anh em chỉ ăn uống nhẹ nhàng và quan sát, nghe ngóng, bởi ai cũng muốn xem dân bản địa ăn uống, nói chuyện gì, nói thế nào.

Dân vùng cao quý người, quý rượu, cứ thêm bạn là thêm vui. Họ có thể uống đến nghiêng đồi, ngả núi, uống cho lần này gặp mặt, uống cả cho những buổi chia xa sắp tới… Và nếu “người ngoài” có thể hoà trộn mình được vào trong cuộc vui đó, hẳn kỷ niệm sẽ rất dày.

Mùa này lên vùng cao, sáng sớm thường có sương muối, sương mù, trời lạnh ngắt. Cảm giác bước ra khỏi nơi ở, hay với khỏi ô tô sẽ thấy sương mây rào rạt thổi, quấn quít quanh người. Rét đấy, nhưng dường như cái rét này cũng ngọt ngào và mang nhiều phong vị tự nhiên hơn cái rét phố thị.

Cái lạnh của sương nhanh chóng tan đi khi có ánh dương, nếu chạy xe trên các cung đường, chỉ cần mặc đủ ấm là có thể mở cửa kính mà nghe tiếng suối chảy, tiếng chim kêu, trong gió, hương rừng thoảng vào không khí… Đó là những giá trị giản đơn.

Cuối năm, lên vùng cao, cảnh quan nhuốm một màu bàng bạc, trầm buồn. Nếu là vùng biên giới, còn có chút gì đó đặc trưng vùng quan tái, đôi khi những dãy núi dài, cái tỏ, cái mờ, ngọn thấp ngọn cao, chồng lên nhau theo cả chiều thẳng đứng và chiều ngang để dựng lên những bức tranh trác tuyệt.

Nói đến vùng cao, mà không nói chuyện ẩm thực thì quả là thiếu sót. Chúng tôi vô tình kết thân được với một gia đình người Dao đỏ ở bản Phùng (Hoàng Su Phì - Hà Giang), năm nào cũng vậy, cứ áp Tết, là anh em lại “oánh” một chiếc xe bán tải ngược Bắc. Nếp quen bao năm là bắt chừng chục con lợn cắp nách về chia nhau, làm quà. Nhưng thú nhất vẫn là buổi đêm ăn Tết đồng bào. Năm nào cũng vậy, chúng tôi sẽ nhờ cậu em chủ nhà ngả một con lợn trước, nhờ luôn cậu em mời thanh niên xóm, đâu cũng được 5 - 6 mâm để làm Tết đồng bào. Dĩ nhiên, con lợn đó chúng tôi chi trả, cái cần là không khí Tết đồng bào, mọi nếp quen cứ giữ, cách sinh hoạt như thường, chỉ khách có thêm mấy tay bợm dưới xuôi lên góp vui.

Người đồng bào thật như đếm. Nhiều bận lên ăn Tết, lúc đi bắt lợn qua nhà hàng xóm, thấy cậu em chủ nhà nói vọng vào: Tối sang tao uống rượu nhá, có mấy anh Hà Nội lên.

Ấy thế mà tối đến, đủ cả. Ai rảnh thì chiều sang mổ lợn, đánh tiết canh, nướng cá… Lợn mổ xong, phần thịt cho vào nồi luộc lên - một kiểu vừa luộc, vừa nấu canh thì đúng hơn. Đến bữa thì mang ra chặt. Lòng cũng vậy, chỉ có điều thêm giá, măng, rau thơm… Mấy tảng sườn ở bụng thì kẹp vào cành tre tươi, ướp muối, nước mắm, dựng sát bếp củi, một lúc rực than là vàng ruộm, bì giòn tan. Mọi thứ đều giản đơn vô cùng, nhưng cái khác là đồng bào có thêm các loại lá cây, gia vị khác lạ. Đến bữa, khi “lực lượng” đông đủ mới mỗi người một tay, kẻ chặt, người pha nước chấm, ra đến mâm vẫn nóng hôi hổi.

Một điều nữa phải nói thêm, đó là không khí của các cuộc liên hoan. Chúng tôi thường nhậu bên bếp lửa, trong ngôi nhà đầy khói với lủng lẳng ngô, trâu gác bếp treo trên đầu, trong cái lành lạnh của vùng Tây Bắc, trong cuộc chuyện xen lẫn tiếng Kinh và tiếng đồng bào… Trong không gian ấy, ai uống uống thật bụng, hết lòng. Riêng tôi, tôi cảm như sức uống của mình phải gấp hai lần khi ở dưới xuôi. Lạ thật!

Năm nào, tôi cũng có cho mình những chuyến ngược Bắc, mà hầu như không bao giờ thiếu chuyến đi đận giáp Tết. Lần nào lên cũng quắt quay vì rượu, mệt bã người, mà chẳng hiểu sao, niềm hào hứng lúc nào cũng vẹn nguyên như mới.

Vùng cao có điều gì thật lạ!

Tin bài liên quan