Khai thác khoáng sản, đừng để người dân phải đổ vỏ

Khai thác khoáng sản, đừng để người dân phải đổ vỏ

(ĐTCK) “Chúng ta cần tránh việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản thu về lợi nhuận, trong khi cuộc sống của người dân trên địa bàn không được hưởng lợi, thậm chí bị ảnh hưởng nặng nề”.

Đó là phát biểu của ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại Hội thảo “Quản trị tài nguyên khoáng sản - Việt Nam đang ở đâu?” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng nay (8/10) tại Hà Nội.

 

Bất cập trong quản lý

Việt Nam được đánh giá là nước giàu tài nguyên với hơn 5.000 mỏ khoáng sản được phát hiện và trên 60 loại kháng sản khác nhau chia thành 12 nhóm như bauxit, titan-zircon, than, apatit, đá hoa trắng, cát trắng, đá vôi… phân bổ trên khắp 62 tỉnh, thành trong cả nước.

Mặc dù sở hữu nguồn khoáng sản phong phú, dồi dào, song công tác khai thác chưa mang lại hiệu quả cao, đồng thời, công tác quản lý chưa thật sự sâu sát, khiến môi trường bị tàn phá và ảnh hưởng lên cuộc sống của người dân.

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau hơn 2 năm Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, chưa có văn bản nào hướng dẫn mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tính đến tháng 5/2013, đã có 503 giấy phép khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, hơn 4.200 giấy phép được các sở, cơ quan địa phương cấp. Song, phương án quy hoạch tài nguyên khoáng sản trên cả nước vẫn chưa rõ ràng, cũng như chưa có định hướng cụ thể để đạt lợi ích tốt nhất.

 Khai thác khoáng sản, đừng để người dân phải đổ vỏ ảnh 1

Công tác khai thác khoáng sản không được quản lý chặt chẽ đã để lại nhiều hậu quả về môi trường (Ảnh minh họa: Báo Đồng Nai) 

 

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý tài nguyên khoáng sản từ trung ương đến địa phương còn mỏng, kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu, nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

“Lực lượng đội ngũ quản lý công tác khai thác khoáng sản ở các địa phương còn mỏng. Mỗi sở hiện chỉ có khoảng 3 - 5 người đủ khả năng phụ trách quản lý, trong khi số lượng giấy phép khai thác được cấp ra hằng năm rất lớn, làm giảm chất lượng đầu ra”, ông Thanh nói và cho biết thêm, sự phối hợp không đồng đều giữa cơ quan thuế với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản trong việc xác định thuế cũng gây ra thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý khai thác khoáng sản là một vấn đề mới đối với đội ngũ quản lý. Chính vì thế, để có thể cải cách toàn bộ hệ thống thanh tra, kiểm tra và có những biện pháp khắc phục lâu dài là một điều không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh hành lang pháp luật về khoáng sản ở Việt Nam còn mỏng và chưa hoàn thiện.

 

Doanh nghiệp “ăn ốc”, đừng bắt người dân phải “đổ vỏ”

Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam, trừ tài nguyên dầu khí, than đá ra, thì ở đâu có khoáng sản, ở đó vẫn nghèo, môi trường vẫn bị hủy hoại và cơ sở hạ tầng thì xuống cấp dần?”.

Theo ông Hùng, đây là một thực tế đáng buồn ở nước ta. Vì vậy, khai thác tài nguyên khoáng sản cần đảm bảo mục tiêu lâu dài, đó là mang lại lợi ích cho toàn dân, toàn xã hội. Để công tác khai thác khoảng sản hiệu quả, cần công khai minh bạch mọi công tác khai thác khoáng sản trên địa bàn và đưa ra đánh giá chính xác. Vì hiện nay, trong tất cả báo cáo chỉ nêu lên những con số dự đoán, trong khi còn thiếu nhiều con số chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

Đồng tình với quản điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, vấn đề khoáng sản ở Việt Nam còn nhiều tồn tại như chưa đánh giá đầy đủ về tác động tới môi trường, năng lực giám sát trong hệ thống quản lý còn yếu.

“Cần quy định một đơn vị, cấp nào chịu trách nhiệm, cấp nào giám sát từ Trung ương tới địa phương để tránh gây ra những thiệt hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tránh việc khai thác khoáng sản làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, trong khi tài nguyên thiên nhiên bị lấy đi vô ích”, ông Doanh nói.

Mặc dù luật pháp đã có quy định cơ bản về vấn đề khoáng sản, song Việt Nam vẫn chưa thực hiện được bài toán căn bản về khoáng sản trong nước. Để làm được điều đó, theo ông Hồ Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cần phải tính toán một bài toán cân bằng về kinh tế, tài chính, môi trường và hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

“Chúng ta cần tránh việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản thu về lợi nhuận lớn, song lợi ích của người dân trên địa bàn đó không được bao nhiêu, thậm chí cuộc sống còn bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Dũng nói và kiến nghị, Việt Nam nên đưa yếu tố quốc tế vào chính sách quản lý, khai thác để tạo công cụ tích cực trong việc minh bạch thông tin.

 

“Công tác quản lý khai thác tài nguyên  khoáng sản ở Việt Nam còn yếu”

 

Ông Matthieu Salomon, Quản lý chương trình Đông Nam Á, Viện Giám sát nguồn thu (RWI)

 

So với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… công tác quản lý khai thác tài nguyên  khoáng sản ở Việt Nam còn yếu. Kết quả đạt được chưa chứng tỏ được tiềm năng của đất nước.Vấn đề về môi trường khoáng sản vẫn còn là một nhân tố thách thức đối với không chỉ riêng Chính phủ Việt Nam, mà còn cả toàn dân.

 

Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp Việt Nam gần như nắm mọi quyền kiểm soát đối với việc khai thác khoáng sản, trong khi sự can thiệp của Chính phủ còn yếu. Tham gia vào Sáng kiến Minh bạch các ngành công nghiệp khai khoáng (Extractive Industries Transparency Initiative - EITI) sẽ tạo cho Việt Nam môi trường làm việc chuyên nghiệp, chỉ ra đâu là điểm yếu trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản và đưa ra những định hướng về giải pháp thích hợp cho từng vùng, từng địa phương để đạt kết quả tốt nhất.