Kết hối, cực chẳng đã!

(ĐTCK) Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước than thở rằng, ngoại tệ cho kinh doanh của ngân hàng vẫn khó khăn. Nhu cầu mua ngoại tệ của DN vẫn cao, trong khi các DN có ngoại tệ vẫn găm giữ trên tài khoản tiền gửi mà không chịu bán cho ngân hàng. Điều này thể hiện động thái nâng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 3/2009, đồng nghĩa với việc cho tỷ giá tăng cao hơn một chút, là chưa đủ hấp dẫn để DN có ngoại tệ bán ra.

“Hiện nay, phương thuốc tốt nhất có thể ‘chữa bệnh’ găm ngoại tệ là kết hối”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhận định.

Cần thiết...

Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp kết hối đã được nhiều ngân hàng kiến nghị với NHNN ngay từ cuối năm 2008, khi DN có dấu hiệu găm giữ ngoại tệ.

Tới cuối tuần trước, NHNN đã bất ngờ yêu cầu các NHTM báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế. Trong những ngày tới, cơ quan quản lý sẽ có những số liệu chính xác về tình trạng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng. Đây có thể là một bước chuẩn bị để quyết định có kết hối hay không.

Để trả lời câu hỏi có cần thiết kết hối hay không, hãy thông qua các con số. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hiện có gần 9 tỷ USD tiền gửi trong hệ thống ngân hàng tại TP. HCM, đây là một con số biết nói khi so sánh với dự trữ ngoại hối của Việt Nam là trên 20 tỷ USD.

Trong một cuộc hội thảo cuối năm 2008, một vị quan chức NHNN đã ước tính, tổng lượng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống không dưới 15 tỷ USD, trong đó lượng tiền gửi của DN là khoảng 50 - 75% tuỳ ngân hàng.

Giải pháp kết hối, có nghĩa là quy định các DN có nguồn thu ngoại tệ phải bán lại cho ngân hàng một lượng ngoại tệ, không phải là mới. Năm 1998, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, Việt Nam đã đưa ra quy định kết hối ngoại tệ 80% nhằm tập trung ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về ngoại tệ cho nền kinh tế. Tỷ lệ kết hối đã được giảm dần khi nền kinh tế được cải thiện và tới ngày 2/4/2003 là 0%, duy trì cho tới nay.

Dù tình trạng nền kinh tế hiện nay không giống những năm 1998, nhưng tình trạng găm giữ ngoại tệ của DN đang khiến hệ thống ngân hàng thiếu USD. Việc áp dụng một tỷ lệ kết hối ngoại tệ có tác dụng giảm thiểu căng thẳng giả tạo giữa cung và cầu ngoại tệ hiện nay. Như vậy, phải chăng đã tới lúc áp dụng lại biện pháp kết hối?

…nhưng cần cân nhắc

Năm 1999, trong quá trình đàm phán với IMF và WB về một dự án hỗ trợ của hai tổ chức này với Việt Nam nhằm cải cách hệ thống ngân hàng, vấn đề kết hối được quan tâm một cách đặc biệt. WB và IMF muốn Việt Nam không sử dụng chính sách kết hối và các quan chức NHNN khi đó đã mất khá nhiều công sức thuyết phục để duy trì chính sách này.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, một số thành viên cũng đã yêu cầu Việt Nam xem xét lại chính sách kết hối ngoại tệ năm 1998, “dường như trái với các Điều XI và XVI (ghi chú số 8) của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), một trong ba hiệp định lớn của WTO”.

Nhắc lại hai ví dụ trên để cân nhắc về việc áp dụng chính sách kết hối. Về bản chất, kết hối là một biện pháp mang tính hành chính, chứ không phải là một biện pháp thị trường. Tuy nhiên, những hệ quả của việc hệ thống ngân hàng thiếu nguồn USD mua - bán đang dần xuất hiện. Việc áp dụng giải pháp kết hối cũng chẳng qua là “cực chẳng đã”. Các biện pháp kiểm soát ngoại hối được áp dụng trong những trường hợp ngoại lệ, do Chính phủ Việt Nam quyết định, nhằm duy trì an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia.

Trong năm 2008, việc áp dụng cơ chế quản lý lãi suất phải theo trần đã có thể coi là một thành công. Kết hối cũng có thể!