Khách VIP - khách thường

Khách VIP - khách thường

(ĐTCK-online) Cũng là cho NĐT “VIP” bán chứng khoán khi đang trên đường về tài khoản, nhưng mỗi CTCK lại có một cách thức triển khai khác nhau, từ thận trọng đến liều lĩnh, từ dạng chính sách hỗ trợ đến… dịch vụ phí cao.

Vốn khá “bảo thủ” trong chuyện cho NĐT bán chứng khoán ngày T, CTCK S kể từ cuối tháng 10 cũng đã bắt đầu cho phép khách VIP của mình bán chứng khoán ngày T+1, dù trước đó, đơn vị này chỉ chủ yếu cho dùng đòn bẩy tài chính và cho bán ngày T+3. Nhưng cách thức triển khai ở đây cũng khá cẩn trọng, để được bán cổ phiếu ngày T+1, khách VIP của S phải đăng ký từ chiều hôm trước những nội dung: cần bán cổ phiếu nào, khối lượng bao nhiêu. Cuối ngày giao dịch, nhân viên sẽ báo lại cho NĐT biết về khối lượng chứng khoán có thể bán theo đề nghị của NĐT. Theo một nhân viên của S, cùng với thành tích hỗ trợ NĐT VIP “bán ra đúng đỉnh”, thì việc cho phép NĐT bán T+ đã giúp S thu hút thêm lượng đáng kể khách VIP từ đối thủ, mà cũng không gây rủi ro thanh toán, vì tổng số cổ phiếu giao dịch bù trừ vẫn không vượt quá số dư tài khoản tổng.

Không cẩn trọng như S, lại là một trong những CTCK “đi đầu” trong chuyện cho NĐT VIP bán cổ phiếu ngày T, CTCK Q lại khá “thoải mái” với NĐT VIP trong việc này. Với danh mục khoảng 20 - 40 cổ phiếu (tùy từng giai đoạn), NĐT VIP của Q có thể lựa chọn đánh hàng từ T+1 đến T+3 không hạn chế số lượng. Không những thế, khi NĐT đạt đến uy tín nhất định (cả về mức độ hiệu quả trong quá khứ và độ lớn của “túi tiền” - tùy theo “thẩm định” của nhân viên môi giới phụ trách trực tiếp, còn có thể bán chứng khoán ngày… “T-1”, “T-2”, tức là thực hiện mượn chứng khoán để bán trước khi mua vào. Sở dĩ CTCK Q tự tin làm điều này là do có thị phần môi giới, tài khoản lưu tổng lớn, nên việc đối phó với Trung tâm lưu ký trong thanh toán bù trừ cũng không mấy khó khăn.

Để hợp thức hóa giấy tờ sổ sách cho việc bán chứng khoán ngày T của NĐT VIP, CTCK đã phải dùng bút toán ghi sổ song song, hệ thống báo tin nhắn kết quả giao dịch tự động… bằng tay. Vì vậy, sổ sách để kiểm tra của CTCK vẫn “sạch” mà NĐT nếu bị “mượn” chứng khoán thì vẫn yên tâm là… “chứng đâu còn đó”! Với một số công ty, bán chứng khoán ngày T là chính sách để hút khách VIP, nhưng cũng không ít đơn vị coi thu nhập từ việc cho mượn chứng khoán là một nguồn thu đáng kể do tính phí cao.

Theo lãnh đạo một CTCK, với trường hợp cho NĐT bán cổ phiếu ngày T, rủi ro cho CTCK là bằng 0 (ngoại trừ trường  hợp NĐT bán vượt quá số lượng cổ phiếu có trong tài khoản tổng). Chỉ những trường hợp cho NĐT bán khống cổ phiếu khi chưa có lệnh mua trước đó, rủi ro cho CTCK mới có thể thực sự lớn, nếu giá chứng khoán không giảm như dự đoán, thanh khoản sụt giảm hoặc người mua bị thua lỗ nặng dẫn đến mất khả năng thanh toán. Vị này còn nói thêm: “UBCK đưa ra các quy định này, kia là nhằm để bảo vệ thị trường. Tuy nhiên, quản lý việc cho NĐT bán chứng khoán ngày T thực sự là không đơn giản và có rất nhiều cách để… lách luật. Hơn nữa, bản thân CTCK cũng phải tự quản trị rủi ro cho mình, vì… tiền mình không lo, chẳng lẽ chờ người khác lo hộ”.

Vị này kết luận rằng, nếu đã không cấm được thì tốt nhất là UBCK nên công khai cho làm, vì đây cũng chẳng phải chỉ riêng ở Việt Nam, TTCK nhiều nước phát triển vẫn cho làm việc này, mà lại góp phần hạn chế sự phân biệt đối xử khách VIP - khách thường.

Từ phía cơ quan quản lý, trong công văn gửi 2 Sở chiều qua, UBCK chính thức yêu cầu các CTCK từ ngày 1/12/2009 phải chấm dứt việc cho khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4 hoặc cho khách hàng vay để bán. Trong bối cảnh chưa thể cho phép bán ngày T+3, T+2... thì việc buộc các CTCK tuân thủ công văn trên của UBCK cũng là một cách để bình đẳng hóa quyền lợi khách VIP - khách thường