Khi đầu tư, cần luôn chuẩn bị tình huống bất ngờ

Khi đầu tư, cần luôn chuẩn bị tình huống bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi đầu tư, ngoài việc luôn luyện tập và cải thiện mình, thì phải luôn chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng CTCK SSI chia sẻ.

Trong chương trình Bí mật đồng tiền số 45, nhiều câu hỏi từ nhà đầu tư về việc muốn bỏ cuộc khi gặp biến động dù lớn dù nhỏ rất phổ biến với người mới bắt đầu, nên làm gì để trở nên “lì đòn” hơn. Quan điểm của ông Hưng, có 2 mặt, tâm lý lỳ đòn kiểu gồng lỗ thì không nên, mà phải cân nhắc ta làm gì sai không, nếu sai thì phải dừng và làm lại.

Trả lời cho câu hỏi, khi đầu tư, lúc hưng phấn nhất có nên dừng lại?, ông Hưng cho rằng, đã gặp trường hợp này rất nhiều. Khi thị trường uptrend, nhà đầu tư lãi quá hưng phấn vì lãi nhiều quá, thì lúc đó chính là lúc thị trường đạt đỉnh.

"Khi nhà đầu tư đạt cái ngưỡng tâm lý rằng “mình nhất định phải kể với ai đấy rằng tài khoản mình nhân 2, nhân 3”, “mình nhất định phải post cái tin này lên facebook không thể nhịn được nữa, nhiều tiền thế này cơ mà”…, thì lúc đó nên dừng lại, độ hưng phấn quá cao thường báo hiệu thị trường đã đạt đỉnh", ông Hưng chia sẻ.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động mạnh thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng vừa mua hàng chưa về tài khoản đã lỗ nặng, gây chán nản cực độ và hoang mang. Vì vậy, làm sao chọn được cổ phiếu, chọn lĩnh vực ngành nghề nào – đang là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Về câu hỏi này, ông Trần Đăng Nam, Giám đốc dự án Môi giới cá nhân, Chi nhánh Hà Nội CTCK SSI chia sẻ, tháng 11, đầu tháng 12, nhóm tài chính chứng khoán có nhiều biến động. Tuy nhiên, biến động dòng tiền năm nay có khác biệt mọi năm nên nhà đầu tư phải theo dõi. Các chuyên gia cũng không dám dự báo, vì có nhiều yếu tố biến động, phải tùy cơ ứng biến và đưa ra nhiều kịch bản. Cùng với hoạt động các quỹ ETF cũng có tác động tới nhóm này.

Với ngành thép, cổ phiếu nhóm này bị bán mạnh vì kết quả kinh doanh quý III không tốt, cùng với đó là có nhiều thông tin không tích cực, như số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong tháng 10 một số mặt hàng thép thô sản lượng sản xuất giảm đến 20-25%, hay thông tin một số doanh nghiệp sản xuất thép phải đóng cửa một số nhà máy sản xuất thép... Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận quý III và quý IV.

Về dự báo tương lai của ngành thép trong năm 2023, ông Nam cho rằng, khó dự báo vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, nhu cầu xây dựng của Việt Nam trong tương lai rất lớn, trong đó có nhu cầu đến từ đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nên sẽ có tăng trưởng trong tương lai, nhưng tùy vào từng thời điểm để có điều chỉnh nhất định, bởi giá thép tác động lớn đến chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, ước tính chiếm đến 30%. Nếu giá thép quá cao cũng làm tăng chi phí đầu tư, ngoài ra còn phụ thuộc lượng phôi nhập khẩu, phụ thuộc thị trường xuất nhập khẩu thế giới. Thị trường nước ngoài tăng đột biến thì dĩ nhiên có lượng thép nhất định xuất khẩu đi nước ngoài.

Với đầu tư công, ông Hưng chia sẻ, Chính phủ ra nhiều chỉ thị, nghị quyết thúc đẩy đầu tư công, nhưng đến thời điểm này số liệu mới nhất của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê công bố thì tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, khoảng 56% kế hoạch cả năm.

Với nhóm ngành bảo hiểm, việc lãi suất tăng dường như nhóm này được hưởng lợi, vì các doanh nghiệp bảo hiểm thường đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ và gửi tiền ngân hàng, nhưng theo ông Hưng, cần nhìn thêm mặt ngược lại, đó là lãi suất tăng khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, qua đó khiến phần đầu tư vào cổ phiếu của nhóm này sẽ bị giảm. Có trường hợp, lãi suất tăng, với công ty bảo hiểm danh mục cổ phiếu giảm mạnh thì lại là không tốt cho họ.

Với lĩnh vực hàng không, sau dịch, nhu cầu giao thương, đi lại sẽ tăng lại nên ngành phục hồi mạnh mẽ, nhưng để trở lại hoàn toàn thì phải tầm 2 năm nữa. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bỏ chính sách zero Covid, thì lượng khách từ thị trường này sẽ tăng mạnh và đây là việc có lợi cho ngành du lịch, hàng không. Tuy nhiên, hiện trên sàn hơi ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nên cơ hội đầu tư không nhiều.

Trong khi đó, với ngành hóa chất, cụ thể là Hóa Chất Đức Giang (DGC) đang hưởng lợi nhờ Trung Quốc hạn chế xuất khẩu photpho. Việc Trung Quốc có mở cửa trở lại hay không không ảnh hưởng nhiều tới DGC, mà yếu tố ảnh hưởng chính là chính sách xuất khẩu photpho của Bắc Kinh có nới lỏng hay không.

Tin bài liên quan